Nhân tố này đã giúp tỷ phú doanh nhân giàu thứ hai Trung Quốc là Lý Ngạn Hoành bình tĩnh đối mặt và xử lý gọn gàng một nguy cơ lớn, có thể gây điều tiếng khủng khiếp cho Baidu.
Không chỉ tư duy, trí thông minh và kinh nghiệm mà chính nhân tố cảm xúc cũng có thể trở thành một rào cản lớn, ảnh hưởng đến con đường thành công.
Có những thời điểm, vì bị cảm xúc chi phối, những việc vốn nằm trong tầm tay và khả năng cũng có thể đi lệch hướng, trở thành thất bại. Trong sự nghiệp, ai cũng luôn nỗ lực hết mình để hướng tới tương lai, nhưng khi chúng ta còn giữ thói quen dùng cảm xúc để quyết định sự việc, thì rất khó có thể đạt được những thành tựu đột phá. Nếu thích thì làm, không thích thì từ bỏ, bao giờ mới có thể đi tới cuối con đường thành công?
Trên thực tế, khi chúng ta làm việc, bất kể công việc đó như thế nào thì đều phải nỗ lực hết sức mình, dùng hết mọi khả năng để hoàn thành nó. Cho dù hành trình đó đầy khó khăn và gian khổ, có thể phải trả bằng máu và nước mắt thì cũng cần kiên trì giữ vững lý tưởng và định hướng của bản thân. Không thể để nhân tố cảm xúc nhất thời chi phối và cố gắng tìm được cách thích ứng trong mọi nghịch cảnh, tôi luyện trí tuệ và tâm tính của bản thân. Có như vậy, con đường chúng ta đi mới càng xa hơn.
Có một anh chàng lên thành phố lớn lập nghiệp và thuê một căn hộ ở suốt 10 năm. Rồi dần dần, căn hộ đến thời kỳ xuống cấp và bắt đầu dột mưa một cách nghiêm trọng. Anh ta nhận ra mình cần phải đổi một chỗ ở khác ngay lập tức nhưng trong lòng vẫn không ngăn được sự lo lắng mỗi ngày.
Lúc nào anh ta cũng tự hỏi rằng: "Không biết nhà mới có đầy đủ điều kiện tiện nghi như bây giờ không? Liệu rằng tiện nghi nhưng giá cả có đắt đỏ hay không? Môi trường xung quanh thế nào? Hàng xóm có khó tính không? Tình hình giao thông đường xá có đông đúc không, đi làm có tắc nghẽn không?"
Chỉ cần nghĩ đến việc mình phải tìm cách thích nghi với một môi trường hoàn toàn mới, những con người mới và sự vật mới, anh ta lại cảm thấy vô cùng lo lắng và băn khoăn.
Tình huống tương tự cũng xảy ra trong quãng sự nghiệp, khi chúng ta đã nhận thấy từ lâu rằng mình không còn có thể phát triển thêm tại vị trí này nữa, đó là lúc mà chúng ta cần phải tìm đến một sự thay đổi. Một công việc mới, với những đãi ngộ mới chắc chắn sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn, nhưng bản thân chúng ta vẫn không ngừng băn khoăn, do dự và chần chừ.
Khi chúng ta không ngừng tự hỏi rằng: "Liệu mình có thể tìm được một công việc khác tốt hơn bây giờ hay không, đồng lương có cao hơn hay không, công việc có thích hợp hay không...?", cũng là lúc chúng ta đang bộc lộ sự tự ti cố hữu trong tư duy thường ngày.
Có thể thấy rằng, nỗi lo âu và sợ hãi có thể hạn chế tiềm năng trong con người. Đó là trạng thái tâm lý tiêu cực, đến từ những cảm giác thiếu an toàn trong nội tâm. Giống như người đàn ông đầu tiên, do không tự tin về điều kiện tài chính và năng lực giao tiếp nên anh ta mới sợ hãi việc chuyển nhà như vậy. Cũng như trong trường hợp thứ hai, cảm giác thiếu tự tin trong năng lực và kinh nghiệm nghiệp vụ của mình sẽ khiến chúng ta luôn lo sợ mình không thích ứng được với công việc mới.
Sự sợ hãi này chỉ khiến chúng ta rơi vào khủng hoảng và áp lực mà không đem lại một tác dụng thực tế nào hết. Nếu mỗi con chim mới đẻ ra đều sợ bị ngã thì sẽ không bao giờ có thể học được cách bay lượn trên trời cao bằng đôi cánh của mình. Giống như bản thân mỗi con người sợ sự thay đổi, đổi mới thì không bao giờ có thể đạt được những bước phát triển khác cho tương lai. Chỉ khi nào khống chế được cảm xúc tiêu cực của bản thân, chúng ta mới có thể mạnh mẽ hơn trên con đường chinh phục thành công sau này.
Câu chuyện kể lại rằng, khi vị tỷ phú, doanh nhân người Trung Quốc là Lý Ngạn Hoành có buổi thuyết trình sự kiện AI của Baidu, một thanh niên lạ mặt đã bất ngờ xông lên sân khấu và đổ thẳng một chai nước lên đầu ông.
Trong khi tất cả mọi người hết sức ngỡ ngàng và nhốn nháo, Lý Ngạn Hoành chỉ thản nhiên nói một câu: "What's the problem?".
Sau đó, ông lập tức bình tĩnh mà cười nói với khán giả rằng: "Các bạn có thể thấy đấy, trên con đường phát triển AI của chúng tôi, tất cả mọi điều bất ngờ đều có thể xảy ra. Nhưng quyết tâm của chúng tôi lại là điều không bao giờ thay đổi. Nhất định trong tương lai, công nghệ này sẽ thay đổi cuộc sống của mỗi người."
Tại thời điểm trọng đại ấy, vị CEO của Baidu không những không tức giận, chỉ trích, mà có thể nhanh chóng dùng sự bông đùa để hóa giải bầu không khí gượng gạo và xấu hổ đang tràn ngập hiện trường. Một sự kiện có thể trở thành tâm điểm bôi xấu của truyền thông lại được dùng những cảm xúc ổn định và tích cực để hóa giải, khiến những người chứng kiến phải hết lời bội phục bản lĩnh mạnh mẽ ấy của Lý Ngạn Hoành.
Khi đối mặt với sự hiếu chiến, thay vì sợ hãi không dám gánh vác, chúng ta cần sử dụng thái độ bình tĩnh và tích cực để có thể đưa ra những giải pháp thích hợp nhất, vượt qua thời điểm khó khăn. Muốn thành tựu càng lớn, thành công càng nhiều, lại càng phải có bản lĩnh để không chế cảm xúc của mình, hướng tới mục đích có lợi cho bản thân.
Nguồn CafeF
0 comments:
Đăng nhận xét