22 thg 8, 2019

Cư dân dự án Đại Thanh: Chúng tôi dùng 'tiền thật' để mua 'hàng giả'

Cư dân tại dự án Đại Thanh cho rằng các cơ quan, ban ngành thuộc Sở Xây dựng, Thanh tra thành phố... có trách nhiệm trong công tác quản lý ở dự án Đại Thanh. Trước mắt, người mua nhà liền kề chưa được phép xây dựng do vi phạm của chủ đầu tư chưa được giải quyết triệt để. Sau buổi đối thoại, nhiều câu hỏi của cư dân bị bỏ ngỏ. Cư dân bức xúc căng băng rôn ngay tại nơi diễn ra buổi đối thoại.

Theo thông tin từ cư dân dự án Đại Thanh (Hà Nội), đây không phải là buổi làm việc đầu tiên giữa cư dân và các cơ quan quản lý. Thậm chí, một cư dân cho biết đây là lần thứ 8 nhóm cư dân này đi tìm hướng giải quyết cho việc đất và căn hộ của mình bị “treo” sổ đỏ. Buổi đối thoại giữa đại diện Sở xây dựng, Sở Tài nguyên & Môi trường và một số cơ quan liên quan với cư dân dự án Đại Thanh diễn ra từ 9h sáng đến hơn 12h trưa 20/8.

Buổi đối thoại, theo văn bản cư dân gửi trước đó, sẽ xoay quanh 3 nội dung:
  • Thứ nhất là khả năng tiếp tục xây dựng tại những lô đất chưa xây, bao gồm cả những việc cần làm của cư dân và các cơ quan chức năng để được tiếp tục xây dựng.
  • Thứ hai là việc cấp sổ đỏ cho 2.000 hộ chung cư và 500 nhà liền kề chưa được cấp, lộ trình cấp sổ liên quan đến những bên nào.
  • Thứ ba là trách nhiệm của chủ đầu tư về việc trả hạ tầng đồng bộ cho cư dân.

Cũng theo nguyện vọng và đề xuất trước đó, buổi làm việc phải có mặt đại diện chủ đầu tư, lãnh đạo có thẩm quyền cao nhất của các sở. Tuy nhiên, theo ông Cù Quang Anh, Phó Chánh thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, chủ đầu tư không tham gia buổi chất vấn dù cơ quan này đã gửi giấy mời. 

Bên cạnh đó, dù tham dự buổi đối thoại nhưng đại diện lãnh đạo huyện Thanh Trì, đại diện Công an TP Hà Nội không phát biểu ý kiến.

"Nói thẳng ra thì tiền chúng tôi bỏ ra mua là tiền thật, nhưng hàng nhận về là hàng giả"

Ông Nguyễn Văn Viên (46 tuổi), 1 trong 5 đại diện cư dân chất vấn, đặt câu hỏi: Vì sao dự án Đại Thanh được bán từ năm 2011, cư dân mua từ năm 2012 nhưng phải đến năm 2015 các cơ quan chức năng mới vào cuộc kiểm tra và phát hiện sai phạm của chủ đầu tư?  “Nói thẳng ra thì tiền chúng tôi bỏ ra mua là tiền thật, nhưng hàng nhận về là hàng giả, hàng không có chứng chỉ, không có tem bảo đảm chất lượng”, ông Viên nói.

Cư dân này cũng đặt câu hỏi trong cùng dự án, cùng sai phạm, nhưng 6 toà chung cư lại được thi công, trong khi nhà liền kề, nhà cấp 4 lại không.

Một số đại diện cư dân dự án Đại Thanh phản ánh họ chi cả tỷ đồng để mua căn hộ chung cư, đất của chủ đầu tư nhưng đến nay không được cấp sổ đỏ, muốn đem thế chấp ngân hàng để vay vốn kinh doanh, hay chuyển nhượng đều khó khăn, con cái không được nhận vào các trường học trên địa bàn do không có hộ khẩu... Một vài người khác khẳng định giao dịch mua bán đất của cư dân là hợp pháp thông qua sàn giao dịch.

Chưa có câu trả lời cuối cùng
Ông Cù Quang Anh khẳng định vi phạm ở dự án thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư. Các sai phạm cũng đã được cơ quan thanh tra kết luận thời gian trước. Cụ thể, Tập đoàn Mường Thanh chưa hoàn tất thủ đầu tư xây dựng theo quy định về đất đai, nghĩa vụ tài chính, tổ chức bán căn hộ, nhà liền kề chưa thực hiện đúng quy định xây dựng. “Năm 2015, 2016 đến nay, thành phố đã chỉ đạo chủ đầu tư phải hoàn thành các thủ tục đầu tư dự án, các vướng mắc chưa hoàn thành, hướng dẫn chủ đầu tư liên hệ với các cơ quan nhà nước để được tháo gỡ nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện”, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho hay.

Cũng theo ông, cư dân chưa thể được phép thi công nếu chủ đầu tư chưa hoàn tất thủ tục. Việc giải quyết vướng mắc phụ thuộc vào việc Mường Thanh cung cấp được các hồ sơ liên quan để thực hiện các dự án quản lý đầu tư xây dựng ra sao. 

Về việc cấp sổ hồng cho căn hộ chung cư Đại Thanh, ông Nguyễn Quốc Huy, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, cho biết những căn hộ được xây dựng đúng theo quy hoạch đã và sẽ được cấp sổ. Với các tòa đang có sai phạm, Sở đang chờ kết quả rà soát, kiểm tra. Tại cuộc đối thoại, ông Huy cũng không trả lời triệt để được lý do và vướng mắc hiện hữu tại dự án Đại Thanh trong việc cấp sổ đỏ cho cư dân là gì.

Khi nhiều cư dân mong muốn được đối thoại với đại diện chủ đầu tư, ông Quang Anh cho biết đã mời nhưng doanh nghiệp không đến dự. Cư dân đặt câu hỏi về các nội dung liên quan tính hợp pháp của hợp đồng mua bán, tình trạng thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của chủ đầu tư. Ngay khi đối thoại đang diễn ra, một số cư dân dự án này đã tập trung căng băng rôn ngay trong phòng họp, trước cổng trụ sở Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội.

Không đưa ra kết luận cuối cùng trong buổi làm việc, ông Cù Quang Anh cho biết sẽ trả lời các vấn đề cư dân thắc mắc bằng văn bản.

Khu đô thị Đại Thanh (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội) do Doanh nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên thuộc Tập đoàn Mường Thanh làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô 17 ha, gồm các khu nhà liền kề, biệt thự và 6 khối nhà cao tầng, còn lại là các khuôn viên vườn hoa, cây xanh, nhà trẻ và khu công cộng khác. Hiện tại, các khối nhà cao tầng tại dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động.

Năm 2015, sau khi thanh tra việc thực hiện xây dựng theo quy hoạch được phê duyệt, công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng của các dự án chung cư, nhà ở của Doanh ngiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên (thuộc Tập đoàn Mường Thanh) trên địa bàn TP Hà Nội, Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành kết luận, chỉ rõ hàng loạt sai phạm trong xây dựng nhà ở cao tầng CT8 lô HH2 và CT10 lô HH1 (KĐT Đại Thanh).

Đến đầu năm 2017, Thanh tra Chính phủ kết luận dự án “có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng”; các bên tham gia dự án cũng đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của Nhà nước về xây dựng, đầu tư, đất đai, kinh doanh bất động sản…

Hàng nghìn chủ các lô biệt thự, liền kề, chung cư tại dự án Đại Thanh không được cấp sổ đỏ, không được phép xây dựng nhà ở.

Theo Người đồng hành

0 comments:

Đăng nhận xét