Sống trong gia đình có bố mẹ luôn căng thẳng, cãi vã thường xuyên, đứa trẻ sẽ khó có thể phát triển bình thường và hạnh phúc. Làm cha mẹ, đừng đầu độc con cái bằng chính mối quan hệ độc hại của bản thân.
Ngày 26/11, dư luận đau xót trước thông tin một bé gái 11 tuổi nhảy lầu chung cư tự tử vì chuyện gia đình. Lý do cụ thể được xác định là do bố mẹ không hòa thuận, thường xuyên cãi vã, thậm chí định li hôn.
Câu chuyện đau lòng là một hồi chuông khiến những người làm cha mẹ giật mình về những tác động tiêu cực lên con trẻ khi cha mẹ bất hòa cũng như cách thức ứng xử cần thiết với con cái khi người lớn xảy ra xung đột.
Trẻ em cũng có hoàn toàn những căng thẳng giống như người lớn. Nghiên cứu cho thấy khoảng 13% trẻ em có những lo lắng khi sống trong một môi trường không lành mạnh, mà điển hình là cha mẹ không hòa hợp, thường xuyên tranh cãi.
Mối quan hệ giữa cha mẹ ảnh hưởng rất nhiều đến con cái. Bởi thế, dù hiện tại giữa bạn và người chồng/vợ đang có các khúc mắc chưa được giải quyết thì vẫn luôn cần chú ý đến những đứa trẻ vì:
1. Con sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi, buồn rầu
Đừng bao giờ nói với con cái rằng: “Con tự đi mà nói với cha/mẹ, mẹ/cha sẽ không nói chuyện với người đó đâu”. Đó là dấu hiệu cho đứa trẻ biết rằng cha mẹ chúng đang có những cảm xúc tiêu cực dành cho nhau, và nó cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của chúng.
Vì thế, dù đang bực tức thì bạn cũng cần cố gắng kiểm soát cảm xúc của bạn, nhất là khi có trẻ con bên cạnh. Cả hai phải thống nhất rằng sẽ không sử dụng con cái để làm lá chắn cho hành vi của mình, cũng như tự tìm cách để cân bằng lại cảm xúc chứ không đổ hết lên đầu trẻ con (như gặp bác sĩ tâm lý hay đọc sách cân bằng…)
2. Con sẽ quen với việc trở thành nạn nhân
Khi bạn có những hành vi, lời nói có tính chất nhục mạ người bạn đời của mình thì đồng thời đứa con cũng sẽ bị ảnh hưởng gián tiếp. Trẻ em cũng có thể trở thành nạn nhân và có những trải nghiệm cảm xúc tồi tệ ở giai đoạn đầu đời.
Bất cứ vấn đề nào cũng có nguyên do từ hai phía, và nếu việc chấp nhận là mình sai quá khó thì bạn cũng nên nhìn nhận khách quan vấn đề. Sự tự nhận thức trước tiên sẽ đưa bạn đến một trạng thái cân bằng mà ở đó, bạn cởi mở hơn trong việc giải quyết khúc mắc. Nghĩ trước khi nói và hành động, thay vì liên tục phàn nàn bên tai những đứa trẻ vô tội về những sai lầm của người cha/mẹ của chúng.
3. Con sẽ cảm thấy có lỗi
Những lúc cha mẹ cãi vã, giận dỗi hay thậm chí là ly hôn, cảm giác về gia đình biến mất và những đứa trẻ sẽ dễ rơi vào trạng thái cảm thấy có lỗi. Trẻ em có những cách rất riêng để cố gắng hàn gắn cha mẹ, thậm chí như việc la hét, khóc lóc hoặc từ chối nghe lời cha mẹ.
Trong trường hợp đó, bạn cần ngồi xuống và nói với con rằng đó không phải là lỗi của chúng mà cha mẹ tranh cãi hay ly hôn. Giải thích một cách nhẹ nhàng để tránh một vết hằn trong tâm lý chúng.
4. Con sẽ tự trách mình
Khi cha mẹ cảm thấy có lỗi trong cuộc hôn nhân này thì đồng thời con cái cũng sẽ cảm nhận được một phần điều đó. Nhiều cha mẹ tìm cách “chuộc lỗi” bằng cách mua thật nhiều đồ chơi, đồ ăn cho đứa trẻ như một cách để xin lỗi chúng và xoa dịu chính bản thân mình. Nhưng hầu hết chúng ta chọn cách đắm chìm trong nỗi buồn riêng mà không nghĩ là con cái cũng có thể cảm thấy tồi tệ.
Vì thế, ngay khi có những cảm xúc tội lỗi thì hãy chuyển sang các hoạt động khác ngay để đánh lạc hướng cảm xúc, mà tốt nhất là ngồi xuống chơi với con. Đừng làm hư con bạn bằng những món đồ chơi vô tri vì sự chú ý của bạn mới là món quà tuyệt vời nhất.
5. Con sẽ nghĩ rằng cảm xúc của chúng không có giá trị
Theo các nhà tâm lý học, cảm xúc tiêu cực cũng là một dạng cảm xúc quan trọng mà cha mẹ không nên bỏ qua. Chúng không chỉ thể hiện qua nỗi buồn, mà có những dạng trạng thái rất khác nhau, thậm chí có cả cáu gắt và hung hăng.
Vì thế, cha mẹ nên thường xuyên trao đổi với con cái về những sự kiện hàng ngày, khuyến khích trẻ chia sẻ cảm xúc qua những câu chuyện, hình vẽ và trò chơi. Ví dụ, có thể cùng con vẽ một bức tranh về gia đình, bạn bè và chú ý những chi tiết nhỏ trong đó để chắc chắn không có điều gì tồi tệ đang làm phiền con bạn.
6. Con có thể bị trầm cảm
Một nghiên cứu cho thấy trầm cảm ở các bà mẹ có liên quan đáng kể với việc nuôi dạy con cái, khiến chúng không cảm nhận được sự ấm áp và tiềm ẩn những vấn đề tâm lý trong tương lai.
Cha mẹ hạnh phúc thì đứa trẻ cũng sẽ tự hạnh phúc. Vì thế, cần thống nhất trước với người bạn đời về cách ứng xử trước mặt con cái khi cả hai đang có tranh cãi, tránh để chúng thấy cha mẹ khóc lóc, đánh mắng nhau.
7. Con sẽ lựa chọn một trong hai, giữa cha và mẹ
Trẻ nhỏ không thể giải quyết mối quan hệ độc hại giữa cha mẹ, vì vậy chúng có xu hướng chọn một trong hai bên để tìm sự che chở. Lâu dần, nó trở thành một vết sẹo trong tâm lý chúng.
Vì thế, đừng thể hiện sự cáu kỉnh khi con ở cùng người kia, cũng không phóng đại những sai lầm của đối phương để ép trê phải chọn giữa hai người. Điều bạn cần làm là giải thích cho trẻ rằng bạn và người kia đều yêu thương chúng. Cả hai luôn cần con ở trong cuộc sống gia đình.
8. Con sẽ cảm thấy lo lắng, nguy hiểm
Trẻ em rất nhạy cảm và ngay cả khi chúng không hiểu được gốc rễ vấn đề thì chúng vẫn sẽ cảm thấy có gì đó không ổn. Mỗi đứa trẻ có thể phản ứng theo một cách khác nhau, thậm chí gây hấn, cô lập và những hành vi bạo lực khác. Vì cảm giác lo lắng, sợ hãi nên chúng phải hành động thái quá để tự bảo vệ mình, dù thực tế điều đó không quá nghiêm trọng.
Là cha mẹ, bạn hãy luôn nhắc nhở con rằng không có gì quá nguy hiểm cả, dù cha mẹ có những khúc mắc cần tranh cãi thì con vẫn luôn được yêu thương.
Nguồn CafeF
0 comments:
Đăng nhận xét