Truyền thông nhà nước Trung Quốc đồng loạt gửi đến người biểu tình ở Hồng Kông những lời cảnh báo mạnh mẽ, trong bối cảnh phong trào biểu tình ở vùng lãnh thổ này diễn biến căng thẳng.
Tờ Thời báo Hoàn cầu bản tiếng Anh chiều ngày 12/8 đăng trên tài khoản mạng xã hội Twitter một đoạn video cho thấy một đoàn xe tăng của lực lượng cảnh sát vũ trang Trung Quốc đang tập trung ở Thẩm Quyến, thành phố chỉ cách Hồng Kông khoảng một giờ rưỡi lái xe. "Cảnh sát Vũ trang Nhân dân đang có mặt tại Thẩm Quyến, thành phố có biên giới với Hồng Kông, để chuẩn bị cho một cuộc diễn tập quy mô lớn", dòng trạng thái (tweet) của Thời báo Hoàn cầu viết.
Tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đăng trên truyền thông xã hội ở nước này một tuyên bố nói rằng lực lượng cảnh sát vũ trang đang có mặt ở Thẩm Quyến để sẵn sàng xử lý "bạo động, rối loạn, bạo lực quy mô lớn, hành vi phạm tội và các vấn đề an ninh xã hội liên quan đến khủng bố".
Theo hãng tin CNBC, trong một bài viết trên mạng xã hội, tờ Thời báo Hoàn cầu bản tiếng Trung ngày 13/8 nói rằng "nếu người biểu tình Hồng Kông không thể đọc được tín hiệu từ việc cảnh sát vũ trang tập trung ở Thẩm Quyến, thì họ đang tự tiêu diệt chính mình".
"Bắc Kinh hy vọng là bằng cách gửi những tín hiệu như vậy, người biểu tình sẽ sợ hãi và rút lui", chuyên gia Ben Bland thuộc Viện Lowy ở Sydney nhận xét.
Vào ngày thứ Hai, sân bay Hồng Kông phải hủy tất cả các chuyến đi do sự có mặt của khoảng 5.000 người biểu tình - một sự kiện chưa từng có tiền lệ tại một trong những sân bay đông đúc nhất thế giới. Trước đó, vào cuối tuần, các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình diễn ra trên khắp đường phố Hồng Kông.
Sáng ngày thứ Ba, sân bay Hồng Kông đã hoạt động trở lại, nhưng vẫn có hàng trăm chuyến bay bị hủy.
Trong một cuộc họp báo sáng 13/8, trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Carrie Lam cảnh báo về những hậu quả tồi tệ mà phong trào biểu tình có thể gây ra cho nền kinh tế vùng lãnh thổ. "Những hành vi phạm pháp nhân danh tự do" đang phá hủy thượng tôn pháp luật ở Hồng Kông, gây nên "tình trạng hoảng loạn và hỗn độn" - bà Lam nói.
Bà Lam nhận định Hồng Kông sẽ phải mất một thời gian dài mới có thể hồi phục được sau phong trào biểu tình này, đồng thời khẳng định bà sẽ chịu trách nhiệm tái thiết nền kinh tế Hồng Kông "sau khi bạo lực lắng xuống". Phát biểu này cho thấy bà Lam không hề có ý định từ chức như yêu cầu mà người biểu tình đưa ra.
Giới chức Trung Quốc đại lục ngày 12/8 cũng đưa ra những cảnh báo nghiêm khắc đối với người biểu tình Hồng Kông.
Người phát ngôn Yang Guang của Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Macau thuộc Chính phủ Trung Quốc nói rằng biểu tình ở Hồng Kông đã bắt đầu cho thấy "mầm mống của chủ nghĩa khủng bố".
Một số chuyên gia luật pháp Hồng Kông nói rằng nếu từ "khủng bố" được chính thức sử dụng để miêu tả biểu tình, thì luật chống khủng bố với những biện pháp mạnh sẽ được áp dụng.
Phong trào biểu tình ở Hồng Kông nổ ra từ tháng 6 nhằm phản đối dự luật lần đầu tiên cho phép dẫn độ tội phạm từ Hồng Kông sang Trung Quốc đại lục để xét xử. Trước sức ép quá lớn của người biểu tình, bà Lam đã tuyên bố dự luật dẫn độ "đã chết", nhưng biểu tình vẫn không hề chấm dứt. Người biểu tình tiếp tục kêu gọi xóa bỏ hẳn dự luật và bà Lam phải từ chức.
Nguồn VNECONMY
0 comments:
Đăng nhận xét