"Giảm giờ làm bình thường xuống dưới 48 giờ/tuần là không phù hợp, tăng thêm ngày nghỉ là 'xa xỉ' đối với Việt Nam thời điểm này"…
Ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), đã nhấn mạnh quan điểm của hiệp hội các doanh nghiệp tại hội nghị người sử dụng lao động quốc gia góp ý dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi), chiều 14-10.
"Nếu giảm 4 tiếng hay 8 tiếng/tuần thì tiền lương phải giảm đi. Mà tiền lương giảm thì lao động vẫn phải làm thêm giờ để tăng thu nhập. Làm thêm là nhu cầu của người lao động", ông Lộc nói.
Theo ông Lộc, nếu đề xuất như Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam về tăng ngày nghỉ, giảm giờ làm thì Việt Nam sẽ không phát triển, không thể có nền công nghiệp sáng tạo.
Nhiều ý kiến cho rằng các ngành như thủy sản, dệt may, da giày, điện tử hầu hết đều sản xuất theo đơn đặt hàng, có tính chất mùa vụ, nên nếu quy định cứng nhắc, giới hạn giờ làm thêm thì doanh nghiệp sẽ khó khăn, không thể tăng sức cạnh tranh, các đối tác sẽ từ bỏ các doanh nghiệp Việt Nam.
"Không có doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nào lại giảm giờ làm, tăng ngày nghỉ cả. Họ làm việc say mê, không quản ngày đêm thì đất nước mới đi lên được. Tôi mong Quốc hội không đưa câu chuyện giảm giờ làm thường xuyên xuống 44 giờ/tuần. Bên cạnh đó, giờ làm thêm thì phải tăng lên vì đó là nhu cầu, quyền lợi của người lao động" - ông Lộc nêu quan điểm.
Ông Chu Văn An, Tập đoàn thủy sản Minh Phú, cho rằng Bộ luật lao động sửa đổi không công bằng vì "có một chương về công đoàn nhưng lại không có chương nào về giới chủ".
"Hiện nay, để bán được sản phẩm ra thị trường nước ngoài, ngoài các điều kiện về nhà xưởng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, các doanh nghiệp còn phải đảm bảo các chính sách về trách nhiệm xã hội. Khách hàng nước ngoài khi mua hàng họ sẽ thuê bên thứ 3 để đánh giá. Nếu vi phạm họ sẽ dừng hợp đồng ngay. Vì vậy nếu pháp luật về lao động không phù hợp thì doanh nghiệp lãnh đủ thiệt hại" - ông An nêu.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, đại diện Hiệp hội Da giày và túi xách VN, ngành da giày trả lương theo sản phẩm nên người lao động có được làm thêm nhiều thì có sản phẩm, có thu nhập cao.
"Chủ lao động và người lao động là quan hệ cộng sinh chứ không phải đối đầu, phải cùng nhau để nâng sức cạnh tranh" - bà Xuân phát biểu.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Hiệp hội Điện tử VN, đề nghị thay đổi cách tiếp cận xây dựng bộ luật.
"Mối quan hệ giữa người lao động và chủ sử dụng lao động là cộng sinh, cùng hội cùng thuyền làm kinh tế, chứ không có chuyện chủ sử dụng bóc lột người lao động, không phải người lao động là yếu thế, chủ sử dụng ở thế mạnh. Quan điểm đối đầu thì không thể xây dựng được chính sách hài hòa", bà Hương nói.
Bà Hương cho biết ngành điện tử đã áp dụng công nghệ tiên tiến nhất nhưng vẫn không thể thay thế con người, nên trong sản xuất vẫn phải tăng ca. Thực tế có thời điểm người lao động không làm đủ 48 giờ/tuần, nhưng cũng có khi vì hợp đồng giao hàng nên phải tăng giờ làm thêm.
"Vì quy định làm thêm giờ, nên có những doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài phải thuê cả máy bay để chuyển hàng cho kịp thời gian hợp đồng. Giờ làm thêm nên gói theo năm, chứ không nên quy định theo tháng bởi sẽ rất vướng cho các doanh nghiệp" - bà Hương đề xuất.
Đại diện Hiệp hội Dệt may VN cho rằng hầu hết người lao động ngành dệt may đều muốn tăng giờ làm thêm - Ảnh: Đ.BÌNH |
Ông Bùi Sỹ Lợi, phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, đồng tình khi cho rằng "phải mở rộng khung thời gian làm thêm, nhưng chỉ ở một số lĩnh vực, ngành nghề đặc thù và chỉ làm thêm trong những thời điểm nhất định, chẳng hạn khi mùa vụ, hay khi theo hợp đồng đã ký".
Ông Lợi cũng cho biết hiện đã nhận được phản hồi của 36 đoàn đại biểu Quốc hội, đa số các đoàn đều đồng ý cho làm thêm giờ, nhưng làm thêm phải tính lũy tiến lương.
"Đến lúc này không có phương án giảm giờ làm, còn nếu công đoàn đề xuất giảm giờ làm xuống 48 giờ/tuần thì phải có đánh giá tác động", ông Lợi nói.
Nguồn TTO
0 comments:
Đăng nhận xét