Phản ánh với báo giới về đợt phát hành trái phiếu của một ngân hàng lớn trong thời gian gần đây, nhiều nhân viên ngân hàng cho biết có tình trạng bị "ép" mua trái phiếu do chính ngân hàng này phát hành.
Theo phản ánh, trụ sở chính của ngân hàng này đã giao khoán chỉ tiêu phát hành về cho các chi nhánh cấp tỉnh, theo đó các lãnh đạo chi nhánh tỉnh lại giao cho nhân viên chi nhánh cấp dưới mình phải mua để hoàn thành chỉ tiêu được giao. Được biết, đợt phát hành trái phiếu có giá trị hàng nghìn tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên thực tế không có văn bản chính thức nào từ hội sở của ngân hàng này bắt buộc nhân viên phải mua trái phiếu. Tuy nhiên, việc "khuyến khích", "bắt ép" nhân viên cấp dưới mua trái phiếu để hoàn thành chỉ tiêu tại nhiều chi nhánh là có thật. Nhân viên ngân hàng được giao chỉ tiêu phát hành trái phiếu, tuy nhiên lãi suất chưa cạnh tranh và thời gian ngắn, trái phiếu chưa thực sự hấp dẫn người dân khiến chính nhân viên đó cũng phải "ôm" trái phiếu để tránh "phật lòng" lãnh đạo.
Đáng chú ý, trước đó trong đợt phát hành trái phiếu năm 2018, tại chính ngân hàng này cũng đã có nhiều người phản ánh về tình trạng tương tự. Nhà băng này khi đó cũng khẳng định không có chủ trương ép nhân viên phải mua trái phiếu, ngân hàng chỉ giao chỉ tiêu về từng chi nhánh, sau đó lãnh đạo chi nhánh sẽ giao chỉ tiêu đến từng nhân viên vận động bà con, họ hàng, bạn bè mua. Còn nếu nhân viên có khả năng thì mua trái phiếu vì lãi suất trái phiếu khá cao.
Việc phát hành trái phiếu của ngân hàng kể trên là nhằm tăng nguồn vốn cấp 2 trong bối cảnh ngân hàng đang bị kẹt giữa một bên là khả năng huy động vốn cấp 1 vô cùng khó khăn với một bên là quy định về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định tại Thông tư 41 của Ngân hàng Nhà nước.
Và cũng không chỉ có ngân hàng nói trên mà "cơn khát" nguồn vốn dài hạn của các ngân hàng vẫn chưa có dấu hiệu dịu đi. Theo thống kê của chúng tôi, riêng trong 7 tháng đầu năm 2018, các ngân hàng đã phát hành hơn 41.000 tỷ đồng trái phiếu và tiếp tục có dự định phát hành hàng chục nghìn tỷ đồng trong thời gian tới.
Các ngân hàng cho biết, lãi suất trái phiếu thường cao hơn so với mức lãi suất huy động tiền gửi tại chính ngân hàng đó. Tuy nhiên, mức lãi suất trái phiếu của các nhà băng thời gian mới chỉ phổ biến ở mức 6,3-8%/năm; thấp hơn so với lãi suất gửi tiết kiệm tại một số ngân hàng nhỏ chứ chưa nói đến lãi suất 10-14%/năm của trái phiếu doanh nghiệp bất động sản.
Việc cần huy động lượng lớn trái phiếu trong thời gian ngắn, lãi suất lại thấp và kém cạnh tranh với các sản phẩm khác tại một số ngân hàng đã dẫn đến những bất cập theo phản ánh nói trên. Thiết nghĩ, để việc huy động vốn từ phát hành trái phiếu hiệu quả, ngân hàng cần có biện pháp thích hợp hơn thay vì để tình trạng các chi nhánh ép buộc nhân viên như vậy, vừa gây khó khăn cho người lao động lại tạo những điều tiếng, ảnh hưởng tới uy tín của chính ngân hàng đó và cả hệ thống.
Theo Nhịp sống kinh tế
0 comments:
Đăng nhận xét