6 thg 10, 2019

Thiếu gia ngoài vòng pháp luật

Năm 2012, cậu thiếu gia của một trong những gia đình giàu có nhất Châu Á đã chạy xe tốc độ cao và đâm chết một viên cảnh sát ở thủ đô Bangkok, Thái Lan. 7 năm sau vụ việc, cậu vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật và điều này đã khiến nhiều người chất vấn về sự công bằng và công lý trong xã hội.
Chiếc xe Ferrari mà Boss điều khiển và gây tai nạn chết người.
Cú va chạm chết chóc
Sáng sớm ngày 3.9.2012 ở thủ đô Bangkok, Thái Lan, một thanh niên tên Vorayuth “Boss” Yoovidhya nhấn ga thúc chiếc xe sang Ferrari của cậu ta chạy như bay trên đường Sukhumvit. Đây không phải là một cảnh tượng hiếm hoi. Boss, khi ấy mới 27 tuổi, là một dân chơi khét tiếng tại địa phương. Ông nội của cậu ta là đồng sáng lập thương hiệu nước tăng lực Red Bull. Theo tạp chí Forbes, gia đình Boss nằm trong nhóm giàu nhất Châu Á, với khối tài sản thuộc quyền sở hữu lên tới hơn 13 tỉ USD. 

Nhưng khi Boss đang bon nhanh trên đường Sukhumvit, cậu ta đã đâm sầm vào chiếc xe máy của trung sĩ Wichean Glanprasert. Cú va chạm khiến chiếc xe và Glanprasert văng xa xuống cuối con đường. Viên cảnh sát chết ngay tại chỗ, còn Boss thì vội vàng lẩn trốn khỏi hiện trường. 

Thi thể Glanprasert sau đó được người dân phát hiện nằm lạnh lẽo trên trên phố. Cảnh sát lần theo vệt dầu phanh của chiếc Ferrari đã tới tư dinh của gia đình Yoovidhya nằm gần đó. Chiếc xe được họ tìm thấy trong tình trạng vỡ kính chắn gió. Cản trước của xe cũng bị rụng ra một phần.

Đầu tiên có tin viên tài xế riêng của Boss đã chạy xe và gây tai nạn. Nhưng sau đó vị thiếu gia của nhà Yoovidhya đã phải lên tiếng thừa nhận mình là người cầm lái. Boss ra đầu thú tại một đồn cảnh sát ở Bangkok với một chiếc mũ đội sùm sụp trên đầu và cha đẻ nắm tay đi bên cạnh tháp tùng. 

Qua các xét nghiệm nhanh, cảnh sát phát hiện trong người Boss có lượng cồn cao vượt mức cho phép. Luật sư của Boss lập tức lên tiếng nói rằng cậu ta đã uống một ly lớn sau khi gây tai nạn để giữ bình tĩnh, còn lúc cầm lái thì không hề có chút rượu nào trong người. Gia đình Yoovidhya đóng khoản tiền thế chân trị giá 16.000 USD và Boss về nhà ngay trong ngày ra đầu thú. 

Chỉ vài tuần kể từ khi được tự do, Boss đã trở lại cuộc sống xa xỉ quen thuộc. Cậu ta bay vòng quanh thế giới trên những chiếc máy bay phản lực gắn mác Red Bull. Cậu cổ vũ cho đội đua xe F1 của Red Bull từ hàng ghế VIP của công ty. Cậu cũng cho thấy một chiếc Porsche Carrera bóng loáng ở nhà tại London với biển số riêng B055 RBR - hay Boss Red Bull Racing.

5 năm sau khi vụ tai nạn diễn ra, Cơ quan cảnh sát quốc tế Interpol đã ban hành một lệnh bắt nhằm vào Boss. Tuy nhiên lệnh bắt này tỏ ra không hiệu quả, bởi Boss được cho là có ít nhất 2 hộ chiếu và có một mạng lưới nhiều tài khoản ngân hàng nằm ở nước ngoài. Với những công cụ này, cậu ta có thể đi khắp nơi trên thế giới mà không gặp nhiều vấn đề. 

Bằng chứng cho điều này là Boss đã tải lên Facebook và Instagram, cũng như trên một số blog về đua xe hơn 120 bức ảnh, cho thấy cậu ta đã ghé qua ít nhất 9 quốc gia kể từ khi gây ra cái chết của Glanprasert. Cụ thể, Boss đã ghé qua khu giải trí Thế giới phù thủy Harry Potter ở Osaka, Nhật Bản, nơi cậu ta tạo dáng, tươi cười và còn khoác áo choàng của nhà Slytherin. Cậu ta đã đi du thuyền tới bến cảng Monaco, trượt tuyết ở Nhật Bản và ăn mừng sinh nhật tại nhà hàng của đầu bếp lừng danh Gordon Ramsay tại London. 

Và tất cả những điều này diễn ra trong khi nhiều nhà chức trách thế giới nói họ không biết Boss đang ở đâu. Tất cả đều mù tịt, dù gia đình, bạn bè và người hâm mộ Boss trên các mạng xã hội dường như đều biết rõ cậu ta đang ở đâu. Đơn cử như trong một mùa Hè ở Nhật Bản, Boss đã tải lên một đoạn video dài 10 giây, ghi lại hình một đĩa ăn với xúc xích, trứng và tảo biển, không quên đính (tag) tên một người họ hàng trẻ tuổi. Cha mẹ Boss đã nhấn nút "thích" vào đoạn video ngắn đó. 

Brooke Harrington, giáo sư xã hội học ở Dartmouth, Mỹ, từng nói trong một cuộc phỏng vấn với Đài phát thanh quốc gia hồi năm 2018 rằng: "Cuộc sống của những người giàu nhất trên thế giới quá khác biệt với chúng ta, tới mức gần như không thể tưởng tượng nổi. Biên giới quốc gia chẳng có nghĩa lý gì với họ. Giống như chúng không tồn tại vậy. Luật lệ chẳng có nghĩa lý gì với họ. Giống như chúng chưa từng có mặt trên đời này". 

Boss tới dự đám tang của Glanprasert.
Lộ chiêu thức chuyển tiền, né thuế
Ông của Boss, Chaleo Yoovidhya, lớn lên trong nghèo khó, là con của một người bán vịt. Khác cháu trai, Chaleo là người khiêm tốn và đề cao sự riêng tư. Ông thành lập công ty dược TC Pharmaceutical vào năm 1956 và trong nhiều thập kỷ đã tạo ra hàng loạt sản phẩm khác nhau, gồm những loại đồ uống tăng lực đóng chai. 

Vài năm trước khi Boss ra đời, một doanh nhân người Áo có tên Dietrich Mateschitz đã tới Thái Lan để làm ăn. Do bị lệch múi giờ Dietrich đã rất mệt mỏi và được gợi ý uống một chai Krating Daeng (tiếng Thái dịch thoát có nghĩa Red bull - Con bò đỏ) để lại sức. Đây là sản phẩm do công ty của Chaleo tạo ra. Quá ấn tượng với thứ đồ uống mới lạ này, Dietrich đã đề nghị hợp tác làm ăn và hai bên đạt được thỏa thuận. Cả hai cùng bỏ ra số tiền trị giá 500.000 USD mỗi người để đóng lon thứ đồ uống do Chaleo Yoovidhya tạo ra và tung ra thị trường dưới thương hiệu Red Bull. 

Năm 1987, Red Bull Energy Drink trở thành thương hiệu quốc tế và gia sản của nhà Yoovidhya tăng lên chóng mặt. Ngày hôm nay, nước tăng lực Red Bull được bán tại 171 quốc gia. Công ty cũng sở hữu nhiều đội đua xe và các mẫu máy bay phản lực khác nhau. Công ty còn bỏ tiền tài trợ nhiều vận động viên thể thao mạo hiểm. Forbes cho biết năm ngoái công ty đã đạt doanh số lên tới 6,5 tỉ USD. 

Ít người biết rằng khi hoạt động làm ăn phất lên, Chaleo bắt đầu che giấu tài sản. Năm 1994, ông ta thành lập một công ty vỏ bọc có tên Golden Falcon Trading Company ở quần đảo Virgin thuộc Anh, có lẽ để chuyển tiền từ Thái Lan qua. Những tài liệu khai thác được từ vụ Panama Papers chấn động cũng cho thấy 10 đứa con của Chaleo đều có các hoạt động giao dịch tài chính thông qua nhiều công ty vỏ bọc nằm ngoài Thái Lan. Theo AP, gia đình Yoovidhya đã chuyển hàng tỉ đô la thuộc sở hữu riêng đi khắp thế giới, thông qua hàng loạt giao dịch đáng ngờ, qua đó tránh được thuế và các trở ngại pháp lý. 

Nhưng nỗ lực che giấu tài sản này vô tình bị hé lộ bởi Boss, trong thời gian cậu ta đang rời khỏi Thái Lan để tránh cáo buộc liên quan tới vụ tai nạn khiến Glanprasert thiệt mạng: Cậu ta bị phóng viên chụp ảnh lúc đang đi vào một ngôi nhà ốp gạch đỏ cao 5 tầng ở London, với địa chỉ cụ thể. 

Tháng 4.2017, vài ngày sau khi một luật sư của Boss nói trước tòa án Bangkok rằng thân chủ của mình không thể hiện diện tại tòa vì đang có việc ở Anh, một phóng viên đã tìm tới ngôi nhà kể trên và hét to khi thấy cậu ta bước ra ngoài: “Công việc của cậu ở Anh là gì vậy Boss? Cậu đang làm gì ở đây? Cậu có về nước để đối mặt với các công tố viên không?". Boss không trả lời, chỉ mỉm cười và nhìn đi chỗ khác. Vài giờ sau, cậu ta và cha mẹ ôm va li rời khỏi ngôi nhà. Đó là lần cuối cậu ta xuất hiện trước công chúng cho tới nay. 

Một cuộc điều tra do AP thực hiện nhằm vào tòa nhà ốp gạch đỏ cho thấy cha Boss, ông Chalerm Yoovidhya, đã sử dụng địa chỉ này khi thành lập công ty kinh doanh rượu vang Siam Winery Trading Plus ở Anh vào năm 2002. 

Mẹ cậu ta, Daranee Yoovidhya, cũng dùng chính ngôi nhà này làm trụ sở điều hành một công ty liên quan tới thực phẩm vào năm 2006. Nhưng theo hãng tin AP, chủ sở hữu của ngôi nhà này và ít nhất 4 tư dinh trị giá nhiều triệu đô la khác ở London, không phải gia đình Yoovidhya mà là Karnforth Investments - một công ty có trụ sở ở quần đảo Virgin.

Sau khi đào sâu thêm vào các tài liệu có từ Hồ sơ Panama, phóng viên AP thấy rằng gia đình Yoovidhya sử dụng rất nhiều "chiêu thức" liên quan tới các công ty vỏ bọc. Ví dụ dù rằng ai cũng biết nhà Yoovidhya và Mateschitz đồng sở hữu Red Bull, nhưng cổ đông chính của công ty nước tăng lực Red Bull ở Anh lại là một công ty khác có tên Jerrard Company, với trụ sở nằm ở quần đảo Virgin.

Từ đây chuyện lại trở nên phức tạp hơn một chút. AP phát hiện rằng công ty Karnforth chỉ có một cổ đông duy nhất, chính là Jerrard. Và Jerrard lại được điều khiển bởi một công ty vỏ bọc thứ ba mang tên JK Fly, với địa chỉ cũng nằm ở Virgin. Vậy ai sở hữu công ty JK Fly? Câu trả lời là Karnforth. 

Chưa hết, nhiều công ty vỏ bọc của nhà Yoovidhya nằm dưới sự điều hành của một số nhỏ các vị giám đốc bù nhìn - những người được trả tiền để ký giấy tờ và tham gia các họp điều hành với những chủ nhân thực sự của khối tài sản mà họ đang đứng tên. 

Theo AP, tài liệu từ Hồ sơ Panama cho thấy trong nhiều năm, dòng tiền đã chảy qua chảy lại giữa nhiều công ty vỏ bọc của nhà Yoovidhya. Ví dụ vào năm 2005, công ty Jerrard cho công ty Karnforth vay 6,5 triệu đô la để mua 2 bất động sản ở London. Năm 2012, Jerrard đã hủy bỏ khoản vay, khiến Karnforth trở thành chủ nhân duy nhất của 2 bất động sản nêu trên. Kể từ năm 2010, JK Fly đã nợ Karnforth - cổ đông duy nhất của công ty - số tiền 14 triệu USD không tính lãi suất. Tiền vay sau đó được sử dụng để mua máy bay.

Các hoạt động giao dịch như trên trông có vẻ đáng ngờ, nhưng không có nghĩa chúng là hoạt động phi pháp. Giới chuyên gia tài chính cho AP biết rằng khả năng gia đình Yoovidhya chỉ sử dụng kẽ hở trong các thỏa thuận và quy định đã được thiết lập để né thuế. 

“Chuyển tiền nặc danh? Đây là điều thường xuyên xảy ra trong các giao dịch phi Jason Sharman chuyên về chống rửa tiền ở Đại học Cambridge cho biết. Theo ông, quan trọng là các tác nhân tham gia hoạt động chuyển tiền biết rõ chủ nhân thực sự của khối tiền đang trong giao dịch gồm những ai.

Nhưng như Hồ sơ Panama cho thấy, nhiều giao dịch vẫn diễn ra dù người ta không biết chủ nhân của khoản tiền là ai. Năm 2010 và sau đó là năm 2013, các kiểm toán viên của Mossack Fonseca - đối tác đã giúp tạo dựng các công ty vỏ bọc cho nhà Yoovidhya, bày tỏ lo ngại về Karnforth và Jerrard. Nguyên nhân do các tài liệu không nêu rõ chủ nhân thực sự của những công ty này là ai. “Việc không cập nhật thông tin của các trường hợp này có thể dẫn tới việc bị nhận án phạt nặng nề", các kiểm toán viên viết trong báo cáo gửi về công ty.

Hiện chưa rõ các công ty vỏ bọc của nhà Yoovidhya có tham gia hoạt động bất hợp pháp nào không. Nhưng có một thực tế rằng Thái Lan không phản ứng nhanh và mạnh với những gì lộ ra từ vụ Hồ sơ Panama. Theo AP, có 1400 người Thái được xác định liên quan tới vụ Hồ sơ Panama. Tuy nhiên chính quyền cho rằng thông tin phát tán từ vụ này chỉ là những tin đồn. Văn phòng chống rửa tiền Thái Lan khẳng định đang điều tra hơn một chục cá nhân liên quan tới vụ việc. Nhưng nhiều năm trôi qua và vẫn chưa có ai bị khởi tố vì bất kỳ tội trạng nào liên quan tới vụ Hồ sơ Panama.

Boss vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, 7 năm sau khi gây tai nạn chết người.
Người giàu hưởng luật riêng?
Giáo sư luật Viraphong Boonyobhas, giám đốc trung tâm ngân hàng dữ liệu chống rửa tiền và tội phạm kinh doanh ở Đại học Chulalongkorn cho biết "người giàu ở Thái Lan thường là các cá nhân nhiều ảnh hưởng". Vì thế dù chính quyền đã cam kết chống tham nhũng, nhưng có thể sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi đương đầu với giới nhà giàu quyền lực và có mạng lưới quan hệ phức tạp. 

Đó là chưa kể tới việc luật Thái Lan vẫn còn nhiều lỗ hổng, như nhận xét của chuyên gia luật Sumaporn Manason ở Bộ Tài chính Thái Lan. Theo bà, trốn thuế - bao gồm việc giữ tiền nặc danh ở các tài khoản hải ngoại - là hoạt động hợp pháp và diễn ra phổ biến ở Thái Lan. "Tại đây chúng tôi gọi những hoạt động như thế là lên kế hoạch về thuế", bà giải thích. 

Với những gì đã diễn ra, nhiều người dân cho rằng tầng lớp thượng lưu và giàu có trong nước có thể phá luật mà không bị trừng trị. Và họ có lý do khi nghi ngờ tính công bằng của luật pháp. Trước Boss, vào năm 2010, cô con gái 16 tuổi của một cựu sĩ quan quân đội ở Thái Lan đã chạy xe ô tô ra đường khi chưa có bằng lái và đâm thẳng vào một chiếc xe khách, làm 9 người thiệt mạng. Cô này chỉ bị án tù treo có 2 năm. Năm 2016, con trai một doanh nhân Thái giàu có đã chạy tốc độ cao và lái chiếc Mercedes Benz của cậu ta đâm thẳng vào một xe khác đi ngược chiều. Hậu quả là 2 học sinh thiệt mạng. Tuy nhiên vụ án của cậu này vẫn bị treo cho tới tận giờ. 

Tham nhũng dưới hình thức được hưởng các lợi ích theo cách thức thiếu công bằng đã châm ngòi cho những bất mãn ở Thái Lan. Kết quả là những cuộc biểu tình trở thành bạo động, thi thoảng vẫn xảy ra. Trong một cuộc thăm dò hồi năm 2019, khi được hỏi rằng điều gì có thể xem là tồi tệ nhất ở Thái Lan, 52% trả lời: Chính trị, hành vi của các chính trị gia và tham nhũng. 

Dân địa phương hay nói rằng nhà tù Thái Lan dường như chỉ dành cho người nghèo. Boss giống như một minh chứng sống. 7 năm sau khi Glanprasert bị giết, tiến trình khởi tố kẻ phạm tội vẫn bị trì hoãn vô thời hạn. Và việc này có nghĩa thời hiệu để tiến hành khởi tố các tội danh mà Boss được đã phạm phải - gồm lái xe quá tốc độ, gây tai nạn rồi bỏ chạy, lái xe bất cẩn gây chết người - đang dần kết thúc.

Đã có những lần Boss bị triệu tập tới tòa để nghe cáo buộc. Tuy nhiên cậu ta không xuất hiện. Thông qua luật sư, Boss giải thích lý do là vì bị ốm hoặc đang ở nước ngoài để giải quyết chuyện làm ăn. 

Ngày hôm nay trong căn hộ nhỏ ở Bangkok, anh trai của Glanprasert là Pornanan vẫn chỉ biết chờ đợi sự công bằng trong vô vọng. Pornanan kể rằng sau khi em qua đời, ông đã rất giận dữ. Nhưng giờ ông chỉ còn cảm giác buồn rầu, bởi công lý đã không tìm tới với ngay cả những người tham gia bảo vệ luật pháp như cậu em trai vắn số. 

Pornanan cố không nghĩ tới Boss, người ông tin vẫn đang lẩn trốn ở nước ngoài. "Có lẽ Boss sợ bị hủy hoại danh tiếng. Có lẽ cậu ta không muốn mất mặt", ông nói với phóng viên AP. "Có lẽ cậu ta còn chẳng muốn đi tới gần nhà tù, không giống như dân thường chúng tôi."

THEO AP

0 comments:

Đăng nhận xét