Sân bay tại Bắc Kinh có diện tích 4.700 ha, tương đương với Long Thành, thiết kế 7 đường băng công suất 100 triệu hành khách và 4 triệu tấn hàng hóa với vốn đầu tư 11,4 tỷ USD. Sân bay Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) thiết kế 4 đường băng, công suất 90 triệu lượt hành khách và vốn đầu tư 12 tỷ USD.
Trong khi đó, Long Thành 2 cặp đường băng, 100 triệu lượt hành khách, 5 triệu tấn hàng hóa nhưng vốn đầu tư lên đến 16 tỷ USD.
ACV nói gì về việc này?
Trả lời báo giới, ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV, cho biết cho biết quy mô của Long Thành khi hoàn thành cả 3 giai đoạn bao gồm: 4 đường băng, 4 nhà ga hành khách và các hạng mục phụ trợ đảm bảo khả năng phục vụ công suất thiết kế 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Chủ trương này đã được Quốc hội khoá 13 năm 2015 thông qua tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 và là cơ sở để Chính phủ triển khai nghiên cứu và thực hiện từ đó đến nay.
Cũng theo Nghị quyết số 94/2015/QH13, tổng mức đầu tư của sân bay Long Thành được Quốc hội quy định ở mức 16,03 tỷ USD, trong đó có 673,3 triệu USD chi phí bồi thường hỗ trợ và tái định cư khu vực 5.000 ha.
Sau đó, tại Nghị quyết 38/2017/QH14, Quốc hội đã chấp thuận tách phần việc bồi thường hỗ trợ và tái định cư khu vực 5.000 ha thành một tiểu dự án thành phần riêng do UBND tỉnh Đồng Nai phụ trách.
Chính phủ đã phê duyệt giá trị tổng mức đầu tư cho tiểu dự án bồi thường hỗ trợ và tái định cư này là 978 triệu USD.
Như vậy, phần ứng với việc đầu tư xây dựng hạ tầng cảng hàng không quốc tế Long Thành là phần còn lại, khoảng 15 tỷ USD.
Ông Thanh cho biết, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, suất đầu tư khoảng 15 tỷ USD/100 triệu hành khách cho Cảng hàng không Long Thành được Quốc hội và Chính phủ phê duyệt là tương đương với suất đầu tư của các cảng hàng không lớn trên thế giới.
Người đứng đầu ACV dẫn chứng: Sân bay Đại Hưng giai đoạn 1 (vận hành khai thác từ tháng 9/2019) có tổng mức đầu tư khoảng 11,7 tỷ USD cho công suất 72 triệu hành khách/năm, tức khoảng 16,26 tỷ USD/100 triệu hành khách, tương đương với suất đầu tư 163 triệu USD cho năng suất 1 triệu hành khách/năm.
Còn sân bay Istanbul có tổng mức đầu tư khoảng 12 tỷ USD cho công suất 90 triệu hành khách/năm, tức khoảng 14,93 tỷ USD/100 triệu hành khách, tương đương với suất đầu tư 149 triệu USD cho năng suất 1 triệu hành khách/năm.
ACV đang so sánh khập khiễng?
Bình luận về phương pháp so sánh của ACV, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Hàng không - Trường Đại học Bách khoa Tp.HCM, cho rằng ACV không thể lấy suất đầu tư cho giai đoạn đầu của sân bay Đại Hưng và sân bay Istanbul để so sánh với suất đầu tư cho tất cả 3 giai đoạn của sân bay Long Thành.
Cụ thể, sân bay Đại Hưng của Trung Quốc được hoàn tất giai đoạn 1 vào tháng 9 năm 2019 có tổng mức đầu tư khoảng 11,7 tỷ USD cho năng suất 72 triệu hành khách/năm, tức suất đầu tư 163 triệu USD cho năng suất 1 triệu hành khách/năm. Theo kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc, sau khi hoàn tất toàn bộ 7 đường cất hạ cánh, Đại Hưng sẽ trở thành sân bay quốc tế bận rộn nhất thế giới với năng suất 200 triệu hành khách/năm, vượt xa sân bay lớn nhất thế giới hiện nay có năng suất 107 triệu hành khách/năm là Hartsfield-Jackson Atlanta của Hoa Kỳ.
Sân bay Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ được hoàn tất giai đoạn 1 vào tháng 10/2018 có tổng mức đầu tư khoảng 12 tỷ USD cho năng suất 90 triệu hành khách/năm, tức suất đầu tư 149 triệu USD cho năng suất 1 triệu hành khách/năm. Thổ Nhĩ Kỳ cũng có tham vọng là sân bay Istanbul sau khi hoàn thành tất cả các giai đoạn vào năm 2028 sẽ trở thành một trong những sân bay trung chuyển lớn nhất thế giới với năng suất 200 triệu hành khách/năm.
Còn sân bay Long Thành có dự toán giai đoạn 1 là 4,8 tỷ USD cho năng suất 25 triệu hành khách/năm, tức suất đầu tư 192 triệu USD cho năng suất 1 triệu hành khách/năm.
"Sân bay Long Thành có dự toán rất mơ hồ cho cả 3 giai đoạn là 16 tỷ USD cho năng suất 100 triệu hành khách/năm, tức suất đầu tư 160 triệu USD cho năng suất 1 triệu hành khách/năm", Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống nói.
Cũng theo ông Tống, suất đầu tư cho giai đoạn đầu luôn luôn lớn hơn suất đầu tư cho tất cả các giai đoạn của một sân bay, vì thế lãnh đạo ACV không thể lấy suất đầu tư cho giai đoạn đầu của sân bay Đại Hưng và sân bay Istanbul để so sánh với suất đầu tư cho tất cả 3 giai đoạn của sân bay Long Thành.
Việc so sánh hợp lý là giữa suất đầu tư cho giai đoạn đầu của Long Thành là 192 triệu USD với suất đầu tư cho giai đoạn đầu của Đại Hưng là 163 triệu USD và với suất đầu tư cho giai đoạn đầu của Istanbul là 149 triệu USD cho năng suất 1 triệu hành khách/năm.
Như thế suất đầu tư cho Long Thành đắt hơn Đại Hưng 18% và đắt hơn Istanbul 29%.
Một vấn đề nữa được đặt ra là tại sao ACV lại chọn hai sân bay có tham vọng trở thành sân bay lớn nhất thế giới với năng suất 200 triệu hành khách/năm để so sánh? So sánh với sân bay tương tự nào trên thế giới để đánh giá sân bay Long Thành có lãng phí không?
Theo ông Nguyễn Thiện Tống, ACV phải lấy sân bay có tổng năng suất tương tự là 80 - 100 triệu hành khách/năm để so sánh.
Chẳng hạn có thể so sánh với sân bay thiết kế mới Western Sydney của Úc. Sân bay Western Sydney được khởi công vào tháng 9 năm 2018 để hỗ trợ cho sân bay Kingsford Smith Sydney tương tự dự án xây dựng sân bay Long Thành với năng suất 80 - 100 triệu hành khách/năm để hỗ trợ cho sân bay Tân Sơn Nhất đang bị quá tải.
Sân bay Western Sydney của Úc có năng suất 82 triệu hành khách/năm được đầu tư 3,8 tỷ USD (5,3 tỷ AUD) trong 10 năm tới cho giai đoạn 1 với năng suất 40 triệu hành khách/năm, bình quân 95 triệu USD cho năng suất 1 triệu hành khách /năm.
Trong khi đó, mức đầu tư cho giai đoạn 1 của sân bay Long Thành với năng suất 25 triệu hành khách/năm là 4,8 tỷ USD, bình quân 192 triệu USD cho năng suất 1 triệu hành khách/năm, đắt gấp 2 lần so với sân bay Western Sydney.
Nguồn VNECONOMY
0 comments:
Đăng nhận xét