Đi qua vấp váp, nhận ra trên đời này chớ dại khờ chờ đợi, trông mong vào sự giúp đỡ của người khác. Gieo niềm tin là phải ở từ chính tay mình, mới nên!
"Thôi thì có gì nhờ cậy cả vào cô/chú/bác… Cố gắng giúp cháu nó xin được vào nơi đó làm việc!".
Tôi chắc các bạn ở đây cũng đã ít, nhiều được nghe những lời "thỉnh cầu" như thế từ cha mẹ mình mỗi khi định nhờ cậy ai đó để đưa bạn vào một nơi "ổn định" như cái cách mà bạn muốn. Và rồi sau đó, các bạn cứ mong ngóng hết ngày này qua ngày khác, rồi tự nhủ "Sao mãi chưa có tin tức gì cả". Người ít thì mất vài ba tháng, người bình thường thì mất đến cả năm… Cá biệt có người cứ thụ động tin tưởng đến mức mù quáng, sẵn sàng bỏ qua hết cơ hội khác chỉ để chờ đợi vào một lời hứa mơ hồ không biết ngày kết.
Tất cả được bắt đầu bằng "lời hứa vô hồn" trong cơn vui nhất thời
Ngày thi đỗ đại học, Dũng là niềm tự hào của gia đình và họ hàng. Không đơn giản vì là đứa đầu tiên trong họ thi đỗ, mà đó còn là động lực, là tấm gương để các em bé hơn trong nhà noi theo.
Dù còn chưa chính thức bước chân vào nhập học, còn chưa có trải nghiệm và va vấp thực tế ở cái ngành nghề tương lai mà bản thân mình sẽ làm việc, nhưng Dũng đã được chào mời bằng rất nhiều "lời hứa" từ các chú và các bác. Rằng là "Cháu cứ cố gắng học đi, đầu ra không phải lo nhé", hay " Cháu chọn đúng nghề gia đình rồi, yên tâm đi thất nghiệp còn khó hơn lên trời"…
Chưa biết được tính chính xác của những lời hứa trong cơn vui nhất thời này là bao nhiêu phần trăm, nhưng Dũng chỉ biết khi đó mọi thứ với Dũng là một "màu hồng" trải đầy thảm đỏ.
Kể từ hôm ấy, Dũng luôn có một niềm tin mãnh liệt vào nghành nghề mình đã chọn. Suốt 4 năm sinh viên, Dũng có không ít cơ hội được cộng tác và làm việc với những công ty uy tín nhưng Dũng đểu bỏ qua hết vì nghĩ rằng sau này sẽ về quê làm việc chứ không bám trụ ở cái đất Hà Nội chật chội này.
Đi đâu Dũng cũng tự hào khoe với bạn bè, người thân về một tương lai không xa ấy, nhưng cuộc sống thì đúng là không ai biết trước được điều gì cả. Nếu như mọi chuyện đến với mình luôn hanh thông và thuận lợi đến thế thì đã chẳng phải cuộc sống, bước chuyển rõ rệt nhất chính là lúc Dũng sắp hoàn thành xong giáo án của 4 năm đại học và đây cũng là lúc xác thực rằng "lời hứa" kia có đúng là thật hay không?
Đến khi bạn dần hoàn thiện những thủ tục để đưa lời hứa ấy đi ra hiện thực, thì mọi thứ bắt đầu chuyển biến theo nhiều hướng mơ hồ khác.
Cuối cùng ngày ấy đã đến, ngày Dũng chính thức cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp. Giờ đây Dũng sẽ được trở về quê hương sau vài năm đi kiếm con chữ, được mang những gì mình học để phục vụ quê nhà…Nghĩ đến đây thôi là lòng Dũng thấy bồi hồi và hạnh phúc biết mấy, nhưng khoan đã, đó mới chỉ là suy nghĩ từ cá nhân thôi. Còn sự thật thì ….?
Nhấc máy lên gọi điện cho những "lời hứa" trước. Dũng không khỏi ngạc nhiên vì những khúc cua quanh trả lời, không có điểm rơi cố định, không đúng trọng tâm câu hỏi, ở đó vẫn chỉ là những sự ve vãn cho tuổi trẻ phải trải nghiệm, phải ra va chạm với đời, để tích lũy nhiều hơn kinh nghiệm cho việc lớn về sau.
Dũng ngờ ngợ rồi, nhưng thật vì tin nên đành gật đầu tiếp xem sao, chỉ nghĩ đơn giản rằng "yên tâm đâu sẽ vào đấy hết rồi" nên cũng chưa phải vội. Họ đều là người lớn mà, chắc không lừa mình đâu, và rồi cứ thế hết ngày này qua ngày khác, gần 1 năm sau khi ra trường Dũng vẫn cố ngồi để chờ đợi hiện thực hóa lời hứa. Càng đợi, Dũng càng thấy thời gian qua mình vứt đi nó vô ích hơn, lãng phí hơn, mơ hồ chồng chất mơ hồ. Có lẽ đã đến lúc Dũng chợt bừng tỉnh ra được điều gì đó.
Dần dần bạn chợt nhận ra, mình sai lầm khi đã quá tin tưởng vào những điều "phi thực tế". Thất vọng, bế tắc, chán chường… là những cảm xúc bạn sẽ phải rất mạnh mẽ để vượt qua.
Tin tưởng nhưng hãy chỉ ở mức trải nghiệm. Giá như được quay lại thời sinh viên, Dũng sẽ không dại khờ mà đi tin theo những lời vô bổ ấy. 27 tuổi, Dũng biết tuy muộn nhưng bắt đầu bây giờ còn hơn là không bao giờ. Với Dũng hiện tại, mọi thứ lại bắt đầu như mới, lại phải "gồng mình" lên để vượt qua cú sốc tâm lý đó với bao vết thương in hằn trong tâm trí. Bên ngoài thì hàng xóm xì xào, trong nhà thì cha mẹ trách móc, ra ngoài thì xấu hổ với bạn bè vì những điều tưởng chừng như đã chắc ở trước đó bây giờ hóa thành không. Bao nhiêu khốn khó cứ cộng dồn cả vào một lúc khiến bản thân Dũng chẳng biết mình sẽ thoát chúng ra như thế nào?
Quãng thời gian đó, bản thân Dũng chia làm "hai nửa" buồn vui xen kẽ. Ban ngày thì cố gắng tỏ ra là ổn, nhưng ban đêm sau khi cánh cửa phòng ngủ khép lại thì cũng chính là lúc nội tâm Dũng đấu tranh nhiều nhất, mọi dằn vặt, mọi trách móc… đều dồn nén lên tâm trí nhỏ kia. Nhưng cuộc sống mà, tự nản, tự buông rồi cũng tự mình đứng lên thôi!
Gieo niềm tin là phải từ chính đôi bàn tay mình, chứ đừng thụ động, chờ đợi vào người khác
Bài học của Dũng mà tôi kể đến, chắc cũng là đại diện cho không ít những bài học khác ở ngoài cuộc sống kia minh chứng cho sự "chông chờ - ỉ lại" dễ dàng giao phó cuộc sống của đời mình cho một ai khác.
Chúng ta phải luôn nhớ, bản thân mình mới là người biết chính xác nhất mình cần gì? Muốn gì? Và định hướng đi theo con đường nào? Không ai thay thế được chúng ta làm điều đó cả, gieo niềm tin trước hết là phải từ ở chính đôi bàn tay mình, rồi sau đó khi cần hãy tranh thủ sự giúp đỡ từ người khác, chớ đừng vội đặt 100% tương lai bản thân mình vào bất cứ ai. Nếu không bạn sẽ gặp nhiều nuối tiếc đó!
Nguồn CafeBiz
0 comments:
Đăng nhận xét