3 thg 9, 2019

7 kiểu giao thiệp dễ khiến "ma cũ bắt nạt ma mới" mà chị em công sở nên ghi nhớ

Khi vừa chuyển sang môi trường mới, chị em công sở không khỏi gặp phải những khó khăn, bỡ ngỡ bước đầu. Tuy nhiên, dù thế nào cũng đừng vướng phải những sai lầm phổ biến này.

Dù muốn, dù không thì làm việc nhóm và tương tác với đám đông là kỹ năng vô cùng cần thiết và rất đỗi quan trọng, buộc dân văn phòng phải thuần thục. Cho nên, mối quan hệ với đồng nghiệp là thứ mà dân công sở phải tâm niệm và luôn chú ý để không gây ảnh hưởng đến công việc của bản thân.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu chúng ta có mối quan hệ gắn bó với đồng nghiệp, năng suất làm việc sẽ vì đó mà tăng lên đáng kể. Nhưng thật không may, khi bắt đầu ở nơi một làm việc mới, chúng ta thường mắc phải một số sai lầm, gây nên những tác động xấu đến mối quan hệ với những người xung quanh.

1. Không nhớ tên đồng nghiệp
Bí quyết để tạo được ấn tượng trong giao tiếp chính là nhớ được tên của người khác càng nhanh càng tốt. Việc nhớ tên người khác thể hiện sự tập trung của chúng ta vào câu chuyện cũng như sự tôn trọng dành cho đối phương. Nhà thuyết trình nổi tiếng và tác giả cuốn sách "How to Win Friends and Influence People" - Dale Carnegie gợi ý rằng, hãy gọi tên đối phương ngay từ giây phút đầu tiên gặp mặt và lập đi lập lại cái tên ấy trong suốt quá trình giao tiếp, chúng ta sẽ có thể dễ dàng khắc ghi tên của người đối diện vào đầu.

Do đó, trong lần gặp mặt tới, hãy chủ động gọi tên đồng nghiệp để khiến đối phương cảm thấy dễ chịu, có mối liên hệ thân thiện hơn. Đó cũng là tiền đề để xây dựng những mối quan hệ tốt ở nơi làm việc.

2. Không bao giờ mời đồng nghiệp ăn uống
Ông bà ta xưa vẫn hay có câu "Miếng trầu là đầu câu chuyện"; môi trường công sở cũng vậy, để bắt đầu một câu chuyện hoặc một chủ đề, chẳng gì phù hợp hơn là một chút quà bánh. Điều này đặc biệt quan trọng hơn khi chúng ta chuyển sang một môi trường làm việc mới. Đừng ngần ngại chuẩn bị một ít bánh kẹo để có thể đi mời khắp văn phòng và giao lưu, làm quen. Còn nếu trong trường hợp văn phòng quá đông và chúng ta quá ngại để có thể kết nối, hãy cứ để một ít quà bánh và chia nó cho những người ghé ngang bàn làm việc.

3. E ngại khi kết bạn với đồng nghiệp trên mạng xã hội
Có thể không phải là tất cả; tuy nhiên, phần lớn những gì chúng ta có thể tìm hiểu về một người là thông qua mạng xã hội, từ sở thích cho đến tâm tư, tình cảm cũng như suy nghĩ. Do đó, đừng ngần ngại kết bạn với đồng nghiệp trên mạng xã hội rồi bắt chuyện và tìm kiếm điểm chung của cả hai để bắt đầu kết nối. Khi điểm chung đã có, những vấn đề liên quan đến công việc cũng trở nên dễ dàng để chia sẻ hơn. Điều này sẽ giúp chúng ta lường trước được điều gì nên nói và điều gì không nên nói ở công ty. Chú ý, chúng ta không nên lan truyền những thông tin chưa xác thực nghe được từ người khác nếu không muốn trở thành kẻ đưa chuyện đáng ghét.

4. Cố gắng thể hiện là người quảng giao
Ai cũng muốn nhanh chóng "làm thân" với đồng nghiệp để có thể hoà nhập vào môi trường công sở nhanh nhất có thể. Tuy nhiên, hãy cứ là chính mình, đứng quá vồn vã và hấp tấp. Bởi lẽ, trong vô vàn những kiểu người nơi công sở, bên cạnh những người cởi mở cũng có những con người trầm tĩnh, ít nói và cần không gian riêng. Đừng cố gắng làm thân với mọi người quá nhanh cũng như đừng chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân. Hãy nhớ rằng, chuyện riêng không nên đem ra bàn luận nơi công sở.

5. Không khen ngợi người khác
Nếu cảm thấy người bạn đồng nghiệp của mình có khả năng gì đó đặc biệt, đừng tiếc lời mà hãy khen ngợi họ thật chân thành và thật sự trung thực. Bởi cái gì xuất phát từ trái tim sẽ đến được với trái tim. Đôi khi, những hành động dù nhỏ nhưng tinh tế là đủ để đối phương khắc ghi trong suốt một quãng thời gian dài.

6. Không trung lập
Công sở vốn là nơi thị phi và phức tạp, nếu thấy rằng có sự chia phe, nhóm ở nơi làm việc, cách tốt nhất là đừng tham gia vào điều đó. Hãy cố gắng giữ quan điểm trung lập, đối xử lịch sự và đúng mực với tất cả mọi người. Hãy tránh xa những cuộc trò chuyện tiêu cực về người khác. Về lâu dài, giữ quan điểm trung lập như vậy sẽ giúp chúng ta có mối quan hệ tích cực, làm việc hiệu quả hơn.

7. Không chú ý đến ngôn ngữ cơ thể của bản thân
Ngôn ngữ cơ thể thực sự rất quan trọng trong giao tiếp. Đó là một cách ngầm gửi tín hiệu đến đối phương khi giao tiếp. Vì vậy, không chú ý điều chỉnh ngôn ngữ cơ thể, chúng có thể khiến đồng nghiệp cảm thấy khó gần và chẳng mặn mà giao tiếp nữa.

Nguồn Internet

0 comments:

Đăng nhận xét