Trước thời điểm diễn ra buổi điều trần công khai việc luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump, do nghi ngờ có liên quan đến thỏa thuận với Ukraine, chính trường Mỹ liên tục dậy sóng do mâu thuẫn gia tăng giữa 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Đảng Dân chủ tăng tốc điều tra
Thời điểm dự kiến diễn ra phiên điều trần là vào ngày 13-11. Trước đó, Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát đã thông qua nghị quyết về thủ tục luận tội với ông chủ Nhà Trắng. Cuộc điều tra này xoay quanh vấn đề: Liệu Tổng thống Donald Trump có trì hoãn viện trợ cho Ukraine để thúc ép quốc gia Đông Âu này tiến hành cuộc điều tra đối với cựu Phó Tổng thống Joe Biden, đối thủ nặng ký của ông trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Đến nay, tiến trình điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump của đảng Dân chủ đã bước vào giai đoạn mới. Các nhà lập pháp đảng Dân chủ đã tiến hành các cuộc điều trần kín và công bố 8/15 bản sao lời khai của các nhân chứng. Đây được coi là giai đoạn tiền đề để ủy ban điều tra Hạ viện thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động điều tra tiếp theo.
3 nhân chứng đầu tiên sẽ tham dự các buổi điều trần công khai vào ngày 13-11, gồm: nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ tại Ukraine William Taylor, Phó Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu và Âu - Á George Kent và cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine Marie Yovanovitch. Nhà ngoại giao Taylor được các nhà lập pháp đảng Dân chủ coi là một nhân chứng hết sức quan trọng trong cuộc điều tra này.
Trước đó, tại một phiên điều trần kín, ông Taylor khẳng định ông hoàn toàn hiểu rõ rằng khoản tiền viện trợ trị giá 400 triệu USD của Mỹ cho Ukraine được sử dụng là điều kiện ép buộc Kiev tiến hành điều tra ông Joe Biden, đối thủ chính trị của Tổng thống Donald Trump. Trong khi đó, Phó Trợ lý Ngoại trưởng George Kent mô tả một “chiến dịch nói dối” do ông Rudy Giuliani, luật sư riêng của Tổng thống Donald Trump, dẫn đầu được thực hiện nhằm “hạ bệ” Đại sứ của Mỹ tại Ukraine, khi đó là bà Marie Yovanovitch. Còn cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine Marie Yovanovitch đã đưa ra bằng chứng về một chiến dịch gây sức ép đối với bà. Ngoài những nhân vật quan trọng trên, các ủy ban điều tra của Hạ viện Mỹ đã thực hiện các cuộc điều trần kín đối với Đại sứ Mỹ tại Liên minh châu Âu (EU) Gordon Sondland, cựu chuyên gia Nhà Trắng về vấn đề Nga Fiona Hill.
Tuy nhiên, nhiều quan chức trước đây và hiện nay trong chính quyền Tổng thống Donald Trump đã từ chối tham dự các cuộc điều trần kín, trong đó có Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry, cựu Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, quyền Chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney hay luật sư riêng của Tổng thống Donald Trump, Rudy Giuliani.
Đảng Cộng hòa công kích
Trước sức ép ngày càng tăng từ đảng Dân chủ, Tổng thống Donald Trump và đảng Cộng hòa liên tiếp lên tiếng chỉ trích cuộc điều tra là “một chiều”, “không công bằng”. Trong một động thái mới nhất, trên trang Twitter, Tổng thống Donald Trump kêu gọi tiến hành điều trần đối với Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, hạ nghị sĩ Adam Schiff, cựu Phó Tổng thống Joe Biden, những người tố giác ông và một số nhân chứng khác. Ngoài ra, dòng trạng thái của Tổng thống Donald Trump cũng lặp lại những chỉ trích của các nghị sĩ đảng Cộng hòa rằng, cuộc điều tra luận tội là một chiều và không công bằng, đồng thời yêu cầu công khai danh tính của người tố giác.
Đảng Cộng hòa lên kế hoạch triệu tập ông Hunter Biden, con trai của cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, cùng với một số nhân chứng khác như đối tác kinh doanh của ông Hunter Biden là ông Devon Archer ra điều trần. Ông Devon Archer là một doanh nhân người Mỹ, nguyên cố vấn của cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
Trong khi đó, Nhà Trắng đang có kế hoạch tuyển thêm 2 cố vấn tham gia đội ngũ truyền thông cho tổng thống. Hai nhân vật được lựa chọn là ông Pam Bondi, cựu Tổng chưởng lý bang Florida, một chính khách gần gũi với Tổng thống Donald Trump và ông Tony Sayegh, cựu phát ngôn viên của Bộ trưởng Tài chính Mỹ.
Nguồn SGGP tổng hợp
0 comments:
Đăng nhận xét