15 thg 11, 2019

Tập đoàn kinh tế mạnh có thể dẫn dắt cả nền kinh tế

Khối kinh tế tư nhân đang ngày càng vươn lên, đóng góp ngày một nhiều cho sự phát triển của đất nước. Điều này cho phép chúng ta có thể tin tưởng rằng, Việt Nam sẽ có những Tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh làm trụ cột cho nền kinh tế như một số nước.

Kinh tế mạnh nhờ những “ông lớn”
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong những lần gặp gỡ doanh nghiệp, doanh nhân đều nhắn gửi một thông điệp rằng, nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể hùng mạnh khi có những doanh nghiệp đủ năng lực cạnh tranh toàn cầu. Quan điểm phải phát triển kinh tế để xây dựng đất nước hùng cường, nâng tầm Việt Nam trên trường quốc tế cũng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến khi phát biểu tại Diễn đàn Xúc tiến đầu tư tỉnh Lạng Sơn hồi cuối tháng 9 vừa qua. “Không có tuyến phòng thủ nào vững chắc bằng tuyến phòng thủ là một nền kinh tế mạnh”, Thủ tướng nói.

Nhìn ra thế giới, các nền kinh tế mạnh đều dựa vào những doanh nghiệp tư nhân dẫn đầu. Hàn Quốc, từ một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu đã lột xác với “Kỳ tích sông Hàn” nhờ các tập đoàn tư nhân lớn hay siêu lớn. Những tên tuổi như Samsung, Hyundai Motor, Posco, Kia Motors, LG... không chỉ định danh nền kinh tế Hàn Quốc mà còn là “cây gậy quyền lực” của quốc gia này.  

Trong đó, 5 tập đoàn đứng đầu là Samsung, Hyundai, SK Group, LG và Lotte đã chiếm khoảng 50% giá trị thị trường chứng khoán Hàn Quốc. Chỉ riêng hai tập đoàn Samsung Electronics Co. và Hyundai Motor Co. đã chiếm đến 1/5 nền kinh tế của đất nước kim chi.

Nhiều quốc gia khác cũng có các tập đoàn siêu mạnh, tạo nên thương hiệu quốc gia và thậm chí ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu như Apple, Google, Alibaba, Amazon, Toyota… Theo một thống kê năm 2012, trên thế giới chỉ có 18 quốc gia có GDP trên 500 tỷ USD, trong khi giá trị thị trường của Apple đã vượt 570 tỷ USD. Đến nay, giá trị của Apple còn tăng lên rất nhiều. Năm 2018, Tạp chí Fortune công bố danh sách Fortune 500 gồm 500 công ty lớn nhất tại Mỹ. Theo đó, tổng doanh thu của 500 doanh nghiệp này là 12,8 nghìn tỷ USD, chiếm tới 2/3 doanh thu của Mỹ. 

Nhìn lại Việt Nam, nước ta đang đặt mục tiêu có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, hơn 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025 và có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030. Trong số đó, chỉ cần có vài trăm tập đoàn mạnh thì nền kinh tế Việt Nam sẽ bứt phá.

Thực tế, Việt Nam có các tập đoàn lớn mạnh, được chèo lái bởi những doanh nhân tài năng, giàu nhiệt huyết, mang trong mình khát vọng xây dựng đất nước giàu mạnh. Việt Nam đã có những tỷ phú đô la đầu tiên, những tập đoàn kinh tế tư nhân với giá trị vốn hóa hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula Resort của Sun Group liên tục nhận các giải thưởng quốc tế danh giá.

Có thể kể tới Tập đoàn Sun Group - chủ đầu tư của những thương hiệu du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí hàng đầu Việt Nam. Bằng cách làm khác biệt, “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, những công trình của doanh nghiệp này đầu tư đã ghi tên Việt Nam trên bản đồ du lịch đẳng cấp thế giới, đạt hàng loạt giải thưởng quốc tế, góp phần vào sự tăng trưởng ngoạn mục của ngành du lịch quốc gia. Tập đoàn Vingroup tiên phong trong những lĩnh vực mà trước nay là điểm yếu của Việt Nam như lắp ráp, chế tạo điện thoại di động, ô tô, xe điện. Hãng hàng không Vietjet hiện thực hóa giấc mơ được bay của người dân Việt Nam, đang vươn lên trở thành hãng hàng không giá rẻ hàng đầu khu vực…

Sự vươn lên của kinh tế tư nhân
Thực tế trong những năm gần đây, khi nền kinh tế Việt Nam không ngừng tăng trưởng ở mức trung bình 7-8%/năm, vị thế của Việt Nam trên thế giới đã thực sự thay đổi. Việt Nam được quốc tế đánh giá cao về việc đổi mới mô hình tăng trưởng, luôn nằm trong top những nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, là hình mẫu trong xóa đói giảm nghèo…

Nền kinh tế Việt Nam ngày một nâng hạng trên trường quốc tế. Ảnh minh họa - Internet

Tại buổi công bố Sách Trắng doanh nghiệp lần đầu tiên vào ngày 10/7/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, khối doanh nghiệp tư nhân đã vươn lên mạnh mẽ dẫn đầu với doanh thu, nộp ngân sách nhà nước vượt cả khối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước.

Cụ thể, năm 2017, tổng doanh thu thuần của toàn bộ doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước đạt 20,66 triệu tỷ đồng. Trong đó, doanh thu thuần của khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đã đạt 11,7 triệu tỷ đồng (chiếm hơn 50% tổng doanh thu). Trong khi khu vực doanh nghiệp FDI đạt 5,8 triệu tỷ đồng và khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 3,1 triệu tỷ đồng.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá, giai đoạn 2016-2017, doanh thu của doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm tỷ lệ chi phối trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Cùng với đó, năm 2017, doanh nghiệp ngoài nhà nước đã khẳng định vị thế trong nền kinh tế với hơn 291 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, chiếm khoảng 30%.

Việt Nam hiện là nền kinh tế cạnh tranh thứ 67/141 nước trên thế giới, tăng 10 bậc so với năm ngoái, theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa công bố. Góp phần vào thành quả đó chính là đóng góp to lớn của các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn.

Các Tập đoàn kinh tế tư nhân góp phần tăng năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế Việt Nam

Phát biểu tại phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam hồi tháng 5/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Một khu vực tư nhân lớn mạnh, bền vững, bên cạnh khu vực doanh nghiệp nhà nước hiệu quả hơn, khu vực kinh tế hợp tác xã năng động hơn sẽ tạo ra một tương lai thịnh vượng, bền vững cho nền kinh tế Việt Nam”.

Những “con số biết nói” kể trên đã cho thấy sự vươn lên mạnh mẽ, vai trò không thể phủ nhận của khu vực kinh tế tư nhân. Trong đó các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh chính là đầu tàu kéo con tàu kinh tế nước ta đi nhanh và đúng hướng.

Nguồn phapluatplus

0 comments:

Đăng nhận xét