21 thg 11, 2019

Từ chuyện Món Huế sụp đổ, Shark Louis Nguyễn thừa nhận đã mất tất cả vốn đầu tư vào Nhà thuốc Mỹ Châu và không thể liên lạc được với bà chủ

Khi nhà đầu tư nước ngoài bị thiệt hại vì những vấn đề lừa đảo thì họ sẽ không trở lại Việt Nam nữa.

Món Huế là một thương hiệu mạnh trong ngành kinh doanh nhà hàng của Việt Nam. Không chỉ mạnh về độ nhận diện thương hiệu, doanh nghiệp này còn được "bảo đảm" bởi hàng loạt quỹ ngoại đứng sau rót hàng chục triệu USD trong các vòng gọi vốn. Tuy nhiên những gì xảy ra với Món Huế những ngày qua đã thực sự gây sốc không chỉ cho giới doanh nhân, các nhà cung cấp mà còn ảnh hưởng đáng kể đến môi trường đầu tư của Việt Nam.

Mỗi doanh nghiệp có một hướng đi riêng và mỗi câu chuyện thành công hay thất bại đều có mặt tối đằng sau nó. Khi các founder huy động vốn của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài đều vẽ ra một viễn cảnh tăng trưởng thần tốc để có thể huy động được vốn càng nhanh càng tốt, càng nhiều càng tốt. Khi đánh đổi phát triển bền vững lấy tăng trưởng, doanh nghiệp sẽ phát sinh các yếu tố không thể kiểm soát.

Có rất nhiều lời nhận xét về sự sụp đổ của Món Huế, bản thân founder Huy Nhật khi trả lời truyền thông cũng thừa nhận, "đi cùng với việc thành công trong huy động vốn là áp lực phát triển hệ thống cửa hàng mới với số lượng tăng từ 100 lên 200, bài toán quản lý vận hành, nhân sự, kiểm soát chi phí, chất lượng tạo nên một áp lực rất lớn. Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt của ngành F&B trong 2 năm qua, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng, giá thuê mặt bằng tăng, cạnh tranh nhân lực cũng ngày càng gay gắt", các nguyên nhân này đã gây ra mâu thuẫn giữa founder và nhà đầu tư. Ông Huy Nhật cho rằng mình đã bị các nhà đầu tư nước ngoài gạt bỏ khỏi doanh nghiệp mình sáng lập trong khi các nhà đầu tư nước ngoài thì cho rằng "Huy Nhật chỉ đạo gây ra sự sụp đổ không cần thiết cho doanh nghiệp, cũng như trốn tránh các nhà cung cấp mà hiện ông Huy Nhật đang nợ hàng triệu đô la".

Câu chuyện của Huy Nhật chỉ là một ví dụ điển hình làm các nhà đầu tư ngoại cẩn trọng hơn khi vào thị trường Việt Nam. Trả lời Thời báo kinh tế Sài Gòn cuối tuần qua, ông Louis Nguyễn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty quản lý Quỹ đầu tư Saigon Asset Management (SAM) và cũng là một trong những cá mập tham gia Shark Tank mùa 2 rất tiếc thừa nhận, khoản đầu tư của quỹ vào 15% cổ phần của Nhà thuốc Mỹ Châu năm 2016 đã bị mất trắng. SAM cũng không liên lạc được bà Lê Thị Mỹ Châu khi hợp đồng không được thực hiện như thỏa thuận và kết quả kinh doanh không đạt được như dự toán.

"Chúng tôi cần sự hỗ trợ mạnh mẽ của Nhà nước để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trong những hợp đồng đầu tư. Khi nhà đầu tư nước ngoài bị thiệt hại vì những vấn đề lừa đảo thì họ sẽ không trở lại Việt Nam nữa", Chủ tịch SAM trả lời TBKTSG.

Nhà thuốc Mỹ Châu trên đường Hai Bà Trưng, P.8, Q3, Tp.HCM ra đời từ năm 1987 là một trong các cửa hàng thuốc tân dược đầu tiên được cấp phép tại Việt Nam do bà Lê Thị Mỹ Châu làm chủ. Tại thời điểm quỹ SAM rót vốn, nhà thuốc Mỹ Châu có 7 cửa hàng tại khu vực nội thành Tp.HCM và 1 chi nhánh tại An Giang. Bà Lê Thị Mỹ Châu định hướng phát triển thương hiệu Mỹ Châu trở thành một trong những thương hiệu bán lẻ hàng đầu trong ngành dược phẩm.

Theo lộ trình hợp tác đầu tư, quỹ SAM sẽ đầu tư theo ba giai đoạn. Giai đoạn I, quỹ đầu tư tiền mặt đồng thời hợp tác với HĐQT Mỹ Châu nhằm tái cấu trúc hạ tầng công ty gồm quản lý, công nghệ, phân phối. Trong giai đoạn II, hệ thống nhà thuốc sẽ mở rộng thêm 5-6 cửa hàng mới ở các tỉnh, thành như Bình Dương, Biên Hòa, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Nha Trang, Hà Nội. Ở giai đoạn III, sau khi mở thêm số này thì Mỹ Châu sẽ tăng số lượng cửa hàng lên con số 80 trong 3 năm.

Khi tra cứu thông tin tại Cổng thông tin quốc gia về doanh nghiệp, có thời điểm chuỗi nhà thuốc này mở rộng lên 15 cửa hàng, tuy nhiên theo tìm hiểu của chúng tôi ở thời điểm hiện tại (sau 3 năm được quỹ rót vốn) chuỗi này chỉ còn lại vài cửa hàng đếm trên đầu ngón tay. Trụ sở chính trên đường Hai Bà Trưng, Q3 là đang hoạt động bình thường trong khi cửa hàng tại 338 Lê Văn Sỹ đã tạm ngưng phục vụ.
Chủ tịch quỹ SAM Louis Nguyễn

Trao đổi với Trí Thức Trẻ, Chủ tịch SAM Louis Nguyễn cho biết, "Họ vẫn hoạt động nhưng không trả tiền lại cho quỹ. Bao nhiêu thư gửi, gặp gỡ, nhắn tin rồi cuối cùng ra trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cũng thua luôn, họ (nhà thuốc Mỹ Châu) vẫn không trả lời". Ông Louis cho biết, không phải xuất phát từ mâu thuẫn giữa quỹ và Mỹ Châu, mà do trong thỏa thuận ban đầu của bản hợp đồng (term sheet) đã ghi rõ tại một thời điểm nhất định nếu Mỹ Châu không đạt được mục tiêu mà hai bên thoả thuận ban đầu thì quỹ có quyền bán lại cổ phần cho công ty. Thời điểm đến, Mỹ Châu đã không đạt được các tiêu chí mà quỹ đưa ra, quỹ muốn rút vốn nhưng "Mỹ Châu không chịu và lờ luôn, không trả lời thư từ".

"Vấn đề nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nếu hợp đồng không đủ chặt chẽ là mình thua, chúng tôi chấp nhận điều này, nhưng ít ra tôi nghĩ hai bên có thể thỏa thuận vấn đề xử lý hợp đồng một cách chuyên nghiệp hơn", Chủ tịch SAM chia sẻ với Trí Thức Trẻ.

Tại một diễn biến khác, cách đây 2 tháng, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP.HCM đã tiếp nhận đơn của bà Lê Thị Mỹ Châu, chủ của chuỗi Nhà thuốc Mỹ Châu tố cáo một công ty bảo vệ đã lợi dụng tín nhiệm, câu kết với các đối tượng xã hội đen, chiếm đoạt nhà và tài sản tại địa chỉ 338 Lê Văn Sỹ, phường 14, quận 3, TP.HCM. Căn nhà này cũng là điểm kinh doanh nhà thuốc của bà Châu.

Theo đơn trình báo của bà Châu, bà ký hợp đồng với Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp B.A. (viết tắt Công ty B.A., có trụ sở tại quận Tân Bình, TP.HCM) để trông giữ tài sản bên trong ngôi nhà. Hợp đồng này có thời hạn 3 tháng, từ ngày 2/8/2019 đến ngày 2/11/2019. Trong lúc hợp đồng còn có thời hạn, Công ty B.A. đã tự ý bàn giao căn nhà của bà Châu cho người khác. Điều đáng nói, những người này khóa cửa, chiếm giữ tài sản trong căn nhà trên. Bà Châu và nhân viên đến làm việc thì bị cản trở, đưa ra những yêu sách nhằm chiếm đoạt căn nhà.

Các thông tin trên cho thấy chuỗi hiệu thuốc Mỹ Châu đã hoạt động không như kỳ vọng ban đầu của quỹ đầu tư. Theo số liệu của chúng tôi, mặc dù sở hữu chuỗi nhà thuốc tân dược nhưng kết quả kinh doanh của Mỹ Châu rất èo uột. Năm 2015 doanh thu của nhà thuốc này đạt 23,8 tỷ đồng, năm 2016 thời điểm nhận vốn của quỹ đầu tư đạt 25,5 tỷ đồng nhưng sang đến năm 2017, mặc dù tăng số lượng cửa hàng gấp đôi nhưng doanh thu lại giảm còn 13,3 tỷ đồng. Lợi nhuận năm 2017 chỉ lãi 200 triệu đồng, năm 2016 lỗ 200 triệu đồng.

Quỹ SAM được thành lập năm 2007, quản lý đầu tư ba quỹ Vietnam Equity Holding (VEH – NAV 40,4 triệu euro), quỹ Sunwah (100 triệu USD), và Vietnam Special Situation Fund (50 triệu USD).

Nguồn TTVN

0 comments:

Đăng nhận xét