Nếu thả một con ếch vào nồi nước sôi, nó có thể lập tức nhảy ra; nhưng nếu thả vào một nồi nước bình thường, từ từ đun lên từng chút một, nó sẽ đánh mất sự cảnh giác và mất luôn cả tính mạng của mình. Sự “ổn định” chính là một cái bẫy như thế trong sự nghiệp mỗi người.
--01--
Có hai anh em cùng làm việc trong nhà máy ở quê hương của mình, người anh lớn đã bắt đầu làm tại đó ngay từ khi mới 16 tuổi, đến giờ đã hơn 11 năm ròng. Người anh trai có tính tình hiền lành, thích ổn định. Còn em trai lại hướng ngoại, ham khám phá nhiều hơn.
Khi cả hai bắt đầu trưởng thành hơn, đến tuổi chuẩn bị xây dựng gia đình, số tiền lương vài triệu đồng tại nhà máy đã không còn dư dả như khi sống độc thân một mình nữa. Người em bèn bàn với anh trai cùng nghỉ việc, tìm cách ra ngoài làm ăn riêng. Tuy nhiên, kế hoạch không đi đến đâu, họ đã nảy sinh xung đột lớn.
Người anh đã sống và làm việc trong môi trường như vậy một thời gian quá dài. Kể từ khi bước chân vào nhà máy, mang tâm lý “chắc ăn” vì công việc ổn định, anh thoải mái công tác mà rất ít phải cạnh tranh, bon chen nhiều với bên ngoài. Do đó, dù trải qua một thời gian dài, các kỹ năng và kiến thức tích lũy được cũng chẳng đáng là bao. Thậm chí, tầm nhìn của anh ta cũng chỉ giới hạn trong phạm vi một nhà máy nhỏ. Từ trong tiềm thức, anh ta đã coi nhà máy chính là một phần không thể thiếu của cuộc sống, từ bỏ nó nghĩa là từ bỏ sự ổn định, rơi vào cảnh lưu lạc, không chốn nương thân.
Kỳ thật, nhân vật người anh trong câu chuyện này lại là chân dung phản ánh tâm lý của rất nhiều người trong thực tế. Họ tự trói mình trong một chiếc lồng bé nhỏ, tự coi đó là cả bầu trời của mình và quen với điều đó. Giống như những chú chim đã quen bị nhốt, dù có mở nắp lồng ra, chúng cũng không thể tự mình bay đi được nữa. Người ta cứ lo sợ trước những thử thách mới ở xã hội bên ngoài chiếc lồng mà quên mất rằng, đằng sau đó còn là những cơ hội, là những bước tiến xứng đáng để mạo hiểm, để nỗ lực vươn xa.
Ngoài kia, rất nhiều người trẻ cũng luôn chôn chân trong những công việc tương đối ổn định. Chúng ta có đang tự vẽ cho mình một vùng an toàn, rồi yên tâm ngồi lại trong đó mãi mãi hay không? Không cần chăm chỉ, không cần nỗ lực, cũng không đạt được bất cứ tiến bộ nào, sớm muộn gì bạn cũng sẽ bị đào thải khỏi mọi cuộc chơi. Cái gọi là “ổn định” hay “vùng an toàn” đều có thể trở thành vật cản khiến bạn đánh mất tương lai.
Trong những năm gần đây, môi trường kinh tế thị trường đang ngày càng nâng cao tính cạnh tranh. Rất nhiều công ty từng phát triển vượt bậc, khi đi qua thời hoàng kim của mình, bắt đầu trên đà lao dốc. Họ tìm kiếm nhiều giải pháp để giảm thiểu chi phí hơn, trong đó, phổ biến nhất chính là cắt giảm nhân viên. Kể cả các đơn vị Nhà nước cũng tinh giảm bộ máy, cắt giảm biên chế, đương nhiên các doanh nghiệp tư nhân cũng không tránh khỏi tình trạng này. Vì thế, rất nhiều người phải đối mặt với nguy cơ bị sa thải bất cứ lúc nào nếu giá trị chúng ta tạo ra không thể lớn hơn, hoặc ít nhất là ngang bằng, so với những gì mà công ty đang phải gánh chịu cho mỗi nhân sự.
Đó chính là thời điểm mà chúng ta phải bước ra khỏi vùng an toàn của chính mình và không ngừng cải thiện bản thân. Sự thay đổi đầu tiên phải bắt đầu từ chính năng lực. Cảm giác khủng hoảng sẽ là động lực tốt nhất để thúc đẩy mỗi người học tập, tìm tòi để phát triển nhanh hơn. Chúng ta phải ép bản thân tham gia vào cuộc đua chung với tất cả mọi người mà ở đó, không tiến lên có nghĩa là bạn sẽ thụt lùi.
Sự cải thiện thứ hai nên bắt nguồn từ nhận thức. Cảm giác hạnh phúc và vui vẻ khi cảm nhận sự thay đổi tích cực đến từ chính nội tại mỗi người, dù là trong cuộc sống, hay trong công việc, sẽ là trải nghiệm cực kỳ khó quên nếu bạn từng có lần nếm trải. Sau đó, bạn sẽ càng khao khát hơn, càng tự giác hơn và có ý thức để hướng tới sự tiến bộ hơn.
Và sự cải thiện thứ ba cần có của chúng ta thuộc về thể chất. Khi chịu đựng nhiều áp lực về tinh thần, chúng ta cũng đồng thời nâng cao sức chịu đựng của cơ thể. Bên cạnh đó, việc rèn luyện sức khỏe bằng một môn thể dục thể thao nào cũng có thể tăng cường tính tự giác và kỷ luật của bản thân. Việc xây dựng được một thói quen sẽ giúp chúng ta nuôi dưỡng thêm nhiều thói quen khác dễ dàng hơn, thúc đẩy bước tiến của mình vững vàng hơn.
--02--
Nếu bạn vẫn khăng khăng cố chấp với vòng an toàn của mình, hãy xem bộ phim "Shawshank Redemption" - Nhà tù Shawshank, tác phẩm đầu tay của đạo diễn Frank Darabont đã trở thành “Bộ phim hay nhất trong lịch sử điện ảnh”, kết quả do chính trang web đánh giá phim nổi tiếng IMDB đưa ra. Một trong những sự xuất hiện ấn tượng trong tác phẩm này chính là vai diễn một thủ thư trong tù, Brooks.
Brooks đã ở tù 50 năm. Đến khi biết rằng mình sắp mãn hạn tù, trở về với thế giới tự do, thay vì vui vẻ thì ông lại cảm thấy cực kỳ khó chịu. Sự tự do mà hàng trăm tù nhân khác đang mơ ước mỗi ngày lại trở thành cơn ác mộng của ông. Nhân vật này còn tìm một con dao muốn gây sát thương bạn tù để gia tăng thời gian thi hành án nhưng không thành công.
Sau khi ra tù, ông không thể thích nghi với thế giới bên ngoài. Ông thậm chí nảy sinh ý định đi ăn cướp có chủ đích để bị bắt vào tù một lần nữa. Trong suy nghĩ của Brooks, một người đã quá quen với cuộc sống lao ngục, thì nhà tù mới là ngôi nhà duy nhất mà ông thuộc về. Và cuối cùng, nhân vật này đã lựa chọn tự sát, kết thúc chuỗi ngày tự do ngắn ngủi và đáng buồn của bản thân.
Bộ phim có một câu rất đáng suy ngẫm: “Những bức tường thật thú vị. Khi mới vào tù, người ta căm ghét nó quá cao không thể vượt qua. Nhưng dần dần, khi đã quen sống trong đó, người ta lại phải dựa vào nó để sống sót”.
Nếu bạn từng nghe đến hội chứng “ếch luộc” (Boiling frog), cụm từ miêu tả tình trạng con ếch bị luộc trong nồi với nhiệt độ được điều chỉnh tăng lên từ từ, nó sẽ không nhảy ra, dù có đậy nắp hay không. Điều đáng sợ nhất chính là việc con ếch đã dần dần tự thích ứng với chính mối hiểm nguy, dù nước ngày một ấm lên, nó cũng vẫn thấy thoải mái mà không biết Tử thần đã đến rất gần.
Nếu cứ để mặc bản thân trì trệ, tự thỏa mãn với hiện tại một cách tạm bợ, sợ hãi sự thay đổi và đột phá, con người cũng sẽ tự làm hại tính mạng của mình mà không hề hay biết. Tâm lý sợ hãi khi đánh mất sự quen thuộc sẽ khiến chúng ta ở lỳ trong nồi nước sôi, để rồi đến lúc phát hiện cần phải nhảy ra thì đã quá muộn rồi.
Nguồn CafeF
0 comments:
Đăng nhận xét