Khi chúng ta còn trẻ, thật khó để đạt được sự cân bằng giữa công việc và đời sống cá nhân. Cố gắng bao nhiêu là đủ, và nghỉ ngơi bao nhiêu là vừa để không trở thành một con nghiện công việc, hay một kẻ nhàn rỗi rong chơi? Với nhiều người trẻ, có lẽ, đây vẫn là câu hỏi khó tìm được đáp án.
Với hầu hết những người trẻ ở độ tuổi ngoài 20, có lẽ không có điều gì đáng phấn đấu và dốc sức hơn việc kiếm tiền và theo đuổi sự nghiệp của riêng mình. Khát khao sống tự lập và khẳng định bản thân bằng số dư trong tài khoản tiết kiệm và chức danh nghề nghiệp, đôi khi, khiến họ quên mất rằng: Tuổi trẻ không chỉ là bức tranh đơn sắc của tiền tài hay danh vọng, và mọi thứ đều sẽ trở nên vô nghĩa nếu bản thân bạn không cảm thấy hạnh phúc.
Tôi vẫn còn nhớ một đoạn hội thoại trong bộ phim nổi tiếng "The devil wears prada", giữa Andrea - Cô gái mới dấn thân vào ngành công nghiệp thời trang và người sếp của mình - Nigel:
"- My personal life is falling apart.
- That's what happens when you start doing well at work. Let me know when your entire life goes up in smoke, means it's time for a promotion."
(- Cuộc sống của tôi dường như đang dần tan vỡ.
- Đó chính là những gì sẽ xảy ra khi cô bắt đầu dốc sức cho công việc. Khi nào đời sống cá nhân của cô tan thành mây khói, đó sẽ là lúc cô được thăng chức.)
Thật chẳng khó để chúng ta nhận ra hình ảnh của chính mình hoặc những người xung quanh đang phảng phất trong lời thú nhận của Andrea.
Tôi có một cô bạn thân là du học sinh Mỹ. Sau khi tốt nghiệp, bạn tôi được nhận vào làm trong một Công ty Kiểm toán hàng đầu thế giới. Hành trình từ cô sinh viên khoa Tài chính của một trường Đại học không mấy tiếng tăm trong nước, tới vị trí Senior Tax Analyst của một Tập đoàn lớn tại Mỹ là điều mà bất cứ ai nghe tới cũng phải trầm trồ, ngưỡng mộ. Chính cô ấy cũng từng chia sẻ trên mạng xã hội rằng: "Mình cảm thấy chẳng còn điều gì tuyệt vời hơn là được làm việc 13 tiếng mỗi ngày, và có một cuộc sống khá đầy đủ giữa đất Mỹ." Phía dưới chia sẻ ấy là biết bao lời chúc mừng, ngợi khen. Nhưng rồi những dòng trạng thái đầy hứng khởi ấy dần ít đi. Tôi chỉ nghĩ bạn mình bận, lại thêm việc lệnh múi giờ khiến chúng tôi không còn liên lạc nhiều như trước. Mãi cho tới hơn một năm trước, khi bất chợt nghe tin bạn về nước, chưa kịp chúc mừng, tôi đã thấy cô nàng bật khóc trong điện thoại: "Tao quá mệt mỏi với cuộc sống ở đây rồi. Tiền kiếm được bây giờ chỉ quanh quẩn xoay vòng từ Chuyên gia tâm lý tới Viện Tâm thần. Về thôi, dù chưa biết làm gì, nhưng ở lại thì chết mất."
Vậy đấy, khi chúng ta còn trẻ, mọi thứ đều là sự đánh đổi. Bạn tôi đã dành gần hết thời gian của những năm 24, 25 tuổi cho công việc, cho việc đối mặt và giải quyết những kỳ thị ganh ghét mà đồng nghiệp người nước ngoài dành cho mình. Nhưng rồi, cùng với những thành công nhận được, cô ấy phải đối mặt với chứng rối loạn ăn uống và trầm cảm chưa biết khi nào mới chấm dứt.
Ngày chúng tôi gặp nhau, cô ấy ôm tôi khóc và thú nhận "Tao đã về nước mà không còn đồng nào trong tay, vì chi phí chữa bệnh tại Mỹ quá đắt đỏ".
Tiền và danh vọng là thứ có thể gây nghiện. Nó khiến người ta ngây ngất và mãn nguyện, để rồi quên mất việc chăm sóc chính bản thân mình, quên việc rong chơi, tận hưởng những ngày tháng đẹp đẽ của tuổi trẻ. Nhiều người trẻ đánh đổi mọi thứ để kiếm tiền, để giành lấy sự thăng tiến trong sự nghiệp. Cuối cùng, họ chỉ dùng số tiền đó để vá những khoảng trống trong sức khỏe và cả tâm hồn của chính mình.
Bạn không yêu đương, không gần gũi với gia đình hay bè bạn, không có những chuyến du lịch đúng nghĩa vì lúc nào cũng phải kè kè cái laptop hoặc điện thoại bên mình và quan tâm hết deadline này tới deadline khác. Tiền bạn kiếm được đấy, chức vụ bạn có đấy, nhưng mọi thứ có ý nghĩa gì không, nếu một ngày bạn thức dậy và thấy bản thân sống như một cái máy? Ăn uống qua loa, ngủ nghê chớp nhoáng, chỉ để làm việc? Sẽ thật may mắn nếu lời tự vấn này chưa từng xuất hiện trong đầu bạn. Nhưng nếu nó đã hoặc đang hằn lên trong suy nghĩ của bạn hàng ngày, hàng tuần, thì hãy dừng lại một chút để thành thực với chính mình: Bao lâu rồi, bạn chưa thực sự thư giãn, và có khoảng thời gian "cách ly" với công việc? Bao lâu rồi, bạn chưa cảm nhận được sự vui vẻ, hứng thú với cuộc sống bên ngoài bàn làm việc?
Chăm chỉ vẫn luôn là một đức tính tốt và đáng tôn trọng. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc bạn không được quyền nghỉ ngơi. Tất cả chúng ta đều là con người, nội lực của chúng ta có giới hạn và cần được tái tạo, nuôi dưỡng hàng tuần, hàng tháng. Bạn sẽ thật đáng trách nếu quanh năm chỉ ăn chơi mà chẳng chịu làm việc, kiếm tiền. Bạn sẽ thật đáng trách nếu đã tốt nghiệp Đại học mà vẫn tiếp tục nhận trợ cấp từ phụ huynh hàng tháng để chi tiêu cho những nhu cầu cá nhân của bản thân. Và bạn cũng sẽ thật đáng trách, nếu chỉ lao vào làm việc mà quên ăn, quên ngủ, quên chăm sóc bản thân. Khi tinh thần kiệt quệ và sức khỏe không tốt, sức sáng tạo của con người cũng sẽ giảm đi.
Vì thế, người trẻ ơi, hãy chăm chỉ làm việc và cho phép bản thân có những quãng nghỉ. Nghỉ để rồi quay lại làm việc với tinh thần hứng khởi hơn, đầu óc sáng tạo hơn. Bởi suy cho cùng, có gì buồn hơn một tâm hồn trống rỗng, một trái tim không còn khát khao sống khi tuổi đời mới chỉ vừa đôi mươi đâu chứ?!
Nguồn CafeF
0 comments:
Đăng nhận xét