Sự trưởng thành sẽ dạy chúng ta bài học rằng: Đừng chỉ tìm bạn bè, hãy tìm bạn đúng nghĩa.
Trên thế giới này luôn có hai loại người khác nhau. Thứ nhất đó là người biết ơn báo ơn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng. Còn lại người thứ hai chính là kẻ nuôi ong tay áo, nuôi cáo trong nhà, vong ơn bội nghĩa.
Đối với người thứ nhất, bạn tốt với họ một thì họ sẵn sàng đáp trả lại mười. Tuy nhiên, với kiểu người thứ hai, càng giúp đỡ họ, họ lại càng xem đó là chuyện đương nhiên. Họ chỉ coi chính mình là trên hết mà không biết tầm quan trọng của lòng biết ơn, cũng không hiểu rằng, chẳng ai trên đời mãi mãi đối tốt với mình mà không cần trả giá. Kiểu người thứ hai thường có những đặc điểm sau đây mà chúng ta nên tránh xa, không qua lại thân thiết.
Kẻ không nhớ điểm tốt, chỉ nhớ điều xấu; không nhớ cái ơn, chỉ ghi cái thù
Lấy ví dụ một cách dễ hiểu, nếu anh ta mười ngày thì có chín ngày mượn bút của bạn, bạn vẫn vui vẻ cho mượn và họ cũng vui vẻ nhận lấy. Nhưng đến ngày thứ mười, bạn có việc cần dùng bút và không cho họ mượn nữa, họ lập tức giận dữ, nảy sinh cảm giác căm ghét và cho rằng bạn là người ki bo, xấu tính, không biết giúp đỡ hay chia sẻ với mọi người.
Kiểu người như vậy sẵn sàng trở mặt ngay cả với những người thân thiết và tốt bụng nhất, từng giúp đỡ mình nhiều nhất. Vì một phần ích lợi của bản thân, họ coi như xóa bỏ hết toàn bộ lòng tốt và sự nhiệt tình trong chín lần giúp đỡ trước của bạn, mà chỉ chăm chăm nhớ rõ việc bạn đã từ chối, đã đối xử "tệ" với họ thế nào trong lần thứ mười.
Người đã không có lòng biết ơn thì đương nhiên sẽ không bao giờ trả ơn, họ chỉ biết gây thù chuốc oán và ôm những suy nghĩ ích kỷ về mình. Đây là kiểu người dễ dàng hành xử vong ân phụ nghĩa nhất mà chúng ta nên tránh xa, đừng coi là bạn bè.
Người luôn luôn hoài nghi động cơ của người khác
Hẳn là trong chúng ta, rất nhiều người đã không còn xa lạ với câu chuyện về "Người nông dân và con rắn". Chuyện xưa kể về một bác nông dân đi qua cánh đồng vào một buổi sáng mùa đông lạnh lẽo. Thấy trên mặt đất nằm một con rắn bất động như thể bị đông lạnh sắp chết, bác nông dân bèn động lòng thương xót, quyết định nhặt nó lên và ôm vào ngực để ngủ ấm, muốn cứu nó sống lại. Nhận được hơi ấm từ bác nông dân, con rắn dần dần tỉnh lại. Thế nhưng, ngay khi nó lấy lại đủ sức mạnh của mình, nó lại quay ra cắn chết bác nông dân theo bản năng. Đến khi trút hơi thở cuối cùng, bác nông dân mới thì thào: Mọi người phải học hỏi từ số phận của tôi, đừng bao giờ thương hại một kẻ vong ân bội nghĩa.
Từ câu chuyện trên, chúng ta có thể thấy rằng, phải luôn luôn cảnh giác và duy trì khoảng cách, tránh xa những kẻ chỉ biết nghĩ về lợi ích của mình mà bất chấp đến cái ân cái đức đã nhận từ người khác như thế nào. Cuộc đời luôn tồn tại một số người sẽ không bao giờ thay đổi bản chất của chính họ, bất kể chúng ta đối xử với họ tốt thế nào đi nữa.
Chính vì lẽ đó, sống trên đời, muốn giúp đỡ người khác, chúng ta cũng phải phân rõ người thiện với kẻ ác. Có như vậy, chúng ta mới đem sự giúp đỡ tới cho những người xứng đáng được nhận, còn đối với những kẻ ác thì quyết không được nhân từ, nương tay.
Như con rắn độc trong câu chuyện kia, dù nhận ơn cứu mạng của bác nông dân nhưng với bản tính máu lạnh và đa nghi của loài bò sát, nó vẫn đem lòng hoài nghi động cơ của người khác, sợ bị bác nông dân giết hại.
Cuối cùng, nó đã hành xử theo bản năng mà cắn đứt sinh mạng chính ân nhân của mình. Đặt vào một trường hợp khác, khi chúng ta là người giúp đỡ, muốn đưa bạn bè thoát khỏi bước đường cùng khốn khó thất bại, lòng tốt không nhận được báo đáp thì thôi, họ lại một mực đề phòng và nghi ngờ chúng ta âm thầm thu lợi ích đằng sau đó.
Trong Tam Quốc, Tào Tháo từng có câu nói nổi danh thiên hạ như sau: "Đã dùng người thì không nghi người, đã nghi người thì không dùng người." Có thể thấy rằng, sự đa nghi là điều tối kỵ trong mọi mối quan hệ, dù là bạn bè thân thiết đến mấy hay chỉ là đối tác hợp tác lẫn nhau.
Do đó, khi gặp người quá đa nghi, tốt nhất chúng ta nên cẩn trọng mọi bề trong chuyện giao tiếp thường ngày để tránh xung đột lợi ích, bị họ thù oán lúc nào cũng chẳng hay.
Nguồn CafeF
0 comments:
Đăng nhận xét