20 thg 12, 2019

4 tập đoàn lớn tại Việt Nam sử dụng phần mềm "lậu" với tổng giá trị vi phạm lên đến 220.000 USD

Các đơn vị này thuộc các lĩnh vực công nghiệp trọng điểm như dệt may, linh kiện vận tải đặt tại Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hưng Yên và Bắc Ninh. 3/4 tập đoàn bị thanh tra phần mềm trong tháng 11 có vốn đầu tư lớn từ nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam.
Một chiến dịch truy quét phần mềm bất hợp pháp được BSA phối hợp với các cơ quan chức năng Việt Nam thực hiện trong năm 2016. Ảnh minh họa

Báo cáo từ BSA – Liên minh phần mềm, cho biết: trong tháng 11, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã thanh tra đột xuất 4 tập đoàn, công ty đang sử dụng các phần mềm bất hợp pháp trong hoạt động kinh doanh với tổng giá trị vi phạm lên tới 220.000 USD.

Các đơn vị này thuộc các lĩnh vực công nghiệp trọng điểm như dệt may, linh kiện vận tải đặt tại Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hưng Yên và Bắc Ninh. Ba trong số bốn tập đoàn bị thanh tra trong tháng 11 có vốn đầu tư lớn từ nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam.

Kể từ đầu năm 2019, các lực lượng chức năng của Việt Nam đã thanh tra 50 công ty sử dụng phần mềm bất hợp pháp. Tất cả đều là các tập đoàn, công ty quy mô lớn sử dụng phần mềm không phép trên máy tính công ty (PC) và trong các hoạt động kinh doanh khác.

"Tất cả các công ty vi phạm bị thanh tra đều có quy mô với vốn đầu tư lớn, hoàn toàn có khả năng mua bản quyền cho các phần mềm. Nhưng họ đã cố tình phớt lờ các cảnh báo từ BSA thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội. Chúng tôi tin rằng nếu tất cả các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam đều tuân thủ quy định, điều đó sẽ mang lại lợi ích tốt nhất cho tất cả", ông Tarun Sawney, Giám đốc cấp cao của BSA tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết.

Hồi tháng 10, BSA đã ra mắt một chiến dịch nhằm cung cấp thông tin, kiến thức cho các CEO cần loại bỏ việc sử dụng phần mềm trái phép; song dường như chẳng mấy lãnh đạo doanh nghiệp Việt quan tâm. Ngoài Việt Nam, chiến dịch này còn được phổ biến tại Indonesia, Philippines và Thái Lan.

Theo ông Tarun, mục tiêu của BSA là bảo vệ và ủng hộ quyền của những đơn vị phát triển phần mềm để họ có thể tiếp tục tạo ra phần mềm sáng tạo, chất lượng cao được các công ty trên khắp thế giới sử dụng. Thế nên, các cuộc thanh tra của Chính phủ là phương án bất đắc dĩ cuối cùng mà họ buộc phải áp dụng khi không thể thuyết phục các công ty tự giác thực hiện đúng luật.

BSA luôn mong muốn các chủ doanh nghiệp tự giám sát hoạt động và chủ động lựa chọn hợp pháp hóa các phần mềm họ sử dụng. Khi đó, sẽ không cần tới các cuộc thanh tra nữa!

BSA nhấn mạnh rằng, ngoài việc tránh các rắc rối về mặt pháp lý, hợp pháp hóa phần mềm còn có một số lợi ích như giúp các tập đoàn ngăn chặn các nguy cơ bị tấn công mạng, cải thiện năng suất, giảm thời gian trì hoãn, quản lý tập trung các giấy phép và giảm thiểu chi phí nhờ vào các gói đăng ký sử dụng linh hoạt.

Theo Trí Thức Trẻ

0 comments:

Đăng nhận xét