9 thg 8, 2019

Trước 40 tuổi, nhất định phải kết giao với 5 kiểu người này để nương tựa lúc khó khăn, ổn định khi về già: Đừng bỏ qua để rồi hối tiếc!

Bạn có thể có hàng trăm, hàng nghìn người bạn khác nhau, nhưng nhất định phải giữ 5 kiểu người này ở bên nếu muốn cuộc sống và sự nghiệp phát triển tốt đẹp hơn.

Khi còn trẻ, chúng ta không thiếu những người bạn mới, thậm chí là cả những mối tình chớp nhoáng. Chúng ta mải mê đắm chìm trong sự hoan lạc đó mà quên mất rằng đâu mới là những mối quan hệ cần được giữ gìn và duy trì trong tương lai.

Ở cái độ tuổi chênh vênh nhất cuộc đời - 20 và 30 - bạn cần phải suy nghĩ kỹ về việc chơi cùng với ai. Bởi lẽ, họ có thể là người giúp bạn thăng hoa trong tương lai sau này, hoặc dìm bạn xuống đáy của vực thẳm.

Mạng xã hội ngày nay giúp chúng ta giữ liên lạc với mọi người 24/7. Mặc dù vậy, theo kinh nghiệm của tôi - một bác sĩ trị liệu đã từng làm việc với rất nhiều người trẻ, con người đang ngày càng cảm thấy cô đơn và tách biệt hơn bao giờ hết.

Trên thực tế, theo nghiên cứu của Cigna năm 2018, thế hệ Z (18-22 tuổi) và thế hệ Y (23-37 tuổi) đang trở nên cô độc và yếu ớt hơn so với những thế hệ trước.

Theo dữ liệu khảo sát lấy từ 20.000 người Mỹ (trên 18 tuổi), những người thường xuyên tương tác với bạn bè và gia đình sẽ ít cảm thấy cô đơn hơn so với các đối tượng hiếm khi nói chuyện trực tiếp với người khác.

Tất cả những điều trên đã nói lên một sự thật: Khi bạn trưởng thành, sẽ có rất nhiều người bước vào cuộc đời bạn. Nhưng những người thực sự ở bên cạnh bạn lúc khó khăn - dù là trong sự nghiệp hay cuộc sống cá nhân - lại chẳng có mấy.

Để có nơi nương tựa khi về già, nhất định bạn phải dành thời gian xây dựng và phát triển quan hệ với 5 kiểu người này trong độ tuổi 20-30.


Bạn cũ
Chúng ta đều cần những mối quan hệ đến từ quá khứ để tạo nền tảng vững chắc. Đó là lý do tại sao việc duy trì mối quan hệ với người có thể gợi nhắc chúng ta về những tháng ngày tuổi trẻ xa xưa lại quan trọng đến vậy.

Đó có thể là bạn thân hồi cấp 2, hoặc anh bạn cùng phòng hồi đại học - người đã sang thành phố khác làm việc sau khi tốt nghiệp. Thậm chí, đó có thể là anh chị em trong gia đình bạn.

Bạn cũ là người có khả năng thấu hiểu bạn nhất, bởi họ đã chứng kiến quá trình trưởng thành của bạn, về cả thể chất lẫn tinh thần. Nếu bạn cần một bờ vai để dựa vào lúc khó khăn, những người này sẽ không làm bạn thất vọng. Quan trọng là bạn phải nỗ lực để nuôi dưỡng mối quan hệ này.

Cuộc sống ngày càng bận rộn; các bạn mất liên lạc với nhau trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Tuy nhiên, bạn có thể gọi điện thoại hoặc chat Skype với nhau bất cứ lúc nào.


Người cố vấn sự nghiệp
Khách hàng luôn tìm đến tôi để xin lời khuyên về sự nghiệp: "Tôi đã ứng tuyển vị trí này ở Google, nhưng mấy tuần nay tôi chẳng nhận được tin gì từ họ. Làm sao để liên lạc với ai đó trong công ty?"

Là một bác sĩ trị liệu (chứ không phải là nhà tư vấn nghề nghiệp), tôi không thể khuyên họ nên làm gì tiếp theo. Đó là lý do bạn cần phải xây dựng một mối quan hệ nghiêm túc với một người cố vấn mà bạn tin tưởng và kính trọng.

Đó nên là người làm cùng lĩnh vực với bạn, nhưng có nhiều năm kinh nghiệm hơn. Họ có thể giúp bạn mở ra cánh cửa dẫn tới những cơ hội mới, cho bạn động lực để thăng tiến trên con đường sự nghiệp.

Nếu bạn là người dẫn dắt mối quan hệ này, cũng chẳng sao. Bạn chỉ cần cho họ biết mình đang ở đâu trong sự nghiệp, liên tục hỏi xin kinh nghiệm và bày tỏ lòng biết ơn đối với sự dìu dắt của họ.


Cha mẹ
Hầu hết mọi người đều không nhận ra việc gắn kết với cha mẹ quan trọng đến mức nào cho tới khi họ già đi.

Nhiều khách hàng của tôi đã gặp phải những vấn đề bắt nguồn từ mối quan hệ với cha mẹ mình. Có người mang trong mình cảm giác hối hận và tội lỗi vì đã không thể nói lời yêu thương và biết ơn mẹ khi bà còn sống.

Nếu bạn may mắn còn có cha mẹ bên cạnh, đừng ngần ngại chăm chút cho mối quan hệ này và thấu hiểu họ hơn. Hãy chăm sóc họ (như họ đã từng chăm sóc bạn), để họ cảm thấy được yêu thương, cũng như cho phép họ trở thành điểm tựa khi bạn cần.

Nếu cha mẹ đã không còn nữa, bạn vẫn có thể nuôi dưỡng mối quan hệ với một người lớn tuổi mà bạn coi như phụ huynh của mình.


Bác sĩ
Một số khách hàng của tôi cảm thấy họ biết rất ít về cơ thể mình khi bước vào tuổi trưởng thành. Vì vậy, càng già đi, họ càng cảm thấy lo lắng về đủ loại triệu chứng và bệnh tật mà nhẽ ra họ đã tránh được.

Theo nghiên cứu từ Trung tâm vì Sức khỏe Tiến bộ, những người giữ mối quan hệ tốt đẹp với bác sĩ của mình thường chủ động hơn trong việc chăm sóc sức khỏe. Điều đó có nghĩa là họ sẽ theo dõi tình trạng sức khỏe, luyện tập và sống lành mạnh thường xuyên hơn.

Rốt cuộc, đó vẫn là cơ thể, trí óc và cuộc sống của bạn. Vì thế, việc chịu trách nhiệm về sức khỏe của mình sẽ khiến bạn cảm thấy nhẹ nhõm và tự tin hơn.

Bạn không thể nào tìm ra đúng vị bác sĩ mình muốn chỉ sau một đêm. Bạn sẽ mất rất nhiều thời gian để nghiên cứu và tìm tòi. Dù sao, bạn cũng nên tìm một người sẵn sàng dành thời gian để trò chuyện với mình, khiến mình thoải mái và có thể liên lạc bất cứ khi nào mình cần.

Bản thân bạn

Tôi để dành điều quan trọng để nói cuối cùng. Để duy trì một mối quan hệ bền vững với chính mình, bạn phải biết tìm kiếm sự giúp đỡ khi mình cần, học hỏi cách xử trí, kỹ năng để đương đầu với những thăng trầm trong cuộc sống.

Cách bạn suy nghĩ và đối xử với bản thân mình đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn. Bạn không thể nào phát triển được các mối quan hệ thiết yếu khác khi còn chẳng biết mình là ai.

Tôi thường khuyên khách hàng nên dành vài giờ mỗi tuần để ở một mình và làm những việc khiến họ vui. Tôi cũng khuyến khích họ viết nhật ký hàng ngày. Việc dành thời gian để nhìn lại những suy nghĩ, cảm xúc của chính mình là cách hiệu quả nhất để thấu hiểu bản thân hơn.


Bài chia sẻ của Tess Brigham - nhà trị liệu tâm lý, huấn luyện viên đời sống ở San Francisco. Bà đã có hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực trên và thường xuyên làm việc với người trẻ.

Theo Trí thức trẻ

0 comments:

Đăng nhận xét