22 thg 8, 2019

Loạt cư dân TNR Goldmark City khốn khổ vì chủ đầu tư không giao sổ hồng

Dự án TNR Goldmark City địa chỉ tại 136 Hồ Tùng Mậu, phường Phú Diễn, quận Từ Liêm, Hà Nội, tổng diện tích dự án 113.909 m2, tổng số căn hộ 5.000 căn do Công ty TNHH Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân làm chủ đầu tư, TNR Holdings Việt Nam là đơn vị quản lý và phát triển dự án. Dự án bàn giao căn hộ vào đầu năm 2018.

"Nói một đằng, làm một nẻo"
Phản ánh với báo chí những ngày qua, đại diện cư dân mua căn hộ TNR Goldmark City bày tỏ nhiều bức xúc gặp phải khi nhận nhà, trong đó, nổi cộm nhất là việc chủ đầu tư không chịu bàn giao sổ đỏ cho cư dân, thiết kế toà nhà sai với những gì được chủ đầu tư quảng cáo khi làm hợp đồng mua bán căn hộ.

Cụ thể, cư dân TNR Goldmark City cho biết, chủ đầu tư tự ý đưa ra mức phí dịch vụ 12.688 đồng/m2 yêu cầu cư dân đóng mà không có cơ sở. Ban đại diện cư dân đã nhiều lần yêu cầu Việt Hân phải minh bạch tính toán nhưng chủ đầu tư không thực hiện. Do không thống nhất được mức phí dịch vụ được cho là quá cao mà công ty Việt Hân đưa ra nên nhiều căn hộ chưa thanh toán mức phí này. 

Để có thể thu được khoản phí dịch vụ này, Công ty Việt Hân yêu cầu cư dân phải thanh toán đủ tiền phí dịch vụ mới trả giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ cho cư dân.

Đại diện cư dân khẳng định, theo các điều khoản trong Hợp đồng mua bán căn hộ đã được kí kết giữa Công ty Việt Hân và cư dân khu Sapphire: Cư dân có quyền nhận giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ sau khi thanh toán đủ 100% tiền mua căn hộ, kinh phí bảo trì, các loại thuế, lệ phí liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận mà không có bất kì điều khoản nào quy định phải nộp đủ phí dịch vụ (Phí quản lý) mới được nhận giấy chứng nhận. 

Ngoài bức xúc trên, đại diện cư dân còn cho biết, khi mua căn hộ chủ đầu tư cam kết dự án Goldmark City là dự án kín, có hàng rào bao quanh, chiều cao từ 4-5m. Tuy nhiên, đến nay, việc thi công lắp đặt hàng rào vẫn chưa hoàn thành, dẫn đến tình trạng cư dân lo mất an ninh, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của cư dân.

Theo thiết kế quy hoạch xây dựng 1/500 được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, một phần diện tích tầng 1 bố trí nhà trẻ phục vụ cho khu ở, phần còn lại để trống tạo không gian vui chơi, giải trí, sinh hoạt cộng đồng. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã tự ý cho thuê mặt bằng tầng 1 của 2 toà Sapphire 1 và 4 để làm trung tâm thương mại.

Dù mới chỉ đưa công trình hoạt động được hơn 1 năm nay nhưng theo phản ánh của cư dân, hiện nay tại mặt sàn tầng hầm B2 của hai tòa S1 và S4 xuất hiện nhiều những vết nứt lớn gây ảnh hưởng đến việc di chuyển của xe cộ, có nguy cơ ảnh hưởng đến độ an toàn của các căn hộ phía trên. 

"Chưa dừng lại đó, vào giờ cao điểm, mật độ cư dân sử dụng 5 thang máy của mỗi tòa là rất lớn. Tuy nhiên, thang máy thường xuyên bị lỗi, thậm chí là bị rơi tự do, rất lo sợ", anh Sinh, đại diện ban cư dân phản ánh.

Chủ đầu tư nói gì?


Trao đổi với VnEconomy về mức phí dịch vụ, Công ty Việt Hân cho biết đã nhiều lần làm việc và thống nhất về mức phí dịch vụ. Tuy nhiên, thực tế triển khai, nhiều hộ dân không đóng phí dịch vụ và tiện điện nước. Chủ đầu tư đã làm việc với một số căn hộ nhưng không có kết quả, và buộc phải dừng dịch vụ các hộ nợ phí, điện, nước, tiền giữu xe. 

"Còn 125 căn chưa nhận sổ đỏ, chủ đầu tư đang vận động cư dân hoàn đóng phí dịch vụ quản lý còn nợ cho đến khi nhận sổ đỏ", đại diện chủ đầu tư nói và cho biết thêm, đã đi đến phương án nếu trong tháng 8/2019 không thể thống nhất được với cư dân về mức phí quản lý tại đây, với các khu đã thành lập Ban quản trị, chủ đầu tư sẽ bàn giao cho Ban quản trị tự tìm đơn vị vận hành tòa nhà theo mong muốn của cư dân tại đó. 

Đại diện phía cư dân anh Vũ Khắc Trung khẳng định giữa cư dân và chủ đầu tư chưa từng thống nhất về mức phí dịch vụ như chủ đầu tư nói. Chủ đầu tư đến nay cũng không công khai chi tiết từng hạng mục tính vào phí dịch vụ theo quy định. 

"Ban đại diện cư dân Sapphire đã nhiều lần yêu cầu Công ty Việt Hân thực hiện đúng theo các quy định hiện hành, thống nhất với cư dân, minh bạch trong việc tính toán để cư dân sớm được đóng phí dịch vụ với mức phí hợp lý, phản ánh đúng thực trạng dịch vụ tại khu Sapphire. Tuy nhiên, Công ty Việt Hân đã không đáp ứng nguyện vọng đó của cư dân", anh Trung nói.

Đối với phản ánh của cư dân liên quan đến thang máy rơi tự do, chủ đầu tư tự ý cho thuê mặt bằng tầng 1 của 2 toà Sapphire 1 và 4 để làm trung tâm thương mại sai với quy hoạch, mặt sàn bị nứt… mặc dù phóng viên đã liên hệ nhiều lần song chủ đầu tư đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính thức.

Trao đổi với VnEconomy, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà ở và Thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng cho rằng, đối với trường hợp giữa Công ty Việt Hân và cư dân TNR Goldmark City, tốt nhất là đại diện chủ đầu tư, đại diện cư dân nên cử những người chuyên về kinh tế, tài chính ngồi lại với nhau một buổi để làm rõ khoản thu phí gần 13.000 đồng kia bao gồm những mục nào. 

"Chẳng hạn, chi cho chăm sóc cây cảnh bao nhiêu, bảo vệ lương bao nhiêu, thu gom rác bao nhiêu… Những cái này hoàn toàn có thể tính toán được, nhà nước chỉ đưa ra khung giá trần chứ không chốt hộ cho từng dự án. Đây là giao dịch dân sự, thoả thuận giữa cư dân và chủ đầu tư với nhau. Trong trường hợp hai bên không thống nhất được thì ra toà giải quyết", ông Ninh nói.

Cũng theo ông Ninh, mâu thuẫn phí dịch vụ giữa cư dân và chủ đầu tư tại các dự án nhà chung cư không phải là chuyện mới. Trên thực tế, cũng có nhiều chủ đầu tư quản lý tốt, hỗ trợ cư dân một phần kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư. Tuy nhiên, không tránh khỏi có những dự án chủ đầu tư có dụng ý không tốt, trường hợp này cư dân hoàn toàn có thể đề nghị đơn vị khác quản lý vận hành.

"Để hạn chế mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra, khi đưa ra mức phí dịch vụ, ban quản trị, chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành phải công khai với cư dân, nếu đồng ý thì ký thoả thuận. Việc đưa ra mức phí dịch vụ phải áp dụng theo khung giá mà UBND thành phố Hà Nội ban hành", ông Ninh khuyến cáo.

Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư Tp.HCM: Công ty Việt Hân có hành vi chiếm giữ trái pháp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ của cư dân, để ép các chủ căn hộ đóng tiền phí dịch vụ mà chưa được thống nhất là vi phạm pháp luật. Chủ đầu tư có trách nhiệm làm các thủ tục cấp giấy chứng nhận cho cư dân, không được chiếm giữ nhằm mục đích cưỡng ép cư dân thực hiện những yêu cầu của mình. Căn cứ khoản 2 điều 120 Luật Nhà ở 2014:

"Điều 120. Trình tự, thủ tục thực hiện giao dịch về nhà ở quy định: Các bên thỏa thuận để một bên thực hiện nộp hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đối với nhà ở đó; trường hợp mua, thuê mua nhà ở của chủ đầu tư dự án thì chủ đầu tư có trách nhiệm làm thủ tục để cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cho bên mua, bên thuê mua, trừ trường hợp bên mua, bên thuê mua tự nguyện làm thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận."

Hành vi trên của công ty Việt Hân còn có dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản, lợi dụng vào việc đang giữ những giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ của cư dân để ép các chủ sở hữu căn hộ miễn cưỡng đóng những chi phí cho công ty Việt Hân đưa ra, mặc dù các cư dân chưa thống nhất và không đồng ý, không tự nguyện.

Căn cứ điều 170 BLHS hiện hành quy định như sau:

"Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản: Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm."

Vụ việc người dân nên làm đơn tố cáo ra cơ quan công an có thẩm quyền để được cơ quan giai quyết theo quy định.

Nguồn VNECONOMY

0 comments:

Đăng nhận xét