20 thg 9, 2019

Nhân viên Alibaba vẫn lôi kéo khách hàng

Sáng 19-9, sau vụ việc Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CSĐT) Bộ Công an và TPHCM bắt tạm giữ và tạm giam 2 lãnh đạo chủ chốt của Công ty CP Địa ốc Alibaba, nhiều khách hàng đã đến văn phòng công ty này tại thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) để đòi tiền.  

Điều đầu tiên dễ dàng nhận thấy ở các dự án ma, từng có lúc được vẽ giống như khu đô thị cao cấp, là khung cảnh hoang tàn, cây cỏ mọc um tùm bao trùm như ngoài đồng, ngoài ruộng không có ai chăm sóc.

Trong đó, dự án Alibaba Tân Thành Center City 1, với gần 13,5ha tại xã Châu Pha mà có lúc Nguyễn Thái Luyện muốn biến thành khu chợ đêm ngay cạnh những thửa đất đã phân lô để bán, nay được bao trùm bởi những cánh đồng mì do người dân canh tác, còn lại những con đường đi bên trong dự án ma thì cỏ dại trùm lên đống đổ nát của những công trình bị cưỡng chế.

Những căn nhà tiền chế tạm bợ được dựng lên với mục đích đánh lừa khách hàng rằng sau khi mua đất có thể xây nhà ở cũng bị bỏ hoang, bên trong ngập rác và lá cây. Alibaba còn 7 dự án ma khác tại địa phương này nhưng khung cảnh cũng không mấy khá khẩm và vẫn là cảnh cây cối um tùm. 

Sáng 19-9, tại một văn phòng của công ty này tại xã Châu Pha, hàng chục nhân viên vẫn đến làm việc dù văn phòng này đã bị cắt điện, cắt nước. Chị L. - một nhân viên của Alibaba tiết lộ, sau khi lãnh đạo công ty bị bắt, một số nhân viên đã nghỉ việc, nhiều khách hàng đã kéo tới văn phòng và lên trụ sở của công ty tại TPHCM để giải quyết việc mua đất của dự án Alibaba.

Nhân viên của Alibaba còn trấn an: Việc lãnh đạo của công ty bị bắt không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng vì tiền khách hàng đã được công an giữ sẽ không lo bị mất.

Và như một thói quen, nhân viên này không ngừng thao thao bất tuyệt giới thiệu về bản thân đã làm giàu như thế nào từ khi làm việc cho Alibaba và cho rằng đây là thời điểm tốt nhất để mua đất của công ty.

Sau buổi trò chuyện, như để cứu “ong chúa”, nhân viên Alibaba đã đưa ra một lá đơn “không tố cáo Công ty Alibaba” gửi Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã được in sẵn, nội dung xác nhận Alibaba không lừa đảo khách hàng, việc đầu tư là tự nguyện và thông tin báo chí đưa tin không đúng nên yêu cầu điều tra và đưa ra kết luận để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng. Rõ ràng, nhân viên của Alibaba vẫn đang tiếp tục lôi kéo khách hàng và thông tin sai sự thật nhằm bào chữa cho 2 lãnh đạo đã bị bắt...

Theo một lãnh đạo UBND xã Tóc Tiên, nơi có 2 dự án ma của Alibaba, sau khi cưỡng chế các công trình trái phép mà Alibaba đã xây dựng trên đất được quy hoạch làm nghĩa trang, đường cao tốc…, xã đã bố trí người theo dõi, nắm bắt tình hình tại các dự án ma để có thể xử lý kịp thời những sai phạm. 

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa có văn bản chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp công an tỉnh, Sở TN-MT, UBND thị xã Phú Mỹ tổ chức việc kiểm tra, mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái pháp luật của Công ty Alibaba theo đề nghị của Cục CSĐT tội phạm về phòng chống tham nhũng kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an).

Theo lời khai của Nguyễn Huỳnh Tú Trinh, nhân viên của Alibaba đang bị tạm giam, tại thị xã Phú Mỹ, công ty này đã phân phối, chuyển nhượng đất nền, thu hơn 771 tỷ đồng, trong đó dự án ma nhỏ nhất thu hơn 38 tỷ đồng.

Trong ngày 19-9, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM mời một số nhân viên cấp cao của Alibaba đến làm việc để làm rõ những nội dung trong vụ án. Cơ quan CSĐT Công an TPHCM cũng gửi giấy triệu tập bà Huỳnh Thị Ngọc Như, Phó Tổng Giám đốc Đối ngoại và Đào tạo của Alibaba, đến làm việc trong hôm nay 20-9.

Kết quả điều tra ban đầu xác định Nguyễn Thái Luyện và Nguyễn Thái Lĩnh lập Alibaba và các công ty thành viên (có quy mô hơn 2.600 nhân viên), thu gom mua số lượng lớn đất nông nghiệp với tổng diện tích hơn 600ha, giao cho các cá nhân đứng tên và tự vẽ 40 “dự án” không có thật ở phía Nam (Đồng Nai 29 “dự án”, Bà Rịa - Vũng Tàu 9 “dự án”, Bình Thuận 2 “dự án”).

Mặc dù những “dự án” này chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép cho làm dự án... nhưng Luyện, Lĩnh tổ chức quảng cáo sai sự thật là đất dự án để bán.

Tính đến ngày 30-6-2019, Alibaba đã ký hợp đồng bán nền đất cho hơn 6.700 khách hàng, thu hơn hàng ngàn tỷ đồng. Công an TPHCM đang mở rộng điều tra để xử lý các đối tượng có liên quan.

Công an các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận cũng đang làm rõ hành vi vi phạm quy định về sử dụng đất đai, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Alibaba và các chi nhánh của Alibaba trên địa bàn. 

Nguồn Sài Gòn Giải Phóng

0 comments:

Đăng nhận xét