Chưa tính đến xe ôm truyền thống, chỉ cần bước chân ra phố, người ta dễ dàng bắt gặp sự “đa sắc màu” của các hãng xe ôm công nghệ. Nếu xanh lá cây là màu đặc trưng của Grab, thì đỏ là GoViet và “vàng ong” là sắc diện của Be...
Sự phát triển của các hãng xe công nghệ đã và đang phục vụ một phần không nhỏ nhu cầu đi lại của người dân trên địa bàn TP. Tuy nhiên, việc bùng nổ của loại hình vận tải bằng xe hai bánh đang đem lại không ít hệ lụy cho giao thông Thủ đô.
Dạo qua vài điểm như Bến xe Mỹ Đình, Yên Nghĩa, Giáp Bát, Nước Ngầm, người ta dễ dàng bắt gặp sự lộn xộn về giao thông, mất trật tự xã hội do đội ngũ xe ôm gây ra. Phía trong bến tàu, bến xe là "lãnh địa riêng" của xe ôm truyền thống. Vì vậy, cánh xe ôm công nghệ nếu bén mảng vào, nhẹ là thì cảnh cáo bằng lời, nặng thì đôi khi là sứt đầu mẻ trán. Các bến tàu, bến xe vốn đã chật chội, lại càng bức bối hơn bởi từ trong ra ngoài, khách hàng thì ít mà “nhà xe” thì như ong vỡ tổ!
Điều đáng nói, trước đây, tài xế xe ôm hầu như đều là những người trung tuổi, trình độ học vấn thấp, công việc bấp bênh mới đi chạy xe ôm. Nhưng ở thời đại 4.0, tài xế xe ôm công nghệ có tới hàng nghìn sinh viên các trường đại học, cử nhân, kỹ sư (thậm chí là thạc sĩ) tham gia.
Để hạn chế ùn tắc, giảm thiểu tai nạn và chống ô nhiễm môi trường, chủ trương chung của TP là hạn chế phương tiện cá nhân (trong đó có xe gắn máy). Vậy mà các hãng xe công nghệ cứ đua nhau ra đời, có chăng chỉ góp phần cho giao thông Thủ đô thêm ùn tắc. Buồn hơn, góp mặt cho sự bức bối về giao thông ấy là sự “nhập cuộc” khá hùng hậu của tầng lớp tri thức - một sự lãng phí, chảy máu chất xám đến vô lối.
Nguồn Kinh Tế Đô Thị
0 comments:
Đăng nhận xét