H.V. MacArthur là một tác giả và diễn giả, thường có nhiều chia sẻ về những kinh nghiệm và quy tắc bất thành văn tại công sở hiện đại. Sự tử tế là điều đã giúp cô thăng tiến và mở rộng sự nghiệp hơn.
Với mong muốn giúp người lao động có tư duy tích cực, sớm tìm thấy sự nghiệp yêu thích và khám phá được nguyên tắc của thành công, H.V. MacArthur đã dành rất nhiều thời gian và tâm sức để cố gắng mô phỏng sự tử tế mà người khác đã làm. Cô tin rằng mình nên chia sẻ lại những bí quyết đó cho nhiều người khác để đáp trả lại cho tình yêu và lòng tốt mà bản thân đã may mắn nhận được.
Cùng xem ngay với Career Builder Việt Nam 10 lời khuyên hàng đầu của H.V. MacArthur về cách nuôi dưỡng tình yêu và sự tử tế, để nó khiến bạn ngày một hạnh phúc và thành công hơn nhé!
1# Tử tế với chính mình. Nhiều người thường quan niệm sai lầm rằng, chúng ta càng nghiêm khắc với bản thân thì sẽ càng gặt hái nhiều kết quả. Từng nhìn thấy những sự thật khác biệt sau nhiều năm làm công tác huấn luyện người khác và làm trung gian hoà giải những cuộc xung đột, H.V. MacArthur nói rằng: Nếu bạn cư xử khắc nghiệt với bản thân, nhiều khả năng bạn cũng là một kẻ khó khăn với người xung quanh.
2# Gửi lời cảm ơn. Ngay cả trong thế giới hiện đại, tốc độ giao tiếp và truyền thông nhanh như tia chớp, một lời cảm ơn vẫn luôn có sức mạnh tuyệt vời. Một mảnh ghi chú nhỏ nhưng chân thành hay tin nhắn ngắn thể hiện lòng biết ơn (dựa trên các sự kiện thực tế) có thể cho thấy rằng người nhận có ý nghĩa như thế nào với bạn. Hãy viết những lời cảm ơn không ngoài lý do nào hơn thể hiện sự cảm kích, không vì bạn cần thứ gì đó, hãy cảm ơn vì chúng ta xứng đáng với những khoảnh khắc mạnh mẽ như vậy.
3# Đi đầu trong việc bày tỏ lòng biết ơn. Hãy ưu tiên cho sự ghi nhận. Thử làm điều này thường xuyên khi bạn đề nghị trợ giúp hoặc đưa ra phản hồi. Đây là cách mạnh mẽ để có những cuộc trò chuyện hiệu quả và dễ chịu, với mục tiêu duy nhất là khiêm tốn bày tỏ sự biết ơn. Đừng nhầm lẫn cuộc trò chuyện này với một phản hồi tích cực bình thường. Bạn không chỉ nói rằng “Anh đã làm rất tốt” mà cần nói rằng “Tôi rất cảm kích vì anh đã thực hiện điều này”. Những cuộc trò chuyện như vậy có tác dụng rất mạnh mẽ và xây dựng lòng tin cùng động lực lâu dài cho ai đó.
4# Xử lý vấn đề sớm, thường xuyên và công khai. Bằng cách trực tiếp xử lý các vấn đề đang làm phiền mình, bạn sẽ kiểm soát để chúng không thể trở nên quá tiêu cực. Đừng cố đoán lý do vì sao một đồng nghiệp thường xuyên né tránh hoặc biến mất khi nhóm gặp phải các vấn đề căng thẳng trong công việc. Hãy trực tiếp vào thẳng điểm chính, giải quyết vấn đề với lời lẽ tử tế, và tiến lên!
5# Đánh giá người khác trên tổng thể chứ không vì một hai điều chưa tốt. Bằng cách nhìn nhận mọi người vì họ là ai, bạn tạo không gian tốt nhất cho mình và người khác xuất hiện trong phiên bản hoàn hảo nhất có thể. Hành động này cho phép đôi bên thoát khỏi chế độ tự phòng vệ và thư giãn, giữ tư duy rộng mở để sáng tạo trong cách giải quyết các vấn đề.
6# Làm một kẻ nhiều chuyện tích cực. Nghe có vẻ phản khoa học khi bảo bạn đi “buôn dưa lê”, thực chất lời khuyên này có nghĩa là nếu muốn “nhiều chuyện” thì cũng phải cố gắng lan truyền những điều tốt đẹp về đồng nghiệp. Rất nhiều lần, bạn đã thấy các buổi tụ tập tại nơi làm việc chỉ vì mọi người cùng không thích ai đó. Thay vì làm như vậy, hãy kết nối với nhau vì mục đích tương trợ người khác. Bạn có thể truyền cảm hứng, thúc đẩy những cảm nhận tốt đẹp về người mà bạn đang nhắc đến, đang nói chuyện cùng hoặc về chính mình nữa.
7# Đừng rêu rao hết mọi sai lỗi. Nếu lỗi lầm của đồng nghiệp đem lại cơ hội tốt để họ học thêm một điều mới, thì hãy tiếp tục nêu nó ra. Còn nếu sai sót đó chỉ là một chi tiết rất nhỏ thì hãy cho qua. Bạn đang giúp cho ai khi chỉ trích một người vừa phạm phải sai lầm gì đó? Còn khi họ cũng từng rất phiền toái, luôn dèm pha những thiếu sót của bạn? Hãy nhớ đến quy tắc số 1 – tử tế với bản thân, có lẽ cả đôi bên đều đang rất cần sự tử tế mà chưa biết mở lời ra sao. Cuối cùng, tin chắc rằng bạn mong muốn đồng nghiệp xung quanh thấy an tâm và thoải mái khi làm việc với mình. Phê bình để giúp đỡ mới là tư duy đúng. Rêu rao từng khuyết điểm hay sai phạm nhỏ nhặt chỉ tạo ra tác dụng ngược lại.
8# Thiết lập ranh giới. Sự tử tế không có nghĩa là dễ bị lừa, nhanh thỏa hiệp hay làm hài lòng người khác bằng mọi giá. Nếu không thiết lập ranh giới, nhiều nguy cơ bạn sẽ đặt mình vào tình huống không thể lường trước, chuyện này chắc chắn sẽ kết thúc bằng việc bạn phát cáu hoặc đả kích người khác. Thay vì vậy, hãy chia sẻ về những giới hạn của bản thân để người xung quanh biết cách đối xử tốt nhất với bạn.
9# Giao tiếp bằng mắt. Việc này rất đơn giản nhưng chưa được vận dụng đúng mức. Giao tiếp bằng mắt không có nghĩa là nhìn chằm chằm ai đó khiến họ mất tự nhiên, một vài ánh mắt trực tiếp có thể truyền đi thông điệp rằng bạn coi trọng đối phương và thật lòng quan tâm đến họ. Rất dễ dàng biểu lộ sự tử tế với nụ cười mỉm hoặc vài cử chỉ tích cực. Làm điều này khi người đối diện đang nói hoặc trong tình trạng khó khăn để thu hút sự chú ý. Đối xử với tất cả mọi người như thể họ quan trọng, bất kể vị trí nào, bạn sẽ nhận lại được gấp nhiều lần.
10# Luyện tập tính tử tế. Để đảm bảo rằng mình thể hiện lòng tốt theo cách thành thực, bạn cần có hành động tự nhiên. Luyện tập để chắc chắn trong những thời điểm khó khăn, căng thẳng nhất, hành động của bạn vẫn phản ánh lòng tốt và tình yêu nhiều hơn sự sợ hãi hay tự vệ. Hãy biến lòng tốt thành một phần trong thói quen, đừng phân phát sự tử tế chỉ vì bạn muốn có cảm giác an toàn hoặc nhận lại lợi ích nào đó.
Nguồn Career Builder Vietnam
0 comments:
Đăng nhận xét