Báo cáo tài chính của Công ty nước sạch Sông Đà ghi nhận công ty mang lại hàng trăm tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế cho nhóm đại gia sau khi thâu tóm.
Đại gia Nguyễn Văn Tuấn, đang nắm giữ 60,46% cổ phần công ty nước sạch Sông Đà |
Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) là đơn vị cấp nguồn nước mặt từ nhà máy nước mặt Sông Đà và một số nhà máy nước quy mô nhỏ khác cho hầu hết công ty nước sạch còn lại. Đây cũng là doanh nghiệp đang gặp sự cố về chất lượng nước sạch cho người dân một số khu vực thành phố Hà Nội những ngày vừa qua.
Viwasupco hiện là đầu mối cấp nước cho toàn bộ khu vực phía Tây Nam thành phố Hà Nội, gồm các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông và một số quận nội thành cùng một số khu vực thuộc Hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây – Hòa Lạc – Xuân Mai – Miếu Môn – Hà Nội – Hà Đông.
Theo báo cáo tài chính năm, mỗi năm Viwasupco đều ghi nhận hàng trăm tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế. Mảng kinh doanh nước sạch của công ty có biên lợi nhuận gộp lên tới 57,2% trong năm gần nhất (2018). Cụ thể, công ty nước sạch Sông Đà đã bán ra 91 triệu m3 và đạt doanh thu 468 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế lên tới 218 tỷ đồng. Đây là mức siêu lợi nhuận của một công ty nước sạch khi cứ 2 đồng thu về công ty lại lãi 1 đồng.
Năm 2019, công ty đặt mục tiêu doanh thu 534 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 183 tỷ. Kế hoạch khá thận trọng với sự giảm nhẹ của lợi nhuận nhưng thực hiện lại cao hơn nhiều. Theo cập nhật của công ty, 6 tháng năm 2019 doanh nghiệp đạt doanh thu 263 tỷ, tăng 22,3% so với cùng kỳ. Báo cáo tài chính cũng cho thấy, giá vốn bán hàng công ty chỉ 113 tỷ đồng và các chi phí tài chính, chi phí bán hàng không đáng kể khiến lợi nhuận từ kinh doanh của công ty tăng lên 133 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 126 tỷ, tăng 37% so với cùng kỳ.
Tại ngày 30/6/2019, tổng tài sản của công ty đạt 1.477 tỷ đồng. Nợ phải trả của công ty là 453 tỷ, trong đó chủ yếu là người mua trả tiền trước. Công ty có khoản vay nợ dài hạn 387 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đạt 1.023 tỷ, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 271 tỷ.
Tuy nhiên, trong báo cáo tài chính này cũng cho biết công ty có thể gặp một số rủi ro hoạt động vì nhu cầu đăng ký sử dụng nước của khách hàng rất lớn và ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, khả năng cung cấp nước của công ty bị hạn chế do nhà máy đã khai thác hết công suất của tuyến ống truyền tải nước sạch.
Nhà máy nước sạch sông Đà nhìn từ trên cao. Ảnh: Vnexpress |
Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà tiền thân là Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex, nhưng từ năm 2017, Vinaconex đã thoái vốn khỏi Viwasupco và đơn vị này không còn là công ty thành viên của Vinaconex, đồng thời không được bảo hộ sử dụng thương hiệu của Vinaconex.
Sau nhiều cuộc thâu tóm, tính đến nay, cổ đông của công ty nước sạch Sông Đà gồm nhóm Gelex đã nắm giữ 60,46% cổ phần, REE nắm 35,95% cổ phần, Quỹ đầu tư MB nắm 2,22%. Đây là 3 cổ đông lớn nhất nắm gần 99% cổ phần công ty.
Theo tìm hiểu, Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex được sở hữu 100% bởi Tổng công ty Cổ phần Thiết bị điện Việt Nam Gelex. Gelex tự tin cho biết đang sở hữu chi phối Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà, đơn vị duy nhất cung cấp nước sạch từ nguồn nước mặt sông Đà cho thủ đô Hà Nội với công suất giai đoạn 1 là 300.000 m3/ ngày đêm.
Chủ tịch của Năng lượng Gelex chính là ông Nguyễn Văn Tuấn sinh năm 1984. Hiện đại gia trẻ này nắm nhiều chức vụ gồm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc của Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam, Chủ tịch Công ty Dây cáp điện Việt Nam, Chủ tịch Công ty TNHH Thiết bị điện, Phó chủ tịch Công ty TNHH S.A.S - CTAMAD, Phó Chủ tịch Công ty Hạ tầng Fecon.
Mới đây nhất, nhóm của đại gia trẻ này còn thực hiện cuộc thâu tóm Tổng công ty Viglacera khi liên tục gom cổ phần thoái vốn tại Bộ Xây dựng. Ông Tuấn sau đó cũng được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị của Viglacera.
Nguồn TPO
0 comments:
Đăng nhận xét