31 thg 10, 2019

Công ty trả tiền cho kết quả công việc chứ không phải thời gian của nhân viên: Sếp thông minh chỉ thay đổi điều này là vừa ích cấp dưới vừa lợi cấp trên

Một nhân viên cứ đến văn phòng và ngồi làm việc 8 tiếng liệu có đem lại kết quả cao nhất? Thực tế, sự hiện diện của nhân viên tại văn phòng không quan trọng bằng việc họ có thể làm được những điều gì, kết quả như thế nào.

Qua Instagram, Susan Hoaby - CEO của công ty tư vấn bán lẻ - biết rằng một trong những nhân viên của cô đang ở Paris. Nhưng điều đó không làm cho cô ấy ngạc nhiên. Susan không lo lắng về thời gian và nơi nhân viên của mình đang làm việc. Công ty của cô, JL Buchanan, sử dụng môi trường làm việc chỉ có kết quả (ROWE) -  một chiến lược quản lý tập trung vào kết quả và hiệu suất của nhân viên, chứ không hẳn quan tâm đến việc nhân viên làm việc ở đâu và khi nào.

Hoaby chia sẻ: "Đó là sức mạnh của niềm tin. Nhân viên của tôi ở Paris, nhưng tôi biết công việc của cô ấy vẫn đang hoàn thành. Cô ấy có thể đang làm một vài việc và các đồng nghiệp có thể che chở cho cô ấy, nhưng tôi không lo lắng về điều đó. Tôi tin rằng cô ấy đã thực hiện chuyến đi khi công việc được sắp xếp ổn thỏa".

Theo chiến lược ROWE, nhân viên có thể nghỉ sớm, làm việc tại nhà hoặc thậm chí từ một quốc gia khác. Jody Thompson – lãnh đạo CultureRx, người đồng sáng tạo khái niệm ROWE cho biết: "Mỗi người có 100% trách nhiệm và 100% sự tự chủ, điều đó có nghĩa là tự quản và độc lập". 

Nói chung, theo thuyết ROWE, nhân viên vẫn có thể đến văn phòng, nhưng Thompson giải thích rằng sự cần thiết về không gian làm việc đó có xu hướng giảm. Cô nói: "Chi phí bất động sản có thể giảm đáng kể trong ROWE vì mọi người đã không còn suy nghĩ rằng nơi làm việc là nơi mình “đến” mà thay vào đó là những gì mình “làm”. Hoaby đã tiến hành chiến lược ROWE cho công ty  JL Buchanan vào năm 2009 và kết quả sự hưởng ứng của nhân viên, năng suất và hiệu quả đã tăng lên, cùng với lợi nhuận và doanh thu tăng vượt bậc.

Ý tưởng về ROWE nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng để thực hiện, đó có thể là một thách thức. ROWE có nghĩa là xóa bỏ quan niệm rằng những nhân viên giỏi nhất là những người luôn ở bên bàn làm việc của họ. Và nó cũng đòi hỏi việc xóa bỏ bất kỳ phán xét hoặc thắc mắc của các nhân viên khác khi họ rời khỏi văn phòng. Trong ROWE, nhân viên có những ngày nghỉ dài mà không cần phê duyệt.

Cho nhân viên quyền tự chủ
WATT Global Media, một công ty dịch vụ tiếp thị và nội dung trong ngành kinh doanh nông sản, đã triển khai ROWE vào năm 2012, sau một giai đoạn chuyển đổi lớn với một số tuyển dụng mới. CEO Greg Watt của công ty này đã từng lo lắng về việc giữ chân nhân viên. Ông cho hay, việc áp dụng phương thức này không chỉ tốt cho việc giữ chân nhân viên, đây còn là một công cụ tuyển dụng tuyệt vời. Ông nói: "Ngồi một chỗ trong văn phòng không tạo ra kết quả công việc tốt. Nó mang lại cho bạn sự nhận thức, nhưng nó không hoàn toàn mang lại hiệu suất tuyệt vời".

ROWE trao quyền tự chủ hoàn toàn cho người lao động, nhưng để trở thành người lao động thành công cần phải có những mục tiêu và thước đo rõ ràng và chi tiết. Jody Thompson nói. "Tôi phải biết chính xác những gì tôi phải trả lương cho nhân viên. Đó phải là những kết quả công việc có thể đo lường được". Kết quả công việc là điều duy nhất mà nhân viên được đo lường, vì vậy cần phải rõ ràng. Các nhân viên tại WATT đã tham gia nhiều hơn vào việc thiết lập các mục tiêu và kết quả để xác định những gì có thể đạt được.

Watt nói: “Các mục tiêu hiện được tạo từ dưới lên chứ không phải từ trên xuống. Trong nhiều năm, đó là cùng một mục tiêu, nhưng bây giờ nó là một cuộc đối thoại hai chiều". Trong khi hầu hết nhân viên thích sự tự do này thì các nhà quản lý có xu hướng khó khăn hơn trong việc thích nghi với phong cách làm việc mới. Thompson chia sẻ: “Họ đã quen với việc kiểm soát. Họ lãnh đạo bằng cách có thể kiểm soát mọi người, và bây giờ thì họ phải thực sự giỏi trong công việc và mang lại kết quả có thể đo lường được và một số nhà quản lý bị phơi bày năng lực bởi điều đó".

Người quản lý cần phải trở thành "các huấn luyện viên thông thạo" tại những môi trường làm việc này vì việc trao đổi thường xuyên với nhân viên để xem xét tiến độ và hiệu suất là một phần tất yếu của ROWE. Họ ở đó để giúp nhân viên làm việc hiệu quả nhất và giúp giải quyết mọi vấn đề phát sinh.

"Trong mô hình ROWE, bạn liên tục hỏi: Đây có hẳn là mục tiêu đúng không? Chúng ta đi đúng hướng chưag? Phải có sự điều chỉnh liên tục để đảm bảo bạn không lãng phí thời gian của mình", cô nói. ROWE vượt xa việc đạt được cái gọi là cân bằng cuộc sống công việc. Lana Jones, phó chủ tịch tài năng và văn hóa tại JL Buchanan nói: "Đây là giải pháp tốt nhất để làm việc đáp ứng cuộc sống, đó là sự hòa nhập giữa cuộc sống và công việc". 

Nhân viên có nhiều tự do hơn, không có nghĩa là họ làm việc ít hơn. "Tôi làm việc chăm chỉ hơn những gì tôi có thể có trong 25 năm sự nghiệp của mình. Đó là làm việc thông minh hơn chứ không phải là làm ít hơn", Jones nói.

Nguồn Tri Thức Trẻ

0 comments:

Đăng nhận xét