Theo thông tin mới đây, đang có nhiều nhà khách quốc doanh sử dụng lãng phí trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Trong đó các tỉnh thành, cơ quan ban ngành đều có nhà khách và nhìn chung sử dụng rất lãng phí, gây phung phí quĩ đất nhà nước.
Việc sử dụng không hiệu quả và gây ra lãng phí rất lớn (phải tính bằng con số hàng trăm ngàn tỷ đồng với diện tích hàng chục triệu mét vuông) đã xảy ra nhiều năm, kể từ khi Việt Nam tiến hành cải cách kinh tế theo hướng thị trường, xóa bỏ dần cơ chế quan liêu bao cấp. Điều này không khó giải thích khi có hiện tượng “Cha chung không ai khóc”, hay trong kinh tế học gọi là “Bi kịch đất công”. Đó là việc các tài nguyên hữu hạn được sử dụng chung hay môt nhóm người đông đảo, mỗi người có thể hưởng lợi từ việc khai thác tối đa tài nguyên chung cho lợi ích của mình.
Khi tất cả mọi người đều hành động như vậy thì tình huống bi kịch xảy ra khi tài nguyên bị tàn phá hoặc tài nguyên sẽ không được sử dụng đúng mục đích và gây ra lãng phí khổng lồ. Hay nói cách khác quá trình sa mạc hóa đất đai bắt đầu từ nơi đất đai không thuộc sở hữu tư nhân.
Trước đây khi chúng ta có nền kinh tế tập trung, thực ra tài sản nhà nước được chia cho các tỉnh thành, các cơ quan nhà nước. Vì thế các đơn vị nhà nước này có một lượng tài sản đất đai rất lớn và được sử dụng cho nhiều mục tiêu khác nhau. Có thể nói giai đoạn này đã hoàn thành sứ mạng lịch sử và đóng góp một phần nào đó vào sự phát triển kinh tế của nước nhà trước những năm 80 của thế kỷ trước.
Tuy nhiên, trải qua hơn 30 năm thay đổi đất nước từ đại hội Đảng lần thứ 6, việc các tỉnh thành, cơ quan nhà nước tiếp tục sử dụng nguồn đất to lớn và nhiều khu đất vàng là một sự phí phạm vô cùng to lớn của cả hệ thống và nền kinh tế. Trong khi khu vực kinh tế tư nhân rất khó khăn tiếp cận với quĩ đất hữu hạn và giá đất đã lên cao chưa từng có (ví dụ: ở Tp.HCM giai đoạn 2002 đến 2018 giá nhà đất tăng 16 lần) thì khu vực kinh tế sở hữu một quĩ đất cực lớn và quan trọng là sử dụng rất không hiệu quả.
Nếu chúng ta xây dựng một nền kinh tế thị trường theo đúng nghĩa thì giá của các mặt hàng phải do thị trường điều tiết theo qui luật cung cầu khách quan (trừ một số hàng hóa thiết yếu như điện, nước, xăng, dịch vụ y tế, giáo dục, nhà nước vẫn điều tiết đảm bảo công bằng xã hội), nhất là dịch vụ khách sạn, nhà hàng phải do thị trường điều tiết.
Hiện chính phủ đang chủ trương và đã tiến hành một cách công khai là xây dựng một nhà nước kiến tạo phát triển, nhà nước không làm thay thị trường, không cạnh tranh với thị trường ở những nơi thị trường hay cá nhân làm tốt hơn nhà nước. Do vậy theo quan điểm cá nhân tôi, việc sử dụng kém hiệu quả các nhà khách quốc doanh là đi ngược với tính thần của một chính phủ kiến tạo phát triển.
Để sử dụng nguồn tài sản đất đai khan hiếm và ngày càng có giá trị, theo tôi chúng ta cần làm một số việc sau đây:
Thứ nhất, Chính phủ cần thống kê lại quĩ nhà đất đang được sử dụng làm nhà khách của các tỉnh thành, cơ quan trung ương và địa phương.
Thứ hai, cần có một cơ quan độc lập định giá các tài sản này theo đúng giá thị trường.
Thứ ba, cần nhanh chóng chuyển hóa khối tài sản này để xây dựng trường học phổ thông. Chúng ta được biết ở các tỉnh thành lớn, các trường học công đã quá tải, do vậy nếu lấy một phần quĩ đất này để xây dựng trường học thì đây là một việc làm đáng hoan nghênh và phục vụ lợi ích của đa số người dân.
Thứ tư, một phần trong quĩ đất này để xây dựng công viên và sân chơi thể thao công cộng. Ở Việt Nam hiện nay rất thiếu nơi người dân có thể tập thể dục và chơi thể thao với mức giá tượng trưng, bởi người dân có khỏe thì nền kinh tế mới khỏe khoắn được.
Thứ năm, phần còn lại của khối tài sản khổng lồ này nên bán đấu giá cho khu vực kinh tế tư nhân. Hiện tượng “sa mạc hóa” đất công sẽ được xóa bỏ hoàn toàn. Tuy nhiên cần làm cẩn trọng để không thất thoát tài sản nhà nước và Tránh hiện tượng gọi là “Rent – seeking”, tức là hiện tượng tái phân phối quyền tài sản bằng hành động chính trị thay vì cạnh tranh trên thị trường.
Để kết thúc bài viết này, tôi xin trích một câu nói của Athur Lewis, Nobel kinh tế năm 1979 (1915 -1991): Nhà nước có thế thất bại vì làm quá ít, hoặc vì làm quá nhiều.
PGS. TS. Nguyễn Hồng Nga
Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM
0 comments:
Đăng nhận xét