Những ai muốn nuôi chó thì đừng chần chừ gì nữa, nuôi luôn và ngay thôi.
Chó vốn nổi tiếng là loài vật trung thành, là người bạn thân thiết với con người. Nhưng thân đến mức độ nào? Chắc chắn là hơn những gì bạn nghĩ đấy!
Theo một nghiên cứu mới đây, những chú chó gắn bó lâu ngày có thể sẵn sàng chạy đến trợ giúp chủ của mình, miễn là người chủ có dấu hiệu cần giúp đỡ - như khóc chẳng hạn.
Cụ thể, nghiên cứu của ĐH Johns Hopkins (Mỹ) đã làm thí nghiệm trên nhiều dòng chó khác nhau. Chủ của chúng sẽ ở trong một căn phòng và kêu khóc. Kết quả, gần 1/2 tìm cách đẩy cửa để vào.
"Nghiên cứu cho thấy chó không chỉ cảm nhận được tâm trạng của chủ, mà nếu chúng biết cách giúp đỡ, chúng sẽ tìm cách để làm cho được điều đó" - trích lời Emily Sanford, một thành viên của đội nghiên cứu.
"Nhiều người đã từng chia sẻ việc họ cảm thấy buồn bã đến mức bật khóc, và rồi chú chó xuất hiện ngồi ngay cạnh, dụi đầu an ủi. Hóa ra, khoa học cũng xác nhận điều này."
Nghiên cứu được thực hiện trên 34 chú chó với kích cỡ và dòng khác nhau, trong đó có các dòng nổi tiếng như golden, Labrador, pug... Khi chủ bật ra tiếng khóc, chúng lập tức xuất hiện như một cơn gió vậy.
Trong tổng số 34 con, có 16 tìm cách mở cửa. Đáng chú ý, một số người chủ còn huýt sáo nữa, và những chú chó cũng đẩy cửa vào. Tuy nhiên, tốc độ là khác nhau. Khi chủ khóc, tốc độ của chó lao đến nhanh hơn, quyết liệt hơn. Và đặc biệt, mức độ giữa chó và chủ càng gắn bó, chúng càng đến nhanh hơn.
Nhưng hơn một nửa còn lại, tại sao chúng không giúp? Các xét nghiệm sau đó cho thấy chúng quá stress vì hoàn cảnh của chủ. Chúng quá buồn, đến mức không thể làm gì được nữa.
Nghiên cứu vẫn còn một số điểm hạn chế. Đầu tiên là quy mô nghiên cứu vẫn còn rất nhỏ. Ngoài ra, tiếng khóc của người chủ có thể vẫn còn khá "giả", nghe hơi giống tiếng ngân nga ở một số trường hợp.
Dù vậy, nó vẫn góp phần củng cố thêm về giả định rằng chó thực sự quan tâm đến chúng ta. Hơn nữa, nó cũng cho thấy những bộ phim với nội dung chó cứu người không phải là hư cấu, mà dựa trên một hiện tượng có thực.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Learning & Behavior.
Theo Helino
0 comments:
Đăng nhận xét