Trong thời hạn 5 năm, Nhà ở xã hội bị cấm chuyển nhượng, mua bán dưới mọi hình thức. Thế nhưng trên thị trường, những căn hộ này đang được rao bán tràn lan, giá bán cũng chênh hàng trăm triệu mỗi căn, dù người bán chỉ mới nhận nhà.
Anh Duy, một nhân viên văn phòng, cho biết đang có nhu cầu tìm mua căn hộ tại các quận vùng ven TP.HCM. Với khoản tiền để dành được khoảng 500 triệu đồng, anh Duy dự định sẽ tìm mua một căn hộ có giá khoảng 1,2 tỉ đồng. Số tiền 700 triệu còn thiếu, anh sẽ dùng chính căn hộ đó để thế chấp vay ngân hàng.
Tuy nhiên, với tình hình giá cả căn hộ hiện nay thì phương án của anh Duy gần như là bất khả thi. Thậm chí, những căn hộ rất xa trung tâm cũng khó có thể nằm ở mức giá 1,2 tỉ đồng.
Đang phân vân chưa biết sao thì anh Duy được một người bạn tư vấn mua lại căn hộ Nhà ở xã hội tại một dự án ở quận Thủ Đức. Dự án này vừa mới bàn giao, có giá bán là 16,5 triệu đồng/m2. Như vậy, căn hộ có diện tích 50m2 có tổng giá trị chỉ khoảng 800 triệu đồng.
Bên bán cho biết, nếu mua sẽ làm hợp đồng mua bán ủy quyền, sau thời hạn 5 năm sẽ chuyển nhượng, sang tên. Anh Duy chỉ cần trả 500 triệu đồng, 300 triệu còn lại anh sẽ thay chủ nhà trả tiền ngân hàng vay mua căn hộ trong gói hỗ trợ trước đây.
“Tôi thấy giá bán phù hợp với mình. Nhưng tìm hiểu thì mới biết giá trên đã chênh khoảng 2 triệu đồng/m2 so với giá cũ. Tính ra căn hộ đó chênh hơn một trăm triệu đồng”, anh Duy nói.
Tuy nhiên, điều anh Duy băn khoăn hơn là tính pháp lý của căn hộ. Bởi quy định Nhà ở xã hội phải sau 5 năm mới được chuyển nhượng. Chủ căn hộ phải thuộc đối tượng được mua. Trong trường hợp, người này không đáp ứng điều kiện, sau đó bị phát hiện thì nguy cơ bị thu hồi căn hộ là rất cao. Mặt khác, sau 5 năm nếu chủ căn hộ “lật kèo”, hoặc di chuyển đi nơi khác sẽ rất khó liên hệ xử lý.
Ghi nhận thực tế hiện nay, trên nhiều trang mạng rao bán tràn lan thông tin giao dịch, sang nhượng tại các dự án Nhà ở xã hội. Phần lớn những dự án này đều chưa vượt quá quy định 5 năm để được giao dịch, sang nhượng. Giá bán lại của căn hộ cũng chênh lệch hàng trăm triệu đồng.
Cụ thể, tại dự án Jamona City trên đường Đào Trí, quận 7, một người đang rao bán lại căn nhà ở xã hôi có diện tích 57m2 với giá 1,5 tỉ đồng. Theo tìm hiểu, dự án này chỉ mới bàn giao nhà vào đầu năm 2018.
Chủ căn hộ cho biết, do không có nhu cầu sử dụng nên muốn bán lại căn hộ. Người mua sẽ được làm hợp đồng ủy quyền, sau 5 năm sẽ chuyển nhượng, sang tên cho căn hộ. Người mua cũng sẽ được ủy quyền để tiếp tục hoàn trả phần tiền mà chủ nhà đã vay để mua căn hộ trước đó.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An, cho biết theo quy định của khoản 5 Điều 62 Luật Nhà ở 2014 quy định nguyên tắc cho thuê, cho thuê mua, bán Nhà ở xã hội thì trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày bên mua, bên thuê mua đã thanh toán hết tiền mua, thuê mua nhà ở mà có nhu cầu bán nhà ở này thì chỉ được bán lại cho đơn vị quản lý Nhà ở xã hội đó; hoặc bán cho đối tượng thuộc diện được mua Nhà ở xã hội nếu đơn vị này không mua với giá bán tối đa bằng giá bán Nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân
Bên bán chỉ được bán cho đối tượng có nhu cầu khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu về nhà ở và sau thời hạn 5 năm. Nếu bên bán không đủ điều kiện bán mà vẫn bán thì hợp đồng mua bán không có giá trị pháp lý và người bán phải bàn giao lại nhà ở cho đơn vị quản lý Nhà ở xã hội; trường hợp không bàn giao lại nhà ở thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà ở tổ chức cưỡng chế để thu hồi lại nhà ở đó.
Do đó, người mua lại suất Nhà ở xã hội cần phải xem xét kỹ tính pháp lý của dự án để tránh rủi ro pháp lý về sau.
Nguồn CafLand
0 comments:
Đăng nhận xét