Theo khảo sát của Sở Xây dựng TP HCM, hiện có khoảng 476.000 hộ gia đình chưa có nhà ở, hoặc đang sống chung với người thân, chiếm gần 1/4 tổng số hộ gia đình tại TP HCM. Thông tin được công bố tại hội thảo "Giải pháp nhà ở đáp ứng gia tăng dân số 1 triệu người sau mỗi 5 năm ở TPHCM giai đoạn 2021-2035” vừa được TP HCM tổ chức hôm qua (17/9).
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, TP HCM là đô thị đặc biệt, là một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ. Với quy mô dân số như hiện nay, TP đang đứng trước những thách thức không nhỏ. Theo thống kê năm 2019, dân số TP chỉ khoảng 9 triệu người, nhưng thực tế có hơn 13 triệu người đang sinh sống, làm việc, học tập tại đây.
Tốc độ gia tăng dân số nhanh, cứ bình quân mỗi năm TP HCM gia tăng khoảng 200.000 người, trung bình 5 năm khoảng 1 triệu người, dẫn đến những áp lực rất lớn trong công tác quản lý đô thị, đòi hỏi phải đặt ra các yêu cầu cao hơn về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là vấn đề về nhà ở.
Theo thống kê từ Sở Xây dựng TP HCM, tính đến tháng 6/2019, diện tích nhà ở bình quân đầu người tại TP HCM đạt 19,9 m2, dự kiến cuối năm 2020 sẽ đạt 20,3 m2/người.
Tuy nhiên vẫn còn bộ phận lớn người lao động, đặc biệt là người dân nhập cư, người có thu nhập thấp đang sinh sống trong điều kiện chật chội, cũ kỹ, chưa đảm bảo vệ sinh, an toàn và phần lớn không có khả năng sở hữu nhà ở, thậm chí để thuê nhà ở với mức giá phù hợp cũng là điều khó khăn.
Do đó, theo ông Phong, việc tập trung xây dựng cơ chế, giải pháp phát triển nhà ở để đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là nhà ở xã hội, cho thuê nhà ở giá rẻ để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người có thu nhập thấp, người dân nhập cư… là những yêu cầu lớn đặt ra cho một đô thị lớn như TP HCM.
Theo khảo sát của Sở Xây dựng TP HCM, hiện có khoảng 476.000 hộ gia đình chưa có nhà ở, hoặc đang sống chung với người thân, chiếm gần 1/4 tổng số hộ gia đình tại TP HCM. Trong đó, có khoảng 20.000 hộ cán bộ, công chức chưa sở hữu nhà ở; 300.000 hộ có nhu cầu thuê nhà ở xã hội; 143.000 hộ có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội (chiếm tỷ lệ 65- 94% đối tượng khảo sát); hơn 20.000 hộ sống trên nhà ven kênh rạch và 35.000 hộ đang sống trong các chung cư cũ cần được cải tạo, nâng cấp hoặc tái định cư.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (Horea) cho biết, rào cản đối với người có thu nhập thấp đô thị khi tạo lập nhà ở đó là thiếu sản phẩm nhà ở thương mại loại vừa và nhỏ, có giá vừa túi tiền (trên dưới 1 tỷ đồng), thiếu nhà ở xã hội, thiếu nhà cho thuê giá thấp. Hiện nay, giá nhà ở mức cao, gấp 20-25 lần so với thu nhập bình quân của người dân (ở nước phát triển chỉ khoảng 5-7 lần).
Bên cạnh đó, Nhà nước chưa có nhiều chính sách tín dụng hỗ trợ người có thu nhập trung bình và thấp tại đô thị mua căn nhà đầu tiên, ngoại trừ giai đoạn 2013-2016 có gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng.
TP đang thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho cán bộ công chức, viên chức Nhà nước với suất được vay lên đến 900 triệu đồng, lãi suất 4,7%/năm trong thời hạn 15 năm. Nay đã giải ngân được khoảng 1.500 tỷ đồng cho hơn 4.000 người. Theo ông Châu, kết quả này đáng khích lệ, nhưng cần nguồn lực lớn hơn, để có thể nhân rộng hơn, áp dụng chung cho tất cả đối tượng có thu nhập thấp tạo lập căn nhà đầu tiên.
Theo PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị TPHCM, nhà chung cư và sống ở chung cư đang đóng vai trò chủ đạo trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai. Chỉ có nhà chung cư mới đáp ứng được nhu cầu nhà ở cho hàng triệu người mỗi năm. Với sự hỗ trợ của công nghệ mới, kỹ thuật mới và vật liệu mới, loại nhà này xây dựng nhanh và tiết kiệm đất.
Bên cạnh đó, theo ông Hòa, TP HCM cần tái quy hoạch không gian để khơi thông quỹ đất cho thị trường bất động sản trong đó có nhà chung cư; đồng thời chấm dứt kiểu phát triển nhà chung cư và nhà ở ôm đường, nằm sát dọc theo các trục lộ; hình thành nên các trung tâm mới theo hình thái “đa trung tâm”.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đề xuất các mô hình phát triển nhà ở đáp ứng tình trạng gia tăng dân số, như mô hình phát triển các dự án nhà ở trong các khu đô thị vệ tinh, mô hình phát triển các dự án khu dân cư quy mô lớn (mỗi dự án nên có diện tích khoảng trên dưới 50 ha trở lên) tại các quận ven và huyện ngoại thành.
Nguồn Báo Lao Động
0 comments:
Đăng nhận xét