11 thg 11, 2019

Sự giả tạo của người Nhật ở nơi công sở: Chẳng đâu "thảo mai" đến gai người như thế!

Người Nhật không cao thượng theo cái cách cả thế giới tung hô. Họ khá "thảo mai" và không đơn giản như những gì chúng ta thấy.
Ảnh minh họa

Người Nhật thực sự kỳ lạ. Họ luôn thể hiện ra ngoài một đằng, nhưng bên trong nghĩ một kiểu. Và đặc biệt hơn, họ không coi sự giả tạo như là tính cách của người này, người kia. Giả tạo đã được nâng lên thành một dạng văn hóa.

Cụ thể, sự tử tế của người Nhật chia ra làm hai khái niệm: Honne và Tatemae.

Honne tức là chúng ta nói ra những điều gì thực sự nghĩ trong đầu. Còn Tatemae là việc chúng ta nói ra ngoài những ý kiến, hoặc thể hiện cử chỉ phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp, chứ không hề giống như trong lòng đang suy nghĩ. Với các quốc gia khác, họ coi Tatemae là thảo mai, nhưng người Nhật thì xem nó như lẽ đương nhiên. Thực sự việc thẳng thắn phân minh rõ đúng sai trắng đen chẳng thể quan trọng bằng việc giữ không khí tập thể cũng như làm hài lòng đối phương. Cách giao tiếp Tatemae được ưa chuộng hơn nhằm nói giảm nói tránh, đồng thời không để người tiếp chuyện thấy buồn lòng, tổn thương. 


Duy - một sinh viên mới tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Nhật thương mại khi đi làm ở môi trường công sở Nhật Bản đã vô cùng bất ngờ. Bao nhiêu ảo tưởng bấy lâu nay về người Nhật trong Duy tan vỡ. Và việc sụp đổ hình tượng này Duy chỉ được biết khi cậu hỏi kỹ sếp mình.

Mới đầu vào công việc, Duy còn lóng ngóng, nhiều hôm không dịch nổi đồng nghiệp người Nhật nói gì. Nhưng sau những màn thể hiện chưa xuất sắc lắm của Duy, thì đồng nghiệp ấy toàn khen Duy cố gắng, còn trẻ mà đã giỏi thế. Lời khen như "rót mật vào tai" ấy khiến Duy rất vui và tự tin nghĩ rằng mình làm việc tốt. Cho đến một ngày trưởng bộ phận người Việt Nam gặp Duy trao đổi. Cậu mới tá hỏa vì hóa ra bạn đồng nghiệp người Nhật kia hay đi "thưa chuyện với sếp" rằng cậu như một kẻ vô dụng, tai điếc, và không hiểu sao thi được vào làm ở công ty. Người Nhật là vậy, trước mặt bạn thì họ khen, nhưng sau lưng thì nghĩ ngược lại hoàn toàn đó nhé!

Dân công sở ở Nhật hẳn sẽ còn bắt gặp cực kỳ nhiều tình huống giả tạo thảo mai như vậy. Nào là việc chào hỏi nhau xã giao quá nhiều "Mọi chuyện ổn chứ?", "Có cần giúp gì không?"... Nào là sự chúc mừng bên ngoài nhưng bên trong rất đố kỵ, hơn thua nhau. Rồi nào là việc họ sẽ để ý tất cả những việc làm xấu nhất của bạn.

Vậy câu hỏi đặt ra, làm thế nào để biết bạn bè công sở Nhật Bản đang thảo mai?


Theo nghiên cứu, dân công sở cho rằng, nếu gần đến giờ ăn trưa mà có ai đó mời bạn đi ăn thì đấy chỉ là mời khách sáo thôi. Nếu bạn trót đồng ý thì họ hẳn sẽ bực mình lắm đấy. Hay như bạn tặng quà cho người Nhật, họ sẽ lập tức khen và nói rằng họ rất thích món quà. Nhưng rồi chỉ khi họ sử dụng đồ đó thì mới chứng minh là họ thích nó. Một trường hợp khác là bạn mời người Nhật dùng một món ăn. Nếu họ chưa ăn hết/liên tục uống nước mà đã khen ngon tức là họ đang giả dối với cảm nhận thật đó.


Thực ra, nếu xét bản chất, việc giả tạo thảo mai của người Nhật không phải là xấu. Bởi nó giúp cho giữ hòa khí chung trong môi trường làm việc, để không ai gặp tình trạng tổn thương. Nhưng thật nguy hiểm khi họ làm như thế, khiến chính bạn ảo tưởng và trở nên ngốc nghếch trong mắt đồng nghiệp.

Vì vậy các nàng hãy lưu ý những câu chuyện thật về văn hóa giả tạo công sở Nhật để lỡ mai này có gặp thì phải tỉnh táo nhé!

Nguồn afamily

0 comments:

Đăng nhận xét