6 thg 7, 2019

Người có tâm thái đàng hoàng mới làm nên đại sự: Không dễ nổi nóng, ít kỳ vọng, suy nghĩ tích cực

Trưởng thành không liên quan đến tuổi tác. Đó là một trạng thái tâm hồn thanh thản, là sự “thờ ơ” với những cám dỗ của cuộc sống, là một lối sống trưởng thành và là cách đối nhân xử thế.

Cuộc sống của mỗi người đều đi kèm với nhiều cung bậc cảm xúc, với sự lĩnh ngộ và trải nghiệm.

Chúng có thể tốt hoặc xấu, có thể đúng hoặc sai, có thể khiến bạn hạnh phúc, cũng có thể khiến bạn đau khổ, nhưng chính những quá trình này sẽ giúp bạn từng bước trưởng thành.

Có lẽ chúng ta của những năm tháng trẻ tuổi, đã từng điên cuồng, đã từng sắc sảo, từng đội trời đạp đất.

Nhưng, theo thời gian, chúng ta dần dần sẽ học được cách trở thành một người bình tĩnh, trầm ổn và chín chắn hơn.

--01--
Chúng ta của ngày xưa, gặp những người khiến bạn không vui, những việc khiến bạn cảm thấy khó khăn, hay những tai nạn và chấn thương bất ngờ, sẽ ngay lập tức nổi trận lôi đình, nóng nảy, tức giận.

Nhưng sau này, chúng ta sẽ dần dần học được cách "kìm nén" những nóng giận đó lại,

Ngay cả khi bên trong rất tức giận, nhưng vẫn sẽ duy trì được sự bình tĩnh, cư xử đúng mực và hành vi hợp lý bên ngoài.

Các nhà tâm lý cho rằng mất bình tĩnh là điều vô giá trị nhất:

Một là, cơ thể là của bạn, nếu bạn "điên lên", người chịu khổ đầu tiên sẽ là bạn.

Hơn nữa, tự trừng phạt bản thân vì những sai lầm do người khác gây ra, không hề đáng. Và nếu bạn hơn thua với chính mình, điều này lại càng không cần thiết.

Thứ hai, tức giận không thể giải quyết vấn đề, ngược lại, nó sẽ chỉ khiến mọi thứ ngày càng tồi tệ hơn, thậm chí còn làm hủy hoại mối quan hệ với những người xung quanh.

Chỉ khi bước vào xã hội, chỉ khi đã "lăn lộn" một thời gian dài, bạn sẽ dần dần "làm phẳng" được các "góc cạnh" của mình, làm dịu đi sự háo thắng, rồi sau đó bình tĩnh đi đối nhân xử thế, thay vì phơi bày nông cạn và ấu trĩ của bằng những cơn nóng giận.

Chỉ khi không còn dễ nổi nóng, bạn mới thực sự trưởng thành.

--02--
Chúng ta của trước đây, đối đãi với bất kì người hay sự việc nào cũng đều ôm một kỳ vọng rất lớn.

Chúng ta cho rằng chỉ cần nỗ lực là sẽ có thể đạt được kết quả như mong muốn. Chúng ta tin rằng chỉ cần mình chân thành thì sẽ đổi lại được chân tình. Chúng ta tin rằng chỉ cần là một người tốt thì "ở hiền sẽ gặp lành".

Hóa ra, nỗ lực chỉ là điều kiện cần của thành công, nhưng không phải là điều kiện duy nhất. Nếu bạn nỗ lực, bạn có thể thành công, nhưng nếu bạn không cố gắng, bạn chắc chắn sẽ không thành công.

Vì vậy, bạn chỉ cần "cày", bạn phấn đấu và làm hết sức mình, ngay cả khi kết quả không được như mong muốn, ít nhất bạn cũng sẽ không hối tiếc.

Hóa ra, chúng ta đối xử với mọi người bằng sự chân thành, nhưng đối phương không nhất thiết phải chân thành lại, hoặc thậm chí là giả dối.

Vì vậy, bạn phải hạ thấp kỳ vọng của mình với người khác, càng không thể đánh giá quá cao mối quan hệ của mình với bất kỳ ai.

Bởi vì kỳ vọng càng cao, tổn thương càng sâu sắc. Hy vọng càng lớn, mất mát càng nhiều.

Hóa ra, chúng ta làm người tốt, đây là phẩm chất đạo đức mà chúng ta nên có, nhưng điều này không có nghĩa là bạn sẽ không bao giờ gặp phải chuyện xấu hay người xấu, thậm chí là những kẻ "lấy oán báo ân".

Bạn không thể kiểm soát lời nói và hành động của người khác, bạn chỉ có thể tự quản lý mình, vì vậy, chỉ cần bạn luôn ngay thẳng, chính nghĩa, trung thực và có lương tâm, thế là đủ.

Khi bạn ở một mình, hãy từ từ giảm bớt những kỳ vọng của mình với người khác, với kết quả và với mọi thứ bên ngoài, có vậy bạn mới không bị vướng mắc, không phải gồng mình lên kiên trì, gồng mình lên ép bản thân, thay vào đó sẽ trở nên lý tính và khôn ngoan hơn.

--03--
Chúng ta của trước đây, gặp một người sống tốt hơn mình, dễ dàng nảy sinh sự tự ti, đi so sánh, gặp phải một tình huống khó khăn, dễ dàng rơi vào trạng thái chán nản.

Sau này:

Bạn đã học được cách không phàn nàn.

Cái gì có thể thay đổi, hãy thay đổi; không thể thay đổi, hãy chấp nhận. Đừng tự đi dày vò bản thân một cách vô nghĩa, vừa là để tránh những tổn thương, vừa là không để ảnh hưởng đến người khác.

Hầu hết thời gian, chúng ta chỉ thấy sự ngọt ngào của người khác mà không thể thấy được sự cay đắng đằng sau họ. Hạnh phúc là cảm giác mãn nguyện chứ không phải là khát khao lấp đầy những lỗ hổng.

Bạn đã học được cách nghĩ theo hướng tích cực.

Trên thực tế, mọi thứ đều có hai mặt. Nếu bạn chú ý nhiều hơn đến mặt tích cực, lạc quan, đầy nắng của chúng, bạn sẽ có thể hấp thụ lại được cùng thứ năng lượng.

Tâm thái không tốt, thế giới sẽ trở nên buồn tẻ, khi tâm thái tốt, cuộc sống sẽ tươi sáng và rực rỡ hơn rất nhiều.

Trưởng thành là khi biết nhìn lại mình, điều chỉnh, chữa lành từ bên trong, thay vì tìm kiếm những thứ viển vông từ bên ngoài.

Trên thực tế, một người càng có bản lĩnh càng giỏi kiềm chế cảm xúc, bởi vì họ có khả năng, trình độ và sức mạnh để đối mặt với mọi khó khăn và trắc trở.

Trưởng thành không liên quan đến tuổi tác. Đó là một trạng thái tâm hồn thanh thản, là sự "thờ ơ" với những cám dỗ của cuộc sống, là một lối sống trưởng thành và là cách đối nhân xử thế.

Nguồn CafeF

0 comments:

Đăng nhận xét