Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) trình Thủ tướng Chính phủ đóng cửa một số cơ sở giáo dục đại học kém chất lượng trong thời gian dài; kiểm tra và dừng đào tạo các ngành đào tạo kém chất lượng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chấn chỉnh…
Sáng nay 6/8/2019, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020, sự kiện diễn ra ngay trước thềm năm học mới. Năm học qua, cả nước có hơn 23,5 triệu học sinh, sinh viên. Phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có những nhận định cụ thể về kết quả ngành giáo dục đạt được trong năm học vừa qua, cũng như vấn đề còn tồn tại, hạn chế. Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT kiểm tra và dừng đào tạo các ngành đào tạo kém chất lượng, tiến tới đóng cửa những trường đại học kém chất lượng.
Cụ thể, các cơ sở giáo dục đại học phải rà soát, sắp xếp lại mạnh mẽ hơn để đảm bảo chất lượng và các điều kiện cho phát triển. Thủ tướng yêu cầu có lộ trình kiên quyết đối với những trường chất lượng thấp.
Đặc biệt, vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh - sinh viên, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của gia đình - nhà trường và xã hội, trong đó nhà trường đóng vai trò trung tâm.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh giải pháp tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; thực hiện tự chủ đại học, trong đó có vấn đề hội đồng trường; nghiên cứu cơ chế thí điểm trường mầm non, phổ thông có điều kiện thực hiện tự chủ chi thường xuyên…
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, năm học mới 2019-2020 toàn ngành tiếp tục thực hiện theo lộ trình 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản đã đề ra, quyết tâm khắc phục và tạo sự chuyển biến căn bản các vấn đề về GD&ĐT mà xã hội quan tâm, dư luận bức xúc.
Bộ trưởng cho rằng, thời gian qua, công tác phân luồng, giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông chưa hiệu quả, với nguyên nhân là do nhận thức của học sinh, gia đình học sinh và xã hội đối với giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế. Việc lựa chọn nghề nghiệp của học sinh còn cảm tính hoặc theo sự áp đặt của gia đình, hệ thống thông tin thị trường lao động chưa được cập nhật. Nội dung, phương thức hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong các nhà trường còn chậm được đổi mới. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã từng bước đổi mới nhưng chưa tạo ra sức hút mạnh đối với học sinh, nhất là học sinh tốt nghiệp THCS. Bên cạnh đó, vẫn còn thiếu những cơ chế, chính sách đủ mạnh để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp và khuyến khích học sinh tham gia học nghề.
Về giáo dục đại học, Bộ trưởng đề ra nhiệm vụ: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu tăng năng suất lao động và hội nhập quốc tế; đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh - sinh viên.
Nguồn DNSG
0 comments:
Đăng nhận xét