13 thg 11, 2019

Toàn cảnh nợ xấu nội bảng của 26 ngân hàng

Thống kê từ 26 ngân hàng, đến cuối tháng 9, tổng nợ xấu nội bảng của những nhà băng này là hơn 113.000 tỷ đồng, tăng hơn 15.000 tỷ so với đầu năm (tương đương tăng khoảng 15%).

Chỉ có 3/26 ngân hàng có nợ xấu giảm trong 9 tháng đầu năm là Eximbank (giảm 4,6%), SeABank(giảm 3,6%) và Saigonbank (giảm 2,3%).

Trong khi đó, nợ xấu tăng khá mạnh ở nhiều ngân hàng. Chẳng hạn tại ABBank, nợ xấu nội bảng tăng tới 79% lên 1.766 tỷ đồng, NamABank tăng 91% lên 1.496 tỷ đồng. Nếu như nợ xấu của NamABank tăng cùng với việc dư nợ cho vay cũng tăng mạnh (tăng 24%) thì tại ABBank, trong khi dư nợ cho vay giảm thì nợ xấu nhảy vọt.

Ngay cả ở những ngân hàng lớn như Techcombank, SHB, MBBank nợ xấu cũng tăng hơn 20%. Cụ thể, nợ xấu ở SHB tăng 39% lên 7.227 tỷ đồng, tại Techcombank tăng 32% lên 3.704 tỷ đồng, MBBank tăng 30% lên 3.730 tỷ đồng.

Hay ở BIDV, nợ xấu nội bảng tăng 19% tương ứng với 3.634 tỷ đồng lên 22.436 tỷ đồng vào cuối tháng 9. Vietcombank tăng 22,5% lên 7.625 tỷ đồng.

Nợ xấu tại VietinBank và Sacombank chỉ tăng nhẹ, lần lượt tăng 2,7% và 2,9% lên 14.066 tỷ đồng và 5.809 tỷ đồng.

Theo đó, 5 ngân hàng cổ phần có nợ xấu nội bảng lớn nhất hiện nay là BIDV, Agribank, VietinBank, VPBank, Vietcombank. So với cách đây một năm, Sacombank đã thoát khỏi danh sách này, thay vào đó là Vietcombank.

Có thể thấy, nỗ lực cải thiện chất lượng tài sản cùng việc đẩy mạnh xử lý nợ của Sacombank đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng. So với cách đây 2 năm, nợ xấu của nhà băng này đã giảm được hơn một nửa.

Trong cơ cấu nợ xấu của 26 ngân hàng, nợ có khả năng mất vốn chiếm tỷ lệ cao nhất (57%), trong khi đó nợ nghi ngờ chỉ 21%, nợ dưới tiêu chuẩn là 23%. Các ngân hàng lớn như BIDV, VietinBank, Vietcombank, SHB, Sacombank, Techcombank đều có tỷ trọng nợ có khả năng mất vốn ở mức cao (trên 50%).

Mặc dù con số nợ xấu tăng nhưng mức tăng thấp hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng nên tỷ lệ nợ xấu lại hầu hết có chuyển biến tích cực, và hiện chưa có ngân hàng nào trong số 26 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu vượt 3%. Thống kê cũng cho thấy, 12/26 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu (trên tổng dư nợ cho vay) cuối tháng 9 giảm so với đầu năm. Trong đó có thể kể đến những ngân hàng giảm mạnh như SeABank giảm 0,2 điểm phần trăm xuống 1,31%; Saigonbank giảm 0,18 điểm phần trăm xuống 2,03%,…

Những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu (trên tổng dư nợ cho vay khách hàng) ở mức thấp nhất hệ thống hiện nay bao gồm ACB (0,67%), Vietcombank (1,08%), BacABank (0,72%), Kienlongbank (1,07%), ….

Tất nhiên, nợ xấu nội bảng chưa phản ánh được hết vấn đề nợ xấu tại các ngân hàng. Chẳng hạn, Sacombank dù có nợ xấu nội bảng chỉ ở mức 5.809 tỷ đồng (đứng thứ 6 trong hệ thống) nhưng còn hơn 35.000 nợ xấu tại VAMC (cao nhất hệ thống). Còn SCB cũng vậy, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của ngân hàng này chỉ ở mức 0,46%, nhưng còn hơn 28.000 trái phiếu đặc biệt của VAMC và lãi dự thu, các khoản phải thu hơn 60.000 tỷ (cao nhất hệ thống).

Nợ xấu (hợp nhất) của các ngân hàng, đơn vị: tỷ đồng, %, (*) Agribank: thống kê đến 30/6/2019

Nguồn Tri Thức Trẻ

0 comments:

Đăng nhận xét