Chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba trong trạng thái gần như đi ngang, do không có nhiều thông tin tác động lên giá cổ phiếu và nhà đầu tư đang chờ cuộc họp trong tuần này và tuần tới của hai ngân hàng trung ương lớn.
Trong khi đó, nhờ sự đi lên của cổ phiếu công nghiệp, chỉ số Dow Jones có một phiên tăng nhẹ, đánh dấu phiên tăng thứ năm liên tục. Chỉ số Nasdaq giảm nhẹ.
Theo hãng tin Reuters, trong phiên này, giới đầu tư mua nhiều các cổ phiếu giá trị thay vì các cổ phiếu tăng trưởng. Đây là xu thế đang diễn ra ở Phố Wall trong bối cảnh thương chiến Mỹ-Trung tiếp tục phủ bóng.
"Xu thế dịch chuyển sang các cổ phiếu giá trị đang tiếp tục", chiến lược gia Robert Pavlik thuộc SlateStone Wealth nhận xét. "Mọi người đều tìm kiếm những lĩnh vực mà họ cho là mang lại ít rủi ro hơn cho danh mục đầu tư của mình".
Số liệu từ Trung Quốc ngày 10/9 tiếp tục cho thấy những tác động tiêu cực của thương chiến đối với nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) của Trung Quốc trong tháng 8 giảm mạnh nhất 3 năm.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), Trung Quốc có thể sẽ nhập khẩu thêm nhiều hàng hóa nông sản từ các quốc gia khác, thay vì Mỹ, để củng cố vị thế trong cuộc đàm phán thương mại với Mỹ.
Dữ liệu xấu từ Trung Quốc gây áp lực giảm lên các cổ phiếu công nghệ - nhóm có mức độ nhạy cảm cao với thương chiến, khiến nhóm này giảm 0,5%.
Nhà đầu tư hiện đang kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cắt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức phát tín hiệu rằng nước này đã chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với nguy cơ suy thoái kinh tế bằng một gói kích cầu.
Cuộc họp của ECB sẽ diễn ra vào ngày 11/9, trong khi FED sẽ họp vào ngày 17-18/9.
"Nhiều người đang chờ FED và các ngân hàng trung ương khác hạ lãi suất", ông Pavlik nói. "Nhưng hãy nghĩ về điều này, nếu họ hạ lãi suất thì điều đó có nghĩa là nền kinh tế của họ không tốt. Đó là một logic có thể gây ra những phản ứng trái chiều".
Tin từ Đức cùng với việc căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tạm lắng khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng lên mức cao nhất trong 4 tuần.
Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 0,28%, đạt 26.909,43 điểm. S&P 500 tăng 0,03%, đạt 2.979,39 điểm. Nasdaq giảm 0,04%, còn 8.084,16 điểm.
Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, có 6 nhóm chốt phiên trong trạng thái tăng, với mức tăng tốt nhất thuộc về nhóm năng lượng và công nghiệp. Bất động sản là nhóm giảm mạnh nhất, với mức giảm 1,4%.
Cổ phiếu Apple tăng 1,2% sau khi hãng này công bố loạt sản phẩm mới gồm iPhone, Watch, iPad, và Apple TV+.
Cổ phiếu hãng xe Ford giảm 1,3% sau khi tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s hôm thứ Hai hạ định hạng tính nhiệm trái phiếu Ford xuống ngưỡng "rác" (junk).
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu tăng giá nhiều gấp gần 1,4 lần số mã giảm. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là gần 1,8 lần.
Có tổng cộng 8,05 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công ở Phố Wall phiên này, so với mức bình quân 6,86 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.
Nguồn VNECONOMY
0 comments:
Đăng nhận xét