Trong cả năm 2018, Na Uy chỉ xảy ra 26 vụ giết người, tương đương số vụ giết người xảy ra trung bình mỗi tháng của Mỹ. Một nguyên nhân lớn được cho là nhờ vào sự khác biệt trong cách tổ chức, quản lý nhà tù.
Phạm nhân Andre trong nhà tù Halden, Na Uy - Ảnh: DETROIT NEWS
20 năm trước, chính quyền Na Uy đã thay đổi cách tiếp cận trừng phạt với tù nhân và đã giảm được đáng kể tỉ lệ tái phạm, khiến nước này giờ đây trở thành một trong những quốc gia có tỉ lệ tội phạm thấp nhất thế giới. Hệ thống tổ chức và quản lý nhà tù của họ cũng trở thành mẫu hình được nhiều nước học tập.
Đó là lý do vì sao thành phố New York (Mỹ) mới đây đã quyết định tìm đến Na Uy, nơi cách xa gần 6.000km để học hỏi kinh nghiệm.
Cẩn mật, nhân văn
Phần lớn các cơ sở giam giữ phạm nhân của Na Uy đặt tại các vùng nông thôn. Một trong số đó là nhà tù Halden, nằm giữa những tán rừng thông và bạch dương ở cách thủ đô Oslo khoảng một giờ xe chạy về phía nam.
Nơi đây có khoảng 200 tù nhân, một nửa trong số họ đã bị kết án các tội như giết người, cưỡng hiếp, hoặc tấn công người khác.
Bên trong các bức tường rào bêtông cao gần 8m, tù nhân được mặc áo của họ và có thể tự do đi lại một mình trong sân bãi trại giam. Không gian nhà tù tĩnh lặng kinh ngạc, không có những tiếng cửa kim loại va đập ầm ầm, tiếng chìa khóa chạm nhau lách cách cũng như không tiếng chửi bới của tù nhân hay giám thị như khung cảnh thường thấy tại nhiều trại giam khác.
Nhà tù Halden được coi là nhà tù có chế độ canh gác cẩn mật nhất song cũng nhân văn nhất thế giới, theo báo New York Times của Mỹ. Ở Halden, người tù có thể được tận hưởng những thứ "trời cho" một cách thoải mái nhất, đó là sự lưu thông tự nhiên của không khí và ánh sáng.
Cách Halden khoảng 65 dặm về phía bắc là một nhà tù khác, Romerike, cũng có cấp độ an ninh rất cao, nằm trong thị trấn có khoảng 39.000 dân.
Tại đây có những đường hầm kết nối các khám giam trong tù tới một quán ăn và một khu vui chơi giải trí, cho phép tù nhận được tự do di chuyển mà không có giám thị kè kè bên cạnh. Các phạm nhân ở đây cũng được trang trí phòng giam của họ bằng những vật dụng cá nhân.
Ngoài ra còn có các xưởng bào, cưa gỗ, phòng tập gym, yoga, bếp dạy nấu ăn và thư viện. Cửa sổ làm bằng nhựa cứng, cho phép tù nhân có cơ hội được nhìn ngắm ra bên ngoài. Dọc theo hành lang của khu giam giữ được trang trí các bức tranh đương đại.
Tình bạn giữa giám thị và phạm nhân
Điều gây ấn tượng nhất và có thể cũng là khác biệt đáng nói nhất trong các nhà giam của Na Uy chính là mối quan hệ con người giữa các giám thị trại giam và phạm nhân.
Mỗi giám thị ở đây được phân công phụ trách 5 hoặc 6 phạm nhân (để so sánh, ở New York, mỗi giám thị phụ trách khoảng 50 tù nhân). Tại Na Uy, các giám thị giao lưu, kết nối với tù nhân thông qua những bữa ăn và các chương trình đào tạo tái hòa nhập xã hội.
Các giám thị và phạm nhân còn tham gia cùng nhau trong nhiều hoạt động. Họ ăn cùng nhau, chơi bóng chuyền với nhau, tham gia các hoạt động vui chơi giải trí với nhau.
Ông Leif Arne Rosand - một giám thị tại nhà tù Romerike - cho biết giữa họ và các tù nhân có những trao đổi thực sự cởi mở, thân tình và chính mối quan hệ cá nhân đó đã góp phần tăng cường độ an toàn cho nhà giam.
Có lẽ không ở đâu có một lớp yoga đặc biệt như ở nhà tù Halden khi những người từng một thời phạm tội giết người, cưỡng hiếp, buôn bán ma túy cùng ngồi tập luyện và hít thở bên cạnh những người quản giáo.
Khi được ra tù (gần như tất cả phạm nhân ở Na Uy đều được ra tù), người giám thị sẽ đưa cho họ số điện thoại di động cá nhân của họ. "Hãy gọi cho tôi nếu anh/chị cần giúp đỡ" - họ nói.
Nguồn TTO
0 comments:
Đăng nhận xét