25 thg 11, 2019

Vài viên gạch vỡ, 5 tỉ đồng và cái nhìn của dân

Chỉ vì “nhiều chỗ đá bị bể góc, bể cạnh, gập ghềnh” mà phải cậy cả mặt sân lên để lát lại cho “thêm phần trang nghiêm”. Và sự “thêm phần trang nghiêm” ấy phải trả bằng 5 tỉ tiền thuế của dân.
Người dân thăm viếng tượng đài Quang Trung là vì những cống hiến của ông trong lịch sử dân tộc chứ không phải vì cái mặt sân. Ảnh: Dantri

Câu chuyện cái mặt sân tượng đài Hoàng đế Quang Trung bị cậy lên để lát mới đang gây bức xúc không chỉ đối với người dân huyện Tây Sơn, Bình Định.

Tuổi trẻ dẫn lời ông Châu Kinh Tú - Giám đốc Bảo tàng Quang Trung cho biết: "Sân lát tượng đài Hoàng đế Quang Trung trước đây được làm từ nguồn kinh phi xã hội hóa. Đến nay sau 10 năm, mặt sân một số vị trí đã xuống cấp. Trên hình ảnh và nhìn tổng thể thì mặt sân lát vẫn còn đẹp, nhưng nhìn chi tiết thì một viên đá làm trước đây chưa dày đến 3 phân, nhiều chỗ đá bị bể góc, bể cạnh, gập ghềnh".

Vị giám đốc bảo tàng cũng nói thêm: Đây là vị trí UBND tỉnh Bình Định thường tổ chức Lễ hội chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa và tất cả lễ lớn của tỉnh. Do đó, để trang trọng, tỉnh cho chủ trương lát lại mặt sân này cho thêm phần trang nghiêm.

Mấy viên đá bể góc, gập ghềnh, và để thêm phần trang nghiêm và 5 tỉ đồng từ ngân sách địa phương, thực chất là từ tiền thuế của dân.  

Có cái gì đó như là lãng phí.
Lãng phí, từ cái nhìn của người dân, rằng “toàn bộ mặt sân lát tượng đài đang đẹp, hư hỏng không đáng kể nhưng lại bị cạy lên nâng cấp”.

Lãng phí, bởi sự hư hỏng ấy hoàn toàn có thể sửa chữa nhỏ để vẫn đảm bảo sự “trang nghiêm” (Có sự trang nghiêm nào phụ thuộc vào một cái mặt sân? Hay nói cách khác, có sự lãng phí nào - trong con mắt dân - có thể tạo nên “sự trang nghiêm”)

Nhưng câu chuyện về cái mặt sân 5 tỉ bạc này đang cho thấy có sự khác biệt không chỉ trong sự phân định giữa hỏng/chưa hỏng; đẹp/không đẹp, mà là còn trong cách nhìn của dân, và chính quyền, giữa người đóng thuế, và người tiêu tiền thuế dân về một khoản đầu tư, mà thực chất là sử dụng tiền thuế.

Mở ngoặc thêm, một huyện như Tây Sơn, năm 2018, thu ngân sách địa bàn chỉ đạt hơn 500 tỉ đồng. Và đó là mồ hôi công sức của cả trăm doanh nghiệp, của gần 188 ngàn dân.

Khi nào việc tiêu tiền của chính quyền mà dân cho là lãng phí thì rõ ràng việc tiêu tiền ấy phải được xem lại. Bởi thật ra, từ ngân sách nhà nước, từ ngân sách địa phương đều là từ tiền thuế của dân mà ra cả.

Chúng ta không thể lấy lý do cần thiết, hay thêm phần trang nghiêm để làm một việc mà chính dân nhìn thấy là không cần thiết, là lãng phí.

Nguồn Người Lao Động

0 comments:

Đăng nhận xét