“Văn hóa Độc thân” hay “Văn hóa Cô độc” là một hiện tượng thường thấy ở những đất nước công nghiệp hóa tân tiến.
Khi con người càng có học thức, tham vọng của họ càng cao hơn, xã hội cũng gửi gắm vào họ nhiều kỳ vọng hơn
Hiện tượng này có lẽ bùng nổ đầu tiên tại Nhật Bản, rồi mới đến Hàn Quốc với những mẫu số chung: Tiến bộ, là người Châu Á, và sống trong một xã hội hậu Nho giáo. Tỉ lệ tự tử ở Hàn và Nhật cũng là cao nhất trong số các nước thuộc khối OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế).
BBC từng thực hiện cả một phóng sự nói về sự sụt giảm trong tỉ lệ sinh và tỉ lệ kết hôn đáng báo động tại Nhật Bản, nhưng đó cũng là điều đang xảy ra trong xã hội Hàn Quốc mà cả thế giới lại có vẻ không mấy quan tâm.
Trong xã hội Nho giáo Hàn Quốc (trước năm 1945), gia đình đa thế hệ được xem như một loại chuẩn mực. Hôn nhân lúc bấy giờ là một thứ bổn phận, được cha mẹ bạn sắp xếp. Có một câu tục ngữ từ ngày xưa ở Hàn Quốc đại ý là: Kết hôn thì chỉ cần một bát nước dưới ánh trăng là xong đám cưới, để nói về sự hiển nhiên và dễ dàng để kết hôn và sống chung với nhau cả đời.
Tuy nhiên, sau năm 1945, các gia đình đa thế hệ biến mất trên diện rộng. Mặc dù có rất nhiều bậc cha mẹ vẫn mong muốn được những đứa con đã lập gia thất của họ đỡ đần khi tuổi đã xế chiều, điều này phần nào đã trở thành quá vãng. Ngày càng ít, thậm chí là hiếm có những người muốn sống cùng nhà với cha mẹ sau khi kết hôn.
Người Hàn được kỳ vọng sẽ “dùi kinh mài sử” để đỗ đại học, và sẽ thi lại lần nữa nếu họ thi trượt. Học hành vẫn được coi là chìa khóa mở ra cánh cửa thành công trong mắt hầu hết các gia đình Hàn Quốc. Quan niệm này khiến một người không có năng lực gì nổi trội trong xã hội Hàn Quốc bị coi là “kẻ chậm tiến”.
Nam giới Hàn Quốc bắt buộc phải trải qua 3 năm thực hiện nghĩa vụ quân sự. Khi họ học xong đại học và hoàn thành nghĩa vụ quân sự, họ đã ở ngưỡng giữa và cuối của lứa tuổi hai mươi. Lúc đó, họ sẽ đi tìm việc. Theo một thống kê, tỉ lệ những người trẻ Hàn Quốc có công ăn việc làm ổn định là 27%. Đây là một trong những tỉ lệ thấp nhất trong khối OECD, trong khi mức trung bình của những nước trong khối này là 41%.
Rất nhiều người Hàn trẻ tuổi bắt đầu gọi đất nước này là “Địa ngục Joseon” hoặc “Địa ngục Hàn Quốc”. Lý do đầu tiên mà họ nêu ra là thiếu cơ hội việc làm cho người trẻ để có thể đặt chân vào ngưỡng cửa sự nghiệp.
Cuộc điều tra dưới đây được thực hiện giữa những nhân viên văn phòng và sinh viên Hàn Quốc xem có bao nhiêu người đồng ý với thuật ngữ “Địa ngục Hàn Quốc”. Kết quả: 61% sinh viên và 50% nhân viên văn phòng phần nào đồng ý, trong khi 29% sinh viên và 39% nhân viên văn phòng cực kỳ đồng ý.
Bên cạnh đó tại Hàn Quốc, việc đặt một khoản tiền cọc lớn (thường rơi vào khoảng $50000 đến $100000) để thuê nhà là một điều bình thường.
Với một người Hàn có mức thu nhập trung bình thì làm sao có thể kiếm được khoản tiền lớn như vậy chứ, hầu như việc này là không thể, trừ khi bạn trúng xổ số. “Jeonse” là một hình thức thuê nhà độc đáo tại Hàn Quốc, bạn có thể nhận lại tiền đặt cọc khi kết thúc hợp đồng và chuyển đi. Trước đó, chủ nhà của bạn có quyền sử dụng chỗ tiền đặt cọc đó để đầu tư vào những thứ khác. Khi thuê nhà theo hình thức này, bạn sẽ bị chủ nhà thao túng; họ có thể yêu cầu bạn rời đi vào tháng sau khi có mộ người thuê béo bở hơn, tăng tiền đặt cọc hoặc làm cuộc sống của bạn trở nên bất tiện khi rề rà trong việc sửa điện, máy bơm nước…
Ở Hàn Quốc, dù bạn thuê nhà với giá cắt cổ hay rẻ bèo đi chăng nữa thì vẫn bị xem là “kẻ thất bại/chậm tiến” trong cuộc đời mà thôi.
Những áp lực này càng khiến việc yêu đương và kết hôn trở thành nỗi ám ảnh vì quá tốn kém
Xã hội và truyền thông Hàn Quốc đặt gánh nặng lên vai nam giới khi cho rằng đàn ông phải là người giữ vai trò trụ cột kinh tế trong gia đình. Phụ nữ thì vẫn được kỳ vọng sẽ là người chịu trách nhiệm chăm lo cho gia đình nhà chồng sau khi kết hôn. Ngoài ra, chi phí nuôi dạy con cái cũng rất tốn kém.
Đối với những người đàn ông không có thu nhập cao, nhất là những người đã quá ngưỡng giữa của tuổi 30, không có bằng đại học, việc tìm được người để kết hôn đối với họ càng khó khăn gấp bội. Đó là lý do tại sao số lượng người kết hôn với phụ nữ đến từ các nước như Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Ukraine - những nước không giàu có bằng Hàn Quốc, ngày một gia tăng.
Vào đầu những năm 2000, có nhiều người đàn ông độc thân Hàn Quốc kết hôn với phụ nữ từ những nước kém phát triển hơn. Những người đàn ông này sống ở nông thôn và không có bằng cấp. Ngày nay, một bộ phận nhân viên văn phòng Hàn Quốc cũng tìm vợ đến từ những nước này. Thế nhưng, trong xã hội Hàn Quốc, vẫn có nhiều người kỳ thị và phản đối những cuộc hôn nhân với người ngoại quốc như thế này, sự đa dạng văn hóa cũng không được chào đón tại đây.
Ngoài ra, trong xã hội hiện đại, có rất nhiều hình thức giải trí dành cho người độc thân để họ quên đi sự nhàm chán: trò chơi điện tử, du lịch đó đây, Internet, truyền hình… Hầu hết những thứ này có thể được tận hưởng với số tiền khá rẻ.
“Văn hóa Độc thân” hay “Văn hóa Cô độc” - Câu chuyện ám ảnh về một thế hệ cô độc ở xã hội hiện đại
Ở Nhật Bản, những người nam giới sống một mình được gọi là “Hikikomori”. So với đất nước hàng xóm, người Hàn có cái nhìn tiêu cực hơn với những cá nhân sống tách biệt với xã hội như một ẩn sĩ. Mặc dù trong thời kỳ Nho giáo và Phật giáo tại Hàn Quốc trước đó, những vị tu sĩ ở ẩn thậm chí còn được các Nho gia kính trọng, vì họ đã quá ngán ngẩm với một xã hội suy đồi.
Nhưng đối với những người Hàn độc thân, cả nam lẫn nữ, họ sẽ không chịu ổn định và kết hôn, một khi tình hình kinh tế chung của Hàn Quốc chưa được cải thiện và quan niệm xã hội về sự phân công trách nhiệm giữa hai giới chưa thay đổi. Đây có lẽ là một vấn đề xã hội sẽ tồn tại lâu dài, khi một quốc gia hiện đại và phát triển như Hàn Quốc vẫn cố gắng tìm kiếm sự tiến bộ trong tương lai thông qua kinh tế.
Nguồn Internet
0 comments:
Đăng nhận xét