5 cách ăn nói này, nếu học được, bạn sẽ tự mở ra cho bản thân nhiều mối quan hệ xã hội tốt đẹp.
Không biết ăn nói có thể xem là một hạn chế lớn đối với mỗi cá nhân, bởi lẽ điều này sẽ khiến cho các mối quan hệ giao tiếp trở nên nhạt nhẽo, mất hứng, từ đó có thể ảnh hưởng đến mạng lưới quan hệ xã hội của con người.
Thậm chí, việc không biết ăn nói còn khiến cuộc đời một con người trở nên u ám.
Trong khi đó, ăn nói khéo léo là chìa khóa mở ra cánh cửa giao tiếp giữa người với người, giúp bạn có thể đến gần với thế giới của người khác.
Những người có tài ăn nói, nói ra lời nào cũng đều khiến người khác phải chú ý đến. Thế nhưng tài ăn nói không tự nhiên mà có. Khả năng này của mỗi người chỉ có được sau quá trình rèn luyện và tích lũy kinh nghiệm mà thôi.
Việc chúng ta có biết ăn nói khôn khéo hoàn toàn có thể được nâng cao nếu chúng ta chú ý trong từng lời ăn tiếng nói hằng ngày. Tin rằng nếu bạn học được 5 kiểu nói dưới đây, các mối quan hệ của bạn trong cuộc sống sẽ được cải thiện rất nhiều.
1. Rào đón trước sau với những lời nói thẳng
Nếu là những lời nói "thẳng tưng" dễ khiến người khác phật ý, nhất định nên rào đón trước sau để bày tỏ.
Một người quá trực ngôn đôi khi sẽ dẫn đến sự hiểu lầm, cho dù là lời bạn nói hoàn toàn là thật, trong lòng người khác cũng sẽ không cảm thấy thoải mái.
Chúng ta thường nói rằng, lời nói thật thường khó nghe (sự thật mất lòng) chính là đạo lý này. Chỉ cần thay đổi cách nói một chút, hiệu quả truyền đạt thông điệp sẽ khác biệt rất nhiều.
2. Trước khi phê bình, nên tán dương những mặt tích cực của đối phương trước
Nếu như bạn muốn phê bình một ai đó, trước tiên hay đánh giá, ghi nhận những mặt tích cực của họ trước. Khi trong lòng họ cảm thấy vui vẻ, hãy uyển chuyển nhẹ nhàng chỉ ra vấn đề của họ.
Như thế, người nghe sẽ không còn cảm giác bị "hất nước lạnh vào mặt", thay vào đó, họ sẽ dễ dàng tiếp nhận lời góp ý của bạn hơn.
3. Truyền đạt những lời nói xấu, cần "đệm lót" trước
Có một số lời nói hàm chứa nội dung không hay, kiểu như chê trách, nói xấu nhưng nhất định phải nói người nào đó, trước khi nói nhất định phải làm một bước "đệm lót".
Đừng thẳng thắn vào đề ngay, thay vào đó, có thể kể cho họ nghe một câu chuyện của người khác, có tình huống tương tự và cách xử trí ra sao, sau đó dẫn dắt họ vào vấn đề chính cần nói.
Nếu bạn một mạch nói thẳng ra những điều xấu của người ta, thử hỏi cảm xúc của họ sẽ thế nào và liệu họ còn muốn chơi với bạn nữa hay không?
4. Truyền đạt những lời nói tốt, hãy nói thật chậm
Càng là những lời nói tử tế tốt đẹp, càng cần nói thật chậm, thật chắc, thông qua đó bày tỏ tình người với nhau.
Rất nhiều người vì vội vàng muốn thể hiện bản thân, vì vội vàng muốn lấy lòng người khác mà lặp đi lặp lại nhiều lần những lời tử tế, giống như muốn lấy cả ruột gan ra cho họ xem. Cứ như thế, người khác sẽ cảm thấy bạn giả tạo, từ đó còn đâm ra nghi ngờ thành ý của bạn.
5. Những lời oán trách nên bớt nói
Nếu bạn có những lời oán trách, hãy nhớ quản lý thật tốt cái miệng của mình, bớt nói một chút, đừng rêu rao khắp nơi.
Oán trách không giải quyết được vấn đề gì, cũng không làm dịu bớt sự bất mãn trong lòng bạn mà ngược lại còn khiến bạn tự giày vò bản thân, khó thoát ra khỏi cảm xúc tiêu cực.
Nếu không nhận ra điều này, đến một lúc nào đó, bạn sẽ không thể có được kết quả mà bạn mong muốn.
Nguồn CafeBiz
0 comments:
Đăng nhận xét