Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) – chi nhánh Thái Bình và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – chi nhánh Bắc Hà Nội là 2 chủ nợ lớn nhất của CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân tính đến hết ngày 30/6/2019.
Như Báo chí đã đưa tin, cổ phiếu FTM của CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân đã trải qua 25 phiên giảm sàn liên tiếp, giảm từ hơn 24.000 đồng/CP vào ngày 14/8 xuống 3.980 đồng/CP (tính đến phiên giao dịch 19/9). Điều này khiến dư luận không khỏi đặt nghi vấn về việc cổ phiếu FTM bị làm giá.
Giả thiết này không phải thiếu cơ sở. Bởi vào ngày 4/9, đại diện 11 công ty chứng khoán và 1 ngân hàng bị thiệt hại liên quan đến cổ phiếu FTM đã nhóm họp và đưa ra nhận định cổ phiếu này có nhiều dấu hiệu bị thao túng giá bởi cổ đông lớn Lê Mạnh Thường (cựu Chủ tịch HĐQT FTM đã từ nhiệm từ tháng 4/2019).
Tình hình tại FTM ngày càng thêm rối ren khi Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hoàng Giang - người thay thế ông Lê Mạnh Thường đã từ nhiệm chức vụ Chủ tịch ngày 16/9 vừa qua.
Trong bối cảnh đó, những chủ nợ lớn của FTM khó lòng yên tâm với khoản cho vay hàng trăm tỷ đồng của mình.
Tính đến ngày 30/6/2019, tổng tài sản của FTM đạt 1.728 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 1.178 tỷ đồng (gấp đôi vốn chủ sở hữu 550 tỷ). Trong đó, gần 720 tỷ đồng là vay và nợ thuê tài chính ngắn/dài hạn.
Theo tính toán của Nhadautu.vn, 2 chủ nợ lớn nhất của FTM là BIDV – chi nhánh Bắc Hà Nội (386,5 tỷ đồng) và VDB Thái Bình (304,2 tỷ đồng).
Cụ thể, xét về vay ngắn hạn, FTM đang vay tổng cộng 476,6 tỷ đồng, trong đó vay ngắn hạn (bằng VND) 181,2 tỷ đồng của BIDV – chi nhánh Bắc Hà Nội; vay bằng đồng USD từ BIDV – chi nhánh Bắc Hà Nội và VPBank lần lượt 136,1 tỷ và gần 29 tỷ đồng.
Được biết, doanh nghiệp dùng nhiều tài sản thế chấp đảm bảo cho các khoản vay trên, như: máy móc thuộc dây chuyền sản xuất 1.740 tấn, kho vật liệu phụ, hợp đồng thế chấp quyền sở hữu căn hộ ngày 13/6/2016 ký giữa ông Lê Mạnh Thường, bà Bùi Thị Hằng và các ngân hàng.
Xét về các khoản vay dài hạn, công ty nợ 60 tỷ đồng tại VDB – chi nhánh Thái Bình; 38,5 tỷ đồng (bằng VND) và 8,5 tỷ đồng (bằng USD) tại BIDV – chi nhánh Bắc Hà Nội.
FTM cũng kế thừa 3 khoản vay dài hạn từ CTCP Tập đoàn Đại Cường. Đó là các khoản vay 244,2 tỷ đồng từ VDB – chi nhánh Thái Bình; 9,2 tỷ đồng (vay bằng VND) và 13 tỷ đồng (vay bằng USD) từ BIDV – chi nhánh Bắc Hà Nội.
Tài sản thế chấp cho các khoản vay dài hạn là Nhà máy Đức Quân 2 (công suất 4/500 tấn/năm) của FTM, được hình thành sau đầu tư từ vốn tự có và vốn vay của VDB – chi nhánh Thái Bình. Tài sản thế chấp khác của công ty tương đương tối thiểu 10% tổng số vốn vay để đảm bảo tiền vay, dự án đầu tư xây dựng nhà máy Đại Cường 5 (công suất 8.700 tấn/năm).
Với các khoản vay dài hạn tại BIDV – chi nhánh Bắc Hà Nội, FTM thế chấp nhà máy Đức Quân 2 và các tài sản nhà xưởng, máy móc thiết bị của phân xưởng PE thuộc nhà máy Đại Cường 1.
Đến cuối kỳ, FTM đang có 130 tỷ đồng vay dài hạn đến hạn trả. Trong đó, 20,6 tỷ đồng tại VDB – Chi nhánh Thái Bình; 38,5 tỷ đồng tại BIDV – Chi nhánh Bắc Hà Nội và 8,5 tỷ đồng cũng tại BIDV – Chi nhánh Bắc Hà Nội (bằng đồng USD); Và một số khoản vay kế thừa đến hạn trả từ CTCP Tập đoàn Đại Cường, như: 40,5 tỷ đồng tại VDB – Chi nhánh Thái Bình; 9,2 tỷ đồng và 13 tỷ đồng (vay bằng USD) từ BIDV – Chi nhánh Bắc Hà Nội.
Ở chiều ngược lại, dù vay nợ rất lớn song FTM lại để nhóm công ty có liên hệ tới cựu Chủ tịch Lê Mạnh Thường "chiếm dụng" hàng trăm tỷ đồng.
Cụ thể, FTM vào cuối tháng 6/2019 đang cho vay ngắn và dài hạn đối với CTCP Tập đoàn Đại Cường 92 tỷ đồng, CTCP BĐS New City 11,8 tỷ đồng. Các khoản vay này đã được gia hạn nhiều lần, đều không có tài sản đảm bảo. Ngoài ra, FTM còn góp vốn 115 tỷ đồng với CTCP Bất động sản Đại Cường để triển khai dự án địa ốc tại 55 Trần Nhật Duyệt, Quận 1, TP.HCM và góp 50 tỷ đồng với CTCP BĐS New City để triển khai dự án phân lô New City Thái Bình, TP. Thái Bình. Hay kín đáo hơn, FTM có khoản phải thu 28,7 tỷ đồng và trả trước 33,2 tỷ đồng với CTCP Đầu tư 3GR - một thành viên trong Truman Holdings của ông Lê Mạnh Thường.
Tổng cộng, 330,7 tỷ đồng tài sản của FTM, qua nhiều cách thức đang nằm ở tài khoản của nhóm công ty có liên hệ tới ông Lê Mạnh Thường. Con số này chiếm tới 2/3 vốn điều lệ của FTM.
Tính minh bạch trong các thương vụ này cùng khả năng thu hồi các khoản công nợ "khổng lồ" với nhóm ông Lê Mạnh Thường sẽ là dấu hỏi lớn của cổ đông FTM đặt ra cho ban lãnh đạo doanh nghiệp.
Nguồn Báo Đầu Tư
Tin liên quan:
Dư nợ margin giao dịch 'bất thường' cổ phiếu FTM khoảng 200 tỷ đồngCác công ty chứng khoán đang bị...đổ vỏ FTM?
Bị cắt margin, "game" cổ phiếu bị vỡ, nhà sản xuất sợi cotton FTM "đo sàn" 14 phiên liên tiếp
Chủ tịch Fortex (FTM) từ nhiệm sau chuỗi 22 phiên sàn liên tiếp thổi bay 80% giá trị công ty
0 comments:
Đăng nhận xét