5 thg 10, 2019

Vén màn kịch trong giáo trình tiếp thị "thần dược" của "lò" khởi nghiệp FAA

Chỉ cần học thuộc bộ giáo trình dạng hỏi - đáp dài 5 trang A4, bất kỳ ai trong Cộng đồng khởi nghiệp FAA cũng có thể tự xưng mình là "chuyên gia đến từ Trung tâm xương khớp ông Bồng" rồi sau đó điềm nhiên "chẩn bệnh", "kê đơn" qua điện thoại.

Bắt bệnh kiểu "mì ăn liền"
Từ lá đơn tố cáo về những bất minh của Cộng đồng khởi nghiệp FAA, phóng viên Báo Lao Động đã lần theo một mẩu thông tin và được mời đến thử việc tại một căn phòng không có biển tên tại tầng 11, tháp A, tòa nhà Comatce, số 61 Ngụy Như Kon Tum, Hà Nội.

Tại đây, sau 2 ngày được yêu cầu quan sát cách các "đồng nghiệp" làm việc, phóng viên nhận ra cái gọi là Cộng đồng khởi nghiệp này chẳng qua chỉ là nơi chiêu dụ, huấn luyện những người trẻ tuổi cách tiếp cận và lừa dối người bệnh qua điện thoại, hòng bán ra những liều "thần dược" rởm mang tên Xương khớp ông Bồng với giá "cắt cổ".

Đến ngày thứ 3, phóng viên được trưởng bộ phận chăm sóc khách hàng tên Mai Loan đưa cho một bộ giáo trình dạng hỏi – đáp gồm 5 trang giấy A4 với nội dung về bệnh xương khớp đề nghị học thuộc. Tất cả quy trình đều đã được hướng dẫn chi tiết từ cách chào hỏi, tư vấn bệnh lý cho đến nghệ thuật xử lý chốt đơn. 

Điều đáng nói, trên từng dòng trên kịch bản, nhận thấy rõ ràng đó chỉ là một mớ kiến thức hỗn tạp cóp nhặt trên mạng, cụt lủn và thiếu hụt kiến thức nhưng lại thừa mưu mẹo theo kiểu khách nói "có" thì phán ra sao, khách đáp "không" thì "chẩn bệnh" thế nào.

"Giáo trình" mà nhân viên nào tại FAA cũng phải học thuộc.
Cụ thể, với câu hỏi: "Anh/chị có bị nhức mỏi cổ, tê bì đầu ngón tay không?", bộ giáo trình đưa luôn đáp án cho các "bác sĩ online" như sau:

- Không: Cũng may là chèn ép chưa lan đến đầu ngón tay.

- Có: Tê râm ran như kim châm, kiến bò hay tê buốt cả ngón tay? Như vậy là bị chèn ép vào dây thần kinh cảm giác, để lâu sẽ gây tổn thương dẫn đến tê liệt. Thậm chí bên trung tâm đang phải điều trị cho một số bệnh nhân để nặng quá, buộc phải đi phẫu thuật mới đi lại được.

Phương pháp tư vấn bệnh cũng chẳng khá khẩm hơn, mọi thứ đều nhằm mục đích xoáy sâu vào nỗi sợ bệnh tật của người bệnh. "Dìm" thuốc tây và các phương pháp hỗ trợ điều trị xương khớp khác để dụ người nghe sử dụng Bồng Cốt Đan.

Nội dung xuyên suốt toàn bộ kịch bản là "vẽ" cho bệnh nhân thấy bức tranh xấu nếu không điều trị sớm thì tình trạng bệnh của họ sẽ phát triển như thế nào.

Rồi sau đó khi bệnh nhân còn đang trong trạng thái tâm lý lo lắng, hoang mang thì ngay lập tức những lời khuyên chân thành được tung ra: “Phương pháp nhà Ông Bồng chúng tôi hoàn toàn khác. Chúng tôi không mon men giảm đau nhức thông thường mà đi sâu vào căn nguyên gốc rễ bệnh tình để giúp anh/chị từ bên trong mô xương khớp…”.

Đến nghệ thuật chốt đơn 
Để thêm phần thuyết phục về tác dụng thần kỳ của bộ sản phẩm Bồng Cốt Đan, theo đúng kịch bản, nhân viên khẳng định rằng đây là phương pháp Đông y đã xin với Bộ Y tế cho cấp phép hoàn tán thành viên nhộng nên dễ sử dụng, không phải sắc hay nấu; sản phẩm lành tính nên không hại dạ dày…

Bồng Cốt Đan để trong nhà kho tại địa chỉ tầng 3, tòa nhà Viettel Post (số 18, ngõ 30, Tạ Quang Bửu, Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Sau khi đã “dọn đường” cho bộ “sản phẩm nhà mình”, việc mấu chốt mà nhân viên phải làm là tập trung giới thiệu các liệu trình; đồng thời không bao giờ được quên buông ra một câu mang tính chất “được ăn cả, ngã về không” để hù dọa bệnh nhân: “Tôi hỏi thật, với mong muốn cải thiện của anh/chị, thì anh/chị mong muốn được cấp cắt cho bài cơ bản để vừa dùng vừa theo dõi hay muốn cấp cắt cho bài đặc trị để nhanh cải thiện phục hồi?”

Cuối cùng khi những bệnh nhân nhẹ dạ cả tin đã “sập bẫy” mua “thần dược”, các nhân viên chỉ việc diễn nốt phân đoạn chốt hạ đơn hàng. “Tôi mới ký duyệt hồ sơ cho anh/chị trên giấy tờ thôi. 5-10 phút nữa sẽ có các cháu trợ lý của tôi gọi lại hoàn thiện hồ sơ cho anh/chị, để lưu lên hệ thống bệnh nhân của trung tâm, sau này còn tiện chăm sóc trong quá trình dùng”.

Sau những lời an ủi đầy hứa hẹn đó, một bộ phận khác sẽ lại tiếp nối. Và… “bài ca” bắt bệnh – kê đơn cũ rích lại được xướng lên huyên náo như phiên chợ sớm.

Có thể nói, kịch bản đã đánh vào tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương” của bệnh nhân. Một đội ngũ những người trẻ vì học theo "giáo trình ấy" mà trở thành những kẻ bịp bợm trắng trợn.

Nguồn Báo Lao Động

0 comments:

Đăng nhận xét