Bạn biết không, sai lầm là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống, người ta sai, bạn cũng sai, hãy tha thứ cho chính mình để cuộc sống bớt đi những mỏi mệt. Bởi sau tất cả, sự bình yên mà bạn mong muốn mới là điều trân quý nhất giữa dòng đời mải miết này!
"Tha thứ cụ thể là khả năng buông bỏ, giải phóng những đau khổ, nỗi buồn, gánh nặng và sự phản bội xảy ra trong quá khứ. Thay vào đó là lựa chọn theo đuổi những điều kì diệu của tình yêu. Biết tha thứ sẽ thay đổi chúng ta từ một cái "tôi" tách biệt sang một cái "tôi" biết thay đổi, biết buông bỏ và sống trong tình yêu thương thực sự".
Nhưng tha thứ không hề dễ dàng. Thật khó để có thể thật lòng tha thứ và yêu thương những kẻ đã từng hãm hại hay đã từng làm ta tổn thương sâu sắc. Khi oán giận đi kèm với nỗi đau và sự thất vọng, thì việc giải phóng nó để tìm kiếm sự thanh thản trong tâm hồn dường như là một điều không thể.
Tha thứ cho bản thân cũng tương tự như vậy. Nó là một cuộc chiến mà mỗi tâm hồn trong cuộc chiến ấy phải tự đấu tranh trong nhiều ngày, nhiều tháng và thậm chí là nhiều năm để quên đi một sai lầm nào đó trong quá khứ.
Đương nhiên, việc cảm thấy tiếc nuối khi mắc sai lầm là điều hoàn toàn hợp lý. Sự bực bội, cảm giác tội lỗi và xấu hổ chính là thứ làm nên sự chính trực và lòng tự trọng trong mỗi con người. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Gail Saltz, nhà phân tâm học và giáo sư tâm thần học tại Bệnh viện New York Presbyterian, thì việc dằn vặt bản thân ngày này qua ngày khác chỉ khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn.
Tiến sĩ Saltz cho biết: "Có thể hiểu được tại sao chúng ta lại làm vậy, nhưng dằn vặt bản thân quá lâu sẽ gây ra nhiều hậu quả tiêu cực. Tức giận, buồn bã, cảm thấy có lỗi với chính mình có thể gây ra trầm cảm và rối loạn lo âu".
Bà Saltz cho biết, mặc dù việc tự tha thứ là một cuộc đấu tranh trong nội tâm của mỗi người, nhưng để kết thúc cuộc chiến này, thông thường ta phải cần đến sự trợ giúp của người khác. Đôi khi, đó chỉ đơn giản là một lời xin lỗi chân thành tới người đã bị ta làm tổn thương. Trong một số trường hợp khác, hãy nhờ đến sự trợ giúp từ các nhà trị liệu, những người bạn thân thiết hay các thành viên trong gia đình mà bạn tin tưởng. Hãy kể cho họ nghe về sai lầm bạn đã và đang mắc phải, họ sẽ giúp bạn nhìn nhận lại vấn đề từ một góc nhìn khách quan hơn và giúp nút thắt dễ dàng được tháo gỡ hơn.
Vài năm về trước, một chiến lược gia tiếp thị tên là Steve Kurniawan đã bị cuốn vào vòng xoáy cờ bạc ăn tiền. Điều này đã khiến anh rơi vào tình cảnh kiệt quệ tài chính. Nói dối gia đình và bạn bè, anh vay mượn tiền từ họ và tiếp tục lao mình vào những cuộc chơi đỏ đen. Anh chia sẻ: "Sau khi mắc sai lầm, chúng ta sẽ thấy bản thân là một con quái vật và chán ghét chính mình. Chúng ta không ngừng đổ lỗi cho bản thân và rồi lại tiếp tục phạm phải sai lầm tương tự".
Để vượt qua sai lầm, Steve đã tâm sự vấn đề mình đang gặp phải với những người gần gũi nhất, và bày tỏ rằng anh thực sự muốn thay đổi bản thân. Đổi lại, họ sẽ giúp anh bằng cách công nhận những nỗ lực thay đổi mà anh đang cố gắng thực hiện mỗi ngày.
Steve cho biết: "Cá nhân tôi đã phải trải qua một hành trình đấu tranh nội tâm dài trước khi có thể thực sự tha thứ cho bản thân mình. Sự giúp đỡ từ những người có thể khuyến khích bạn thay đổi, những người không coi bạn như một con quái vật, là vô cùng quan trọng".
Tự nhìn nhận bản thân
Để vượt qua những sai lầm bạn từng mắc phải, thì ngoài sự trợ giúp từ những người xung quanh, quan trọng nhất vẫn là nỗ lực tự nhìn nhận bản thân của chính bạn.
Nếu bạn cảm thấy mình là một kẻ thất bại, thì hãy nhớ rằng, ai trong số chúng ta cũng đều có lần mắc sai lầm. Tiến sĩ Saltz cho biết, để tự tha thứ cho bản thân, bạn cần phải hiểu nguồn cơn dẫn đến những sai lầm này nằm ở đâu, và hãy làm việc một cách có hiệu quả để giải quyết chúng.
Thông thường, mọi người hay cố gắng chạy trốn khỏi những sai lầm mà mình mắc phải. Tuy nhiên, huấn luyện viên đời sống Katie Wock khuyên chúng ta nên dũng cảm đối mặt với chúng. Bà Katie cho biết: "Đừng cố gắng đẩy những cảm xúc tiêu cực này ra xa khỏi bản thân. Hãy cố gắng nhớ lại toàn bộ sự việc và đặt tên cho những cảm xúc bạn đã trải qua. Điều này đúng là rất khó. Nó sẽ khiến bạn cảm thấy khó chịu nhưng lại có tác dụng rất cao. Sự giận dữ và xấu hổ thường sẽ đan xen lẫn nhau trong tâm trí bạn. Thông thường, mục đích duy nhất của sự giận dữ này chỉ là để che đậy những tổn thương trong bạn khi phải nhớ lại toàn bộ sự việc đã xảy ra. Hãy để nó biến mất. Nó không giúp ích gì cho bạn".
Cuối cùng, hãy xem xét và ghi nhớ những bài học mà bạn đã học được. Ví dụ như, nếu bạn bị dằn vặt vì đã nói những lời gây tổn thương cho một ai đó, thì hãy xem xem mình có thói quen nói những lời làm tổn thương người khác hay không. Nếu có, hãy học cách kiềm chế bản thân và uốn lưỡi bảy lần trước khi nói để không làm tổn thương những người xung quanh.
Bạn không nhất thiết phải sửa chữa mọi lỗi lầm, nếu bạn không đủ khả năng hoặc bạn không muốn. Cách tốt hơn, là tập thích nghi với cuộc sống, với những điều bạn đã học hỏi được, để tiếp tục tiến lên.
Điều quan trọng là đặt mục tiêu mới cho tương lai, và dành năng lượng để thực hiện chúng. Các mục tiêu này nên được thiết kế theo hướng tích cực – làm điều mới, thay vì theo hướng tiêu cực – xóa bỏ lỗi lầm. Và tất nhiên, mục tiêu nên được đặt ra trong khả năng bạn có thể. Một mục tiêu ngoài tầm với, có thể dẫn đến những sai lầm tiếp theo mà bạn khó lòng kiểm soát được.
Và trong mọi trường hợp, hãy đừng quên một điều rằng: Bản thân bạn chính là thứ quan trọng nhất trong cuộc đời này. Chắc chắn rồi, dù có sai lầm thì bạn nhất định vẫn phải trân trọng và yêu thương bản thân mình!
Nguồn Internet
0 comments:
Đăng nhận xét