Vì nợ nần, những đại gia này bỗng dưng biến mất khiến bao người “đứng ngồi không yên”.
1. Nữ đại gia phố núi bể nợ hàng chục tỷ “biến mất” khỏi địa phương
Tháng 2/2016, người dân tại xã Sơn Tây và thị trấn Tây Sơn (Hương Sơn, Hà Tĩnh) không ngớt bàn tán xôn xao về “đại gia phố núi” Nguyễn Thị Mai (thường trú tại xóm Hồ Vậy, xã Sơn Tây), người đã bể nợ hàng chục tỷ đồng rồi biến mất khỏi địa bàn.
Tổng số tiền mà hàng chục hộ dân ở phố núi Hương Sơn cho nữ đại gia này mượn có giấy tờ vay mượn không dưới 25 tỷ đồng. Còn trên thực tế số tiền mà người dân đã trót giao cho nữ đại gia phố núi cao gấp nhiều lần. Nhưng vì người cho vay không có giấy tờ biên nhận nên không ai dám ra mặt cầu cứu đơn thư.
Được biết, trước khi có tiếng là một phụ nữ giàu có, Mai là nhân viên của một công ty lâm nghiệp trên địa bàn huyện Hương Sơn. Chồng Mai là lái xe cho một cơ quan nhà nước, nhưng sau đó cả hai ly hôn. Đồng lương ít ỏi từ đơn vị sự nghiệp khiến cuộc sống của gia đình Mai khá chật vật.
Trước năm 2004, thời điểm Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo mở cửa thông thoáng hơn, Mai xin nghỉ ra ngoài làm ăn – bắt mối buôn bán động vật hoang dã. Mai đã phất lên, trở thành một thương buôn khá có tiếng.
Người dân tại xã Sơn Tây và thị trấn Tây Sơn (Hương Sơn, Hà Tĩnh) không ngớt bàn tán xôn xao về “đại gia phố núi” Nguyễn Thị Mai - người đã bể nợ hàng chục tỷ đồng rồi biến mất khỏi địa bàn. (Ảnh: Dân Trí)
Theo thương buôn ở đây kể, Mai thành công nhờ sự chịu khó, tháo vát và không thể thiếu đó là khuôn mặt dễ nhìn, tính cách hòa đồng dễ tạo thiện cảm với người đối diện. Thế nhưng, đây cũng chính là vỏ bọc bên ngoài mà rất nhiều người dân lầm tưởng về một nữ đại gia chân thật, sòng phẳng trong làm ăn.
Năm 2016, hoạt động buôn bán động vật hoang dã gặp nhiều khó khăn do một phần nguồn hàng hiếm, một phần nhờ các chiến dịch đánh án về buôn bán động vật hoang dã được nhiều nước ráo riết triển khai. Những thương vụ làm ăn lớn bất thành khiến tài sản của Mai bị co lại, đi đến nợ nần. Mai về quê huy động vốn của anh em, người thân, người dân với lãi suất cao.
Vòng xoáy nợ nần, áp lực trả nợ đã khiến nữ đại gia này không còn có thể trụ vững và nữ đại gia quyết định bỏ trốn. Đặc biệt trước khi bỏ trốn, nữ đại gia đã âm thầm viết giấy chuyển nhượng, cầm cố nhà cửa, tài sản của mình cho người thân. Khi thông tin về nữ đại gia này bỏ trốn, nhiều người rầm rộ kéo đến để siết nợ mới vỡ lẽ việc này.
2. Nữ “đại gia nông sản” ôm tiền tỷ bỏ trốn
Tháng 9/2016, nhiều hộ dân ở các xã Ya Ly, Ya Xiêr và thị trấn Sa Thầy (huyện Sa Thầy, Kon Tum) hoang mang, bức xúc trước việc “đại gia nông sản” Đỗ Thị Thanh (trú tại thôn Ya De, xã Ya Xiêr) bỗng bặt vô âm tín cùng khoản nợ lên đến nhiều tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Thu Ánh (trú tại làng Tum, xã Ya Ly) từng mất ăn mất ngủ, chỉ biết khóc kể từ khi hay tin bà Đỗ Thị Thanh ôm tiền bỏ trốn khỏi địa phương. Sau khi bà Thanh “biến mất”, cuộc sống của gia đình bà Ánh bị đảo lộn hoàn toàn.
Trước đó, bà Ánh đã giấu chồng đi vay tiền của bà Thắm (bà Thắm là chị ruột của bà Thanh) để cho bà Thanh vay lại với số tiền lên đến 600 triệu đồng. Bà Ánh hiện đang bị suy sụp tinh thần khi vừa bị chồng đuổi ra khỏi nhà, vừa bị chủ nợ theo đòi, hăm dọa sẽ thuê “xã hội đen” xử nếu trong vòng 6 ngày không lo được đủ tiền để trả cả lãi lẫn gốc.
Ngôi nhà 500 triệu đã được nữ "đại gia" Thanh thế chấp trước khi bỏ trốn. Ảnh: VP.
Cũng rơi vào hoàn cảnh éo le không kém, ông Lê Danh Bảo (SN1968, trú tại thôn Ya De, xã Ya Xiêr) cũng bị “sập bẫy” của bà Thanh. Ông Bảo than vãn: “Ai mà ngờ được, nhìn gia đình mấy chị em nhà bà ấy đều khá giả nổi tiếng của huyện Sa Thầy. Bản thân bà ấy chồng chết nhưng nhà cửa, đất đai nhiều, 2 chiếc xe ô tô, cơ sở buôn bán ổn định và nổi tiếng ở địa phương và còn là chỗ hàng xóm, quen biết lâu năm nên khi bà Thanh ngỏ lời nhờ đi vay giúp số tiền 200 triệu đồng để làm ăn thì tôi không nghi ngờ gì”.
Sau khi hay tin bà Thanh bỏ trốn, rất nhiều người dân đã tìm đến nhà riêng của bà mong thu hồi được phần nào số tiền đã trót lỡ cho bà Thanh vay trước đó rồi kéo nhau đi tìm người nhà của bà này để hỏi thăm tin tức nhưng không ai biết “đại gia nông sản” đi đâu, điện thoại thì không liên lạc được.
3. Nữ đại gia chiếm đoạt 160 tỷ đồng rồi cùng bạn trai bỏ trốn
Ngày 17/9/2019, Công an tỉnh Bình Dương đã thụ lý điều tra đối tượng Trương Thị Cao T. (33 tuổi, ngụ Bình Dương) vì có hành vi chiếm đoạt lên đến trên 160 tỷ đồng.
Theo nội dung vụ án, T. cùng con gái (5 tuổi) ở khu biệt thự Phú Thịnh (phường Phú Thọ, thành phố Thủ Dầu Một). T. sử dụng chiêu thức huy động vốn kinh doanh các loại vải để lừa nhiều người, chiếm đoạt hơn 100 tỷ đồng.
Nữ đại gia chiếm đoạt 160 tỷ đồng rồi cùng bạn trai bỏ trốn.
Ngày 28/8, T. đã bán căn biệt thự trong khu biệt thự rồi đưa con gái bỏ trốn. Cơ quan chức năng xác định bạn trai của người phụ nữ là Võ Tường D. (35 tuổi, ngụ Tân Uyên, Bình Dương) điều khiển xe ô tô 4 chỗ Honda Civic BKS 61A - 492.21.
Bước đầu cơ quan điều tra đã tiếp nhận đơn tố cáo của 12 người. Tuy nhiên, Công an tỉnh Bình Dương nhận định vẫn còn rất nhiều người dân bị T. lừa đảo chiếm đoạt tiền với thủ đoạn trên chưa đến trình báo.
Các nạn nhân cho biết, T. tạo niềm tin bằng cuộc sống bề ngoài đại gia, dùng hàng hiệu, ở biệt thự nên họ không nghi ngờ. Thời gian đầu, T. trả lãi đúng hẹn nhưng về sau thì cắt liên lạc từ từ. Hiện Công an tỉnh Bình Dương đang mở rộng điều ra, làm rõ vụ việc.
4. Nữ đại gia thủy sản Diệu Hiền
Bà Phạm Thị Diệu Hiền từng nắm chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình An (Bianfishco). Những năm 80 của thế kỷ trước, bà cùng chồng mở xưởng kinh doanh đồ gỗ gia dụng. Năm 1998, bà thành lập Công ty Diệu Hiền xây dựng Khu Văn hóa Du lịch Bình An tại Sóc Trăng. Năm 2003, công ty đầu tư Dự án Khu dân cư, thuộc Khu đô thị mới Nam Sông Cần Thơ.
Đến năm 2005, bà bén duyên với con cá tra khi thành lập Bianfishco với lĩnh vực hoạt động chính là nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản. Cũng trong năm đó, công ty khởi công xây dựng Nhà máy Chế biến thủy sản Bình An và khi khánh thành (tháng 11/2006), nhà máy đạt công suất 500 tấn cá mỗi ngày.
Bà Phạm Thị Diệu Hiền từng nắm chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình An.
Sau khi hoàn thành nhà máy, công việc làm ăn của bà Diệu Hiền phất lên nhanh chóng khi doanh thu liên tục tăng từ 100 tỷ đồng năm 2007 lên 1.000 tỷ đồng vào năm 2009 và đạt 1.163 tỷ đồng năm 2010. Đến năm 2011, với tổng giá trị xuất khẩu đạt 48,86 triệu USD, công ty lọt vào top 10 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra và top 25 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hàng đầu Việt Nam.
Bên cạnh đầu tư xây dựng nhà máy, khu nuôi cá như một resort, bà Diệu Hiền còn xây biệt thự, tậu xe hơi hàng tỷ đồng. Bà là người đầu tiên ở khu vực miền Tây “tậu” xe Rolls - Royce hàng chục tỷ đồng lấy biển tứ quý 3.
Năm 2012, công ty của bà Phạm Thị Diệu Hiền vỡ nợ gần 2.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng số tiền nợ mua cá tra của người dân là hơn 200 tỷ đồng. Sau khi “vỡ nợ”, các ngân hàng và chủ nợ “nhảy” vào tái cơ cấu công ty, đại gia Phạm Thị Diệu Hiền phải xuất ngoại với lý do điều trị bệnh. Từ đó, đại gia này sống âm thầm, ẩn dật ở nước ngoài, lâu lâu mới về Việt Nam một lần.
Nguồn Tổng Hợp Từ Internet
0 comments:
Đăng nhận xét