20 thg 11, 2019

Vụ Phó phòng ngân hàng lừa gần 59 tỷ đồng trả nợ cá độ: Dùng dằng trách nhiệm trả tiền

Vừa qua, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xét xử phần dân sự trong vụ án Phó phòng Ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm lần 1 vào năm 2017, theo đó, Trần Hải Giang, cựu Phó phòng ngân hàng bị tuyên phạt mức án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Đồng phạm với Giang còn có Bùi Bảo Thắng cũng là nhân viên ngân hàng.

Cụ thể, cuối năm 2014, Giang nợ nần chồng chất vì chơi cá độ bóng đá. Bị ép trả nợ, Giang bịa chuyện ngân hàng có "chương trình quản lý tiền trong tài khoản cho khách hàng thân thiết, trả lãi mỗi tuần 1%".  Khi khách hàng thắc mắc thì Giang giải thích rằng, mục đích của chương trình là tạo nguồn vốn linh hoạt cho một số khách hàng thân quen để triển khai dự án.

Giang nhờ đồng nghiệp Bùi Bảo Thắng (28 tuổi) tìm khách hàng tiềm năng. Thắng giới thiệu vợ chồng chị Nhài ở Hà Nội cho Giang.

Từ ngày 7/11 đến 31/12/2014, vợ chồng chị Nhài đã 17 lần chuyển tiền cho Giang qua tài khoản với tổng số hơn 58,7 tỷ đồng. Số tiền này, Giang rút ra chi tiêu cá nhân hết. Trong số lần chuyển tiền nêu trên, Thắng trực tiếp ba lần giúp Giang chiếm đoạt 18 tỷ đồng của bị hại.

Ban đầu Thắng không biết hành vi lừa đảo của Giang. Nhưng sau khi biết rõ, Thắng không tố giác tội phạm mà tiếp tục giúp đỡ Giang thực hiện tội phạm.

Bản án sơ thẩm sau đó bị hủy để điều tra lại phần dân sự. Tiếp đó, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm lần 2 vào năm 2018. Bản án sơ thẩm tiếp tục bị kháng cáo.

Bản án sơ thẩm xác định số tiền chiếm đoạt của vợ chồng chị Nhài, Trần Hải Giang sử dụng một phần để trả nợ cho anh Kiều Trung Dũng (hơn 400 triệu đồng), anh Nguyễn Thanh Tùng (300 triệu đồng).

Bị cáo Bùi Bảo Thắng trả nợ tiền vay bằng tiền mặt cho một nhóm 6 người, tổng số tiền hơn 1,9 tỷ đồng. Bị cáo Thắng còn trả tiền cho 2 cá nhân khác qua tài khoản.

Đây là tiền có nguồn gốc do phạm tội mà có – là vật chứng của vụ án. Do đó, bản án buộc những người này phải có trách nhiệm hoàn trả.

Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đồng loạt kháng cáo cho rằng họ không nhận tiền có nguồn gốc từ hành vi phạm tội của Giang, Thắng.

Anh Kiều Trung Dũng, anh Nguyễn Thanh Tùng khai rằng, họ được bị cáo Giang nhờ nhận tiền qua tài khoản. Sau đó, họ đã rút tiền đưa cho bị cáo Giang. Thực chất, họ không có quan hệ vay mượn với bị cáo.

Nhóm 6 người cho bị cáo Thắng vay khai rằng, họ cho bị cáo Thắng vay tiền, khi bị cáo Thắng đến trả tiền thì bị cáo có đề nghị nếu ai cần tiền thì lấy lại, nếu chưa cần thì cho bị cáo vay tiếp. Tất cả 6 người này đều đồng ý cho vay tiếp, thực tế, họ chưa hề cầm tiền.

Đối với những lời khai này, bị cáo Giang, Thắng thừa nhận.

Đáng chú ý, bị cáo Thắng khai vay 2,4 tỷ đồng của ông Phùng Ngọc Khoa, là họ hàng với bị cáo. Sau khi chiếm đoạt tiền của chị Nhài, bị cáo sử dụng trả nợ ông Khoa. Tiền được chuyển vào tài khoản của ông Khoa. Bản án buộc ông Khoa phải trả lại số tiền 2,4 tỷ đồng.

Tại tòa, ông Khoa khẳng định chưa từng mở tài khoản tại ngân hàng, không ký bất cứ giấy tờ, hồ sơ mở tài khoản nào, chưa từng đến ngân hàng giao dịch. Ông Khoa cũng không cho bị cáo Thắng vay tiền.

Đối với trường hợp ông Nguyễn Việt Chiến, ông Chiến khai có cho bị cáo Thắng mượn sổ đỏ. Còn bị cáo sử dụng sổ đỏ để làm hồ sơ vay mượn ngân hàng và sau đó trả nợ như thế nào ông Chiến không biết. Ông Chiến cũng không nhận tiền, trả tiền.

Tuy nhiên, bị cáo Thắng vẫn giữ nguyên lời khai về việc bị cáo vay tiền các cá nhân và sau đó dùng tiền chiếm đoạt để trả nợ.

Tòa phúc thẩm cho rằng lời khai của ông Khoa, ông Chiến có sự mâu thuẫn với lời khai của các bị cáo và không thể làm rõ tại phiên tòa. Do đó, Tòa quyết định hủy án sơ thẩm phần dân sự để điều tra làm rõ.

Nguồn TNCK

0 comments:

Đăng nhận xét