2 thg 9, 2019

Coi thường marketing, Tesla cuối cùng đã phải thay đổi để "chiều lòng" khách hàng Trung Quốc

Với những chiến thuật marketing dành riêng cho thị trường Trung Quốc, Tesla cuối cùng đã nhận ra tầm quan trọng của việc thích nghi với Trung Quốc.

Là một trong những hãng xe hơi lớn nhất thế giới nhưng Tesla lại không coi trọng marketing. CEO Elon Musk tự hào rằng công ty của ông không quảng cáo, thay vào đó sẽ dùng tiền để phát triển sản phẩm.

Nhưng tại Trung Quốc, thị trường xe điện lớn nhất thế giới, nơi Tesla đang chuẩn bị đẩy cao doanh số lớn, điệp khúc đó đã bắt đầu thay đổi khi nhà sản xuất ô tô này tổ chức những sự kiện đua xe, tiệc showroom với DJ và ra mắt bộ sticker Tesla Trung Quốc trên các ứng dụng trò chuyện để quảng bá thương hiệu.

Tesla nay đã khác xưa, không chỉ tập trung vào phát triển sản phẩm, mà còn cung cấp nhiều dịch vụ trải nghiệm cho khách hàng, hướng dẫn họ sử dụng toàn bộ tính năng những chiếc xe đang sở hữu.

Trong tháng 8, họ đã tổ chức ba sự kiện trải nghiệm cho các phóng viên ô tô, những người có ảnh hưởng truyền thông xã hội và một số chủ sở hữu các dòng xe Tesla - một ở Bắc Kinh, hai ở Thượng Hải và có kế hoạch mở rộng sang các thành phố lớn khác như Quảng Châu và Thành Đô.

Tesla đang triển khai chiến lược quảng bá trong năm nay nhằm tăng sức hấp dẫn của thương hiệu, thường xuyên tìm kiếm ý tưởng và tham khảo ý kiến từ các chuyên gia marketing và kinh doanh.

Giúp nâng tầm thương hiệu của mình tại Trung Quốc, CEO Elon Musk đã đến thăm đất nước này và đã tổ chức một cuộc thảo luận với Alibaba (BABA.N) của Jack Ma tại một sự kiện về công nghiệp trí tuệ nhân tạo AI vào hôm thứ Năm.

Những nỗ lực của Tesla nhằm tiếp cận khách hàng tại Trung Quốc là do hãng xe hơi Thung lũng Silicon đang chuẩn bị mở một nhà máy lắp ráp xe hơi lớn ở Thượng Hải và đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt trong thị trường xe điện hạng sang nơi đây.

Nhà máy sẽ bắt đầu sản xuất vào cuối năm nay và có thể chế tạo 3.000 xe Model 3 mỗi tuần trong giai đoạn đầu. Con số này sẽ tăng gần gấp bốn lần số lượng xe Model 3 nhập khẩu được bán tại Trung Quốc mỗi tháng trong năm nay. Nhà máy cũng sản xuất dòng Model Y, dự kiến tổng công suất sản xuất hàng năm là 250.000 xe.

Tuy nhiên, Tesla đang chi tiêu ít hơn nhiều so với những gì một nhà sản xuất ô tô thông thường ở Trung Quốc sẽ chi cho marketing.

Hãng đã xuất khẩu xe sang Trung Quốc từ năm 2014 và vẫn là chuẩn mực mà các nhà sản xuất ô tô khác ở Trung Quốc thường so sánh trong quảng cáo của họ.

Sự ra mắt của Model 3 cho thị trường Trung Quốc vào cuối tháng 2 cũng đã diễn ra tốt đẹp, giúp doanh thu Tesla Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm tăng 42% lên 1,5 tỷ USD, tương đương 13,5% tổng doanh thu.

Nhưng Tesla ở Trung Quốc không có sự khởi đầu thuận lợi như khi họ ra mắt loại xe chạy hoàn toàn bằng điện tại thị trường Mỹ với Model S vào năm 2012.

Công ty khởi nghiệp Trung Quốc Nio Inc (NIO.N) bán hai chiếc SUV cao cấp chạy điện hoàn toàn, Jaguar đã ra mắt là I-PACE SUV và BMW (BMWG.DE) có i3 hatchback và i8 sportcar. Vào cuối năm nay, Audi sẽ tung ra thị trường hai chiếc SUV chạy hoàn toàn bằng điện trong khi Mercedes của Daimler (DAIGn.DE) sẽ ra mắt một chiếc.

Ngoài các sticker trong ứng dụng trò chuyện thể hiện nhiều cảm xúc khác nhau - một chiến lược thị trường được nhiều nhà sản xuất ô tô khác sử dụng - Tesla đang hợp tác với Tencent - một trong những công ty công nghệ lớn nhất châu Á, nổi tiếng với ứng dụng nhắn tin di động WeChat - để cung cấp dịch vụ nhạc số trực tuyến (0700.HK) QQ Music sử dụng cho các bữa tiệc với DJ tổ chức tại các showroom.

Tesla cũng tận dụng tài khoản Weibo, đăng tải nhiều hoạt động, tăng tương tác với công chúng.

Đây là những chiến thuật marketing dành riêng cho thị trường Trung Quốc. Tesla cuối cùng đã nhận ra tầm quan trọng của việc thích nghi với Trung Quốc.

Theo Trí thức trẻ/Bloomberg

0 comments:

Đăng nhận xét