Xin chúc mừng nếu bạn đã từng gặt hái vài thành tựu và hiện đang ở vào trạng thái tốt trong công việc. Bạn rất tuyệt vời với những gì làm được. Tuy nhiên, đừng ăn mừng quá lâu! Để tiếp tục học hỏi, mài giũa kỹ năng và thăng tiến sự nghiệp, bạn phải đẩy mình ra khỏi vùng an toàn và giải quyết các chướng ngại mới. Nếu không, sau một thời gian, bạn sẽ thấy mình cũng giống như chú hamster bận rộn với những vòng quay lặp đi lặp lại.
“Rủi ro là một phần cơ bản của sự phát triển nghề nghiệp,” huấn luyện viên nghề nghiệp Jennifer DeWall tại Denver chia sẻ. “Nếu chẳng bao giờ thử mạo hiểm, bạn sẽ không chạm được đến toàn bộ tiềm năng mà bản thân sở hữu.”
Hơn thế nữa, nếu bạn không dám chơi lớn thì làm sao thắng lớn? Như Jaime Klein - nhà sáng lập của công ty chuyên tư vấn về nhân lực Inspire Human Resources có văn phòng đặt tại New York đã nhận định: “Khi dấn thân vào thử thách, bạn sẽ tự tạo cho mình nhiều cơ hội để chuyên nghiệp hơn”.
Tất nhiên, bạn cần phải thông minh – mạo hiểm không đồng nghĩa với bất cẩn. Lao vào rủi ro một cách bất chấp, thiếu suy nghĩ, không lập kế hoạch có thể gây nguy hiểm cho sự nghiệp lâu dài của bạn. Hãy cùng CareerBuilder.vn điểm qua 5 lựa chọn mạo hiểm không bao giờ mang lại giá trị.
1. VỘI VÀNG BỎ VIỆC CHỈ VÌ ĐÃ CÓ MỘT TUẦN TỒI TỆ
Không có công việc nào hoàn hảo. “Tất cả mọi người rồi sẽ phải gặp một ngày hoặc một tuần rất tệ,” tư vấn viên nghề nghiệp Rebecca Zucker ở San Francisco đã nói. Nhưng quan trọng nhất là bạn có thể lùi lại một bước và không đưa ra những quyết định cảm tính như vội vã nghỉ việc.
Thay vào đó, Zucker khuyên hãy xem xét lý do khiến bạn không hài lòng và tìm kiếm giải pháp. Bạn bất đồng với đồng nghiệp? Nên suy nghĩ về những bước đi khả thi có thể giúp cải thiện mối quan hệ. “Hãy nhìn vào những thứ nằm trong tầm kiểm soát của bạn. Những đòn bẩy nào bạn có thể sử dụng nhằm khiến mọi thứ tốt hơn?”
Trong khi đó, chúng ta vẫn đồng ý rằng không ai muốn làm việc ở một nơi có môi trường không lành mạnh cả. Cho nên, nếu công việc hiện tại đang gây tổn hại nghiêm trọng đến thể chất hay tinh thần của bạn, có lẽ đã lến lúc nên tìm một người chủ mới.
2. LÀM ĐIỀU MÀ BẠN TIN RẰNG NÓ PHI ĐẠO ĐỨC HOẶC BẤT HỢP PHÁP
Mọi người đều có tiêu chuẩn đạo đức riêng. Nếu sếp hoặc đồng nghiệp yêu cầu bạn làm điều gì đó mà bạn sợ rằng nó có thể bất hợp pháp hoặc là phi đạo đức, đừng ngại đáp trả với họ rằng bạn thấy không thoải mái để làm. Nếu vấn đề nghiêm trọng hơn, hành động khôn ngoan nhất là đưa vấn đề này ra phòng nhân sự.
Tin vào bản năng của chính mình rất quan trọng. “Công ty đầu tiên tôi làm việc có một quy tắc tên là Wall Street Journal,” Zucker kể lại. “Đừng làm bất cứ điều gì nếu bạn thấy mình sẽ không thể in nó lên trang nhất của Wall Street Journal.”
3. CHẤP NHẬN CẮT GIẢM LƯƠNG TRONG TÌNH TRẠNG TÀI CHÍNH EO HẸP
Rõ ràng là bạn muốn tiền lương tăng lên liên tục và không bao giờ giảm. Nhưng vẫn có những trường hợp cụ thể khiến việc giảm lương là phù hợp và ý nghĩa.
“Có thể bạn đang giảm bớt các sức ép lên sự nghiệp để tập trung chăm sóc cha mẹ già hoặc con nhỏ, hay bạn vừa quyết định thay đổi ngành nghề, hay đang cố gắng tái gia nhập lực lượng lao động,” Klein nói. Trong những tình huống thế này, bạn phải chấp nhận mức lương thấp hơn giá thị trường hoặc kỳ vọng.
Tuy nhiên, trước khi cắt giảm lương, hãy xem xét thật kỹ các chi phí sinh hoạt cùng những khoản nợ phải trả hàng tháng. Đôi khi, về mặt tâm lý là bạn đã chấp nhận, nhưng về phương diện tài chính thì ý tưởng cắt giảm lương đã đi kèm với lời cảnh báo rằng bản thân và gia đình bạn sẽ gặp rắc rối. Hãy xác định rõ mức thu nhập tối thiểu bạn phải có để thanh toán các loại hoá đơn và trang trải nhu cầu cuộc sống. Đảm bảo được con số nhất định đó thì mới chấp nhận giảm lương, bằng không bạn buộc phải cố gắng tiếp tục duy trì công việc hoặc tìm một công việc có thu nhập tương đương.
4. VƯỢT QUÁ RANH GIỚI
Có những lỗi lầmtưởng chừng như vô hại nhưng sẽ khiến bạn bị sa thải, vượt quá ranh giới cũng là một trong số đó.
Mỗi công ty đều có hệ thống phân cấp với các quy tắc bất thành văn – và bạn chắc chắn không muốn vượt qua chúng. “Nếu bạn không quan tâm đến chuỗi các mệnh lệnh thích hợp, điều này có thể tạo ra sự căng thẳng,” DeWall nói. Chẳng hạn, giao tiếp và phát biểu với báo chí như một đại diện công ty khi chưa có sự thống nhất và thông qua với bộ phận truyền thông là cách để chứng minh rằng bạn đang hạ thấp thẩm quyền và quy tắc của nơi mình làm việc.
Tương tự như vậy, đôi khi bạn không đồng tình với tất cả những quyết định cuối cùng của người quản lý trực tiếp đưa ra, nhưng bạn tôn trọng cấp trên như cách mà các đồng nghiệp khác đã làm, vào mọi lúc.
5. NÉ TRÁNH ĐIỀU CHƯA BIẾT
Một trong những rủi ro nghề nghiệp tệ nhất chính là bạn không đặt mình vào bất cứ rủi ro hay sự mạo hiểm nào cả. Bắt nguồn từ nỗi sợ hãi, việc né tránh tiếp cận cho thấy bạn đang theo đuổi con đường ít có sự kháng cự nhất. Vấn đề là sớm hay muộn rồi bạn cũng sẽ “vấp phải một ngọn núi”. Trong tình huống mắc kẹt đó, thử hình dung xem một người luôn né tránh và đã nuôi dưỡng sự sợ hãi suốt quá trình dài sẽ làm gì: chán nản, than thở và bỏ cuộc.
Khi chúng ta so sánh các rủi ro so với phần thưởng, không bao giờ là rủi ro nếu bạn cố gắng vươn đến công việc tốt hơn, và các phần thưởng đi kèm với nó luôn nhiều hơn những điều ta kể ra. Đây là lý do bạn được khuyên nên cởi mở để nắm bắt các cơ hội mới và đối mặt với rủi ro trong tư thế của người đã chuẩn bị sẵn sàng, kỹ lưỡng.
Nguồn Career Builder Vietnam
0 comments:
Đăng nhận xét