Cuộc đời không ai biết trước được chữ ngờ. Đừng quá tự đắc vào bản thân để rồi ngậm quả đắng.
1. Công việc đơn giản cũng đòi hỏi tầm nhìn và trí tuệ
Gần đây ở Trung Quốc, có một cặp vợ chồng trẻ họ Nhậm khiến cư dân mạng bàn tán không ngừng. Tốt nghiệp đại học xong, người chồng làm bác sĩ Đông y, còn người vợ là một chuyên viên điều dưỡng. Tuy nhiên, họ quyết định bỏ việc và mở một quầy hàng gần chợ ở thành phố Tế Nam để kinh doanh đồ chiên rán. Họ kiếm được 300.000 NDT/năm nhờ buôn bán thuận lợi, trong khi thu nhập bình quân đầu người ở thành phố này chỉ là 84.000 NDT.
Trong quá trình bán hàng, người chồng còn lên mạng phát trực tiếp (livestream) cho mọi người xem. Từ đó, họ đã thu về một lượng lớn người hâm mộ và hơn 30 người học việc từ khắp nơi trên cả nước.
Cư dân mạng bắt đầu tự hỏi: "Học hành nhiều năm như vậy có ích gì, để rồi cuối cùng vẫn đứng bán hàng trên đường phố?". Thậm chí, có người cho rằng: "Đọc sách cũng chẳng để làm gì. Người ta đứng bán hàng trên phố cũng kiếm được 300.000 NDT".
Thế nhưng, mọi người không nhận ra rằng: Trong số hàng triệu người bán hàng trên phố ngoài kia, không phải ai cũng có thu nhập cao như vậy.
Bí quyết của cặp vợ chồng này nằm ở chỗ: Họ có nền tảng học hành trước, biết tư duy kiểu mới, áp dụng công nghệ để cải thiện việc kinh doanh.
Học hành không phải để gia tăng khối lượng kiến thức, mà để rèn tư duy. Trong quá trình đọc sách, nghiên cứu, ta học được cách suy nghĩ đa chiều, từ đó đưa ra được những cách giải quyết vấn đề tốt hơn. Muốn kinh doanh tốt, ta phải có tầm nhìn, khả năng nắm bắt cơ hội và nhạy cảm với những điều mới lạ - mà những thứ này ta hoàn toàn rèn luyện được khi ngồi trên ghế nhà trường.
2. Cuộc sống này tàn nhẫn hơn bạn tưởng
Có một cô gái nọ rất xinh đẹp, còn độc thân, lại sở hữu bằng thạc sĩ, đang làm việc cho một công ty danh tiếng với mức lương cao ngất ngưởng. Người ngoài nhìn vào không thể nào không ghen tị với cô.
Cuộc sống của cô cứ hoàn hảo như vậy, cho tới khi cô phát hiện cha mình bị mắc ung thư dạ dày. Cô và gia đình đã bán hết nhà cửa đất đai để chữa bệnh cho cha. Thậm chí, họ còn vay tiền bạn bè và người thân để chạy chữa mà bệnh tình của cha cô vẫn không thể thuyên giảm.
"Tôi cảm thấy mình thật bất lực. Học hành giỏi giang đến đâu, tôi còn chẳng thể bảo vệ nổi gia đình mình", cô ngậm ngùi nói.
Vì căn bệnh của cha cô đã đến giai đoạn cuối, việc điều trị trở nên cực kỳ tốn kém. Mẹ cô khóc: "Giờ kiếm đâu ra tiền nữa đây?". Nhìn tờ hóa đơn nằm viện trong tay, cô từ từ ngồi xuống, toàn thân run rẩy.
Ai trong số chúng ta cũng đều sẽ có những giây phút mong manh, bất lực, không có cách gì để chống chọi như thế này. Hàng ngày, chúng ta đi làm trong những tòa văn phòng hiện đại, với mức thu nhập lên tới hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Chúng ta vô tư tiêu hết số tiền kiếm được, chẳng bận tâm đến việc tiết kiệm hay những gì đang đợi mình trong tương lai. Chúng ta tin rằng cuộc đời mình lúc nào cũng sẽ tốt đẹp như hiện tại.
Thế nhưng, cuộc sống chính là một cuộc chiến lâu dài. Con đường mà chúng ta đang đi không hề trải đầy hoa hồng - đó là một con đường đầy sỏi đó.
Cuộc sống luôn tàn nhẫn với mọi người, chỉ là ta không nhận ra điều đó trước đây. Để đương đầu với nó, ta sẽ cần đến tiền - sức mạnh lớn nhất của mỗi người.
3. Không ai sinh ra là nghèo khổ, không ai sinh ra đã giàu có
Có anh chàng nọ tên là Tiểu K. làm việc tại tại nhà máy. Vì kinh tế suy thoái, anh và bạn bè mình bị công ty cho vào diện cắt giảm nhân sự.
Tiểu K. ở nhà suốt hơn 1 năm. Trong thời gian này, anh cũng thử đi tìm việc nhiều lần nhưng mãi chẳng thành công. Việc thì anh ta chê mức lương thấp quá, việc thì anh ta không hài lòng, việc thì anh ta cảm thấy không xứng đáng. Không công ăn việc làm, lại thêm áp lực cuộc sống khiến anh ta rơi vào cảnh khó khăn chồng chất.
Những người bạn của anh ta khuyên rằng, nếu không thể tìm được công việc như ý trong thời gian tới, chi bằng hãy đi bán hàng rong đi, không thì đi đưa đồ ăn cũng được. Dù sao công việc này cũng kiếm được rất nhiều tiền mỗi tháng.
Tiểu K. ngay lập tức liền tỏ vẻ bất mãn: "Tôi sẽ đi tìm cơ hội ở nơi khác, chứ làm những việc đó mất mặt lắm!".
Nghe vậy, bạn anh ta mới đáp rằng: "Vậy cậu không thấy nghèo khổ như thế này cũng mất mặt sao?".
Chỉ một câu nói đơn giản này cũng đủ để làm thức tỉnh rất nhiều người. Trong cuộc sống, chẳng có công việc nào là đáng bị coi thường. Miễn là không phải trộm cắp hay giết người, chỉ cần công việc đó giúp chúng ta tồn tại thì nó đáng được tôn trọng, không nên phân bì cao thấp.
Đôi khi, chúng ta đang sống một cuộc đời hạnh phúc, nhưng chỉ vì một biến cố nào đó mà phải chịu biết bao khó khăn và tủi nhục. Từ thiên đàng rớt xuống trần gian, không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận tình cảnh này. Tuy nhiên, đã là con người, chúng ta đều phải đối mặt với thực tế.
Nhiều người nghèo khổ không phải vì kinh tế khó khăn, không phải vì thiếu năng lực kiếm tiền, mà vì họ không thể vượt qua cái tôi của chính mình: Họ không tin vào sự tàn nhẫn của cuộc sống, thậm chí còn coi thường những người đang cố gắng chống chọi với cuộc sống tàn nhẫn ấy.
Xưa kia, khi Lục Bộ Hiên - cử nhân trường Đại học Bắc Kinh - bỏ công việc văn phòng lương cao để đi bán thịt lợn, đã bị không ít người chế giễu. Họ không tin rằng sinh viên của ngôi trường danh giá hàng đầu châu Á này lại có thể làm một công việc được cho là "thấp kém" như vậy.
Thế nhưng, giờ đây, người đàn ông ấy đã trở thành vị tỷ phú với khối tài sản lên tới 10 tỷ NDT - tất cả đều nhờ kinh doanh thịt lợn.
Muốn sinh tồn trong cuộc đời này, không nhất thiết phải làm công việc văn phòng máy lạnh, cũng chẳng cần cố chấp theo đuổi lĩnh vực phù hợp với bằng cấp của mình. Dù là người bán đồ chiên rán, người bán thịt lợn, người giao hàng,... chỉ cần làm ăn lương thiện để kiếm sống thì không có gì phải xấu hổ.
Kẻ nghèo nhất không phải là kẻ không có tiền, mà kẻ luôn tự đắc về bản thân mà không biết nhìn vào sự thật trần trụi của cuộc sống.
Nguồn CafeF
0 comments:
Đăng nhận xét