17 thg 9, 2019

"Phẩm giá 200k"

Đại úy Lê Thị Hiền sau khi công khai nhục mạ người khác, gây rối trật tự nơi công cộng, đã bị phạt 200 nghìn đồng. Từ khi nào tờ bạc 200 trở thành một thước đo sự khốn nạn diễn ra trong đời sống?


Con số 200 nghìn tiền phạt nhắc nhở chúng ta nghĩ về những sự kiện từng diễn ra.

Một tài xế đái bậy trên đường Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội): Phạt 200 nghìn.

Gã râu xanh Đỗ Mạnh Hùng, kẻ đã đè nghiến một nữ sinh ra hôn trong thang máy: Phạt 200 nghìn.

200 nghìn là số tiền phạt một người đàn ông do 3 lần sờ ngực một phụ nữ trên xe buýt.

200 nghìn cũng số tiền mà - Công an phường Tân Thạnh (thành phố Tam Kỳ - QUẢNG NAM) phạt hành chính với Nguyễn Thanh Thụy về hành vi sàm sỡ phụ nữ.

200 nghìn bây giờ mua được gì? Bốn bát phở ngon ở Phố cổ Hà Nội. Vâng, không nhầm đâu. Nhịn bốn bát phở là người ta có thể công nhiên làm khá nhiều việc trái pháp luật, trái đạo đức giữa thanh thiên bạch nhật.


Hàn Phi Tử - Một nhà tư tưởng Trung Quốc thời cổ đại nói: "Con người sinh ra vốn ác". Thế nên phải đặt ra luật pháp để điều chỉnh các hành vi của con người.

Pháp luật được đặt ra để xử phạt, răn đe cái "tính ác" của con người, nhưng thật khó giải thích vì sao những "khối u ác tính" của Con người lại được điều trị bằng mức phạt 200 nghìn. Thật kỳ quái.

Tôi cho rằng những hành vi trái luật, phản văn minh cứ diễn ra ngày này qua ngày khác không phải là do những ẩn ức cá nhân, không phải do áp lực cuộc sống, cũng không đến từ một giây phút xốc nổi hay dâm tính bột phát. Nó đến từ mức phạt quá nhẹ, không đủ sức răn đe hay trừng phạt cái ác.

Nếu luật chưa nghiêm thì phải sửa. Phải làm sao để phẩm giá Con người - giá trị Con người - không thể bị đánh đồng với tờ giấy bạc 200 nghìn.

Nguồn hình Internet - Báo Công Luận

0 comments:

Đăng nhận xét