Nói là có 3.116 cán bộ của tỉnh Thanh Hóa tham gia nghiên cứu khoa học năm 2019, nhưng xin thưa đội ngũ có học hàm, có học vị tiến sĩ mới đáng để kể ra. Cụ thể là có 18 phó giáo sư, 149 tiến sĩ.
Nhưng khi phóng viên báo Lao Động hỏi về công trình công bố quốc tế là công trình nào, thì ông Lê Sỹ Chung - Chánh Văn phòng Sở Khoa học Công nghệ của tỉnh này cho hay, chính bản thân ông cũng không biết.
Cả tỉnh chỉ duy nhất có một công trình công bố quốc tế, nhưng lãnh đạo của ngành khoa học công nghệ địa phương không biết đó là công trình gì, ai là tác giả.
141 tỉ đồng là con số không nhỏ, nhưng chi ra cho nghiên cứu khoa học để lấy lại một báo cáo công bố quốc tế, còn báo cáo đó là gì, thuộc lĩnh vực nào, có thể triển khai sản xuất ra sản phẩm ứng dụng được vào thực tế đời sống hay không cũng chẳng biết.
Còn xin thưa, các loại công bố trong nước thì đừng tính. Ai chẳng biết phần lớn những báo cáo đó là để nghiệm thu cho hợp pháp, tiêu tiền ngân sách thì cũng phải giải trình cho sạch hồ sơ.
Cái gọi là nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học tỉnh Thanh Hóa là: Sách, 15 bài viết đăng tạp chí, 3 bài viết tham dự hội thảo; 1 bài giảng. Sách là sách gì, 15 bài viết gì, 3 bài tham dự hội thảo đề tài gì, hội thảo nào và 1 bài giảng thì giảng cái gì? Hãy chứng minh tính hiệu quả của các bài viết này đi, hãy làm cho rõ 141 tỉ đồng chi ra đã đem lại lợi ích gì cho địa phương?
Điều đáng kinh sợ là không chỉ riêng tỉnh Thanh Hóa, mà còn nhiều địa phương, bộ ngành, trường và viện khắp cả nước tiêu tiền nghiên cứu khoa học theo kiểu tương tự. Nói thẳng thắn rằng, người làm khoa học thì ít, ngụy khoa học thì nhiều, cho nên tiền chi ra chủ yếu là để chia nhau. Ngành Khoa học Công nghệ hãy công bố xem, năm 2019 có được bao nhiêu công trình khoa học, trong đó có được bao nhiêu sản phẩm ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, đem lại lợi ích kinh tế cho đất nước?
Đất nước này không cần số lượng giáo sư, tiến sĩ cao hơn nước khác, những loại hư danh, mua bằng trang trí cho cái ghế ngồi chẳng làm nên trò trống gì. Đất nước này cần những phát minh, sáng chế mang lại giá trị thật, lợi ích thật.
Hãy bỏ cái kiểu chi tiền nghiên cứu khoa học tràn lan, vô ích, vô bổ, chỉ chia chác tiền bạc cho các cá nhân và các nhóm lợi ích.
Tập trung đầu tư cho các nhà khoa học thực hiện các đề tài hữu ích. Việc này không khó, nhưng do tiêu cực can thiệp làm cho hoạt động này thiếu minh bạch.
Nguồn Báo Lao Động
0 comments:
Đăng nhận xét