Đài Loan là vùng lãnh thổ đầu tiên ở châu Á chính thức công nhận hôn nhân đồng tính vào tháng 5 vừa qua. Quyết định đã biến hòn đảo này thành “thiên đường du lịch” đối với cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT).
Cộng đồng LGBT thường ít đi du lịch bởi e ngại định kiến tại điểm đến. Ảnh. Remotelands
Bởi vì tôi là LGBT…
Ngày 17/5 vừa qua, hàng ngàn người ủng hộ quyền của cộng đồng LGBT đã tập trung bên ngoài cơ quan lập pháp Đài Loan. Bất chấp mưa lớn, họ vẫy cờ cầu vồng, lao vào ôm nhau trong cảm xúc vui sướng vỡ oà khi điều luật cho phép hôn nhân đồng tính đã được thông qua, đúng vào Ngày quốc tế chống lại nạn phân biệt, kỳ thị LGBT. LGBT là thuật ngữ chỉ những cá nhân có xu hướng tính dục không phải là dị tính trong xã hội, bao gồm đồng tính luyến ái nam, đồng tính luyến ái nữ, song tính luyến ái và chuyển giới.
Hiện nay, có 11 quốc gia, 10 vùng lãnh thổ đã chính thức hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Hà Lan là nơi khởi đầu từ năm 2001. Tại một số quốc gia như Mexico và Anh, hôn nhân đồng tính chỉ được công nhận ở những khu vực nhất định. Đa phần các nước châu Á, hôn nhân đồng tính vẫn chưa được công nhận, cộng đồng LGBT vẫn hứng chịu nhiều định kiến xã hội, áp lực tâm lý, thậm chí là bạo lực về thể xác. Do vậy, cộng đồng LGBT thường e ngại đi du lịch vòng quanh thế giới, bởi họ biết nhiều đất nước, nhiều cộng đồng không hề chào đón họ, thậm chí còn đối xử với họ bằng ánh mắt “thù địch”.
Ở Việt Nam, hôn nhân đồng giới chưa được cho phép, nhưng đã và đang có rất nhiều cuộc tranh luận ủng hộ điều này. Đáng nói, một cuộc khảo sát được tiến hành từ năm 2013 và được công bố vắn tắt trên báo cáo năm 2017 của UNWTO đã kết luận “những tour du lịch được thiết kế đặc biệt cho khách LGBT tại Việt Nam là hoàn toàn khả thi, nhưng cần cân nhắc nhiều yếu tố”, trong đó ngoài sự an toàn còn phải tính đến sự thấu hiểu và chấp nhận của người dân địa phương.
Bảo đảm an toàn cho du khách là một vấn đề phức tạp hơn nhiều người nghĩ. Một số số liệu nước ngoài có thể gợi lên nhiều suy ngẫm: Năm 2013, có khoảng 6.000 vụ bạo lực ở Mỹ do phân biệt đối xử nhắm đến người đồng tính, chiếm 20,8% số vụ bạo lực ở nước này. Ở Brazil, từ năm 2007 - 2012, 1.341 người LGBT được báo cáo là bị giết chết. Có khoảng 1.399 người chuyển giới ở 64 quốc gia bị giết chết trong khoảng từ năm 2008 tới năm 2015.
Còn ở Việt Nam, theo nghiên cứu của hai học giả Lương Thế Huy và Phạm Quỳnh Phương (Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE)), người LGBT tại nước ta phải đối mặt với bạo lực chủ yếu từ những người quen biết ở trường học, gia đình, nơi làm việc. Số lượng người bị bạo lực từ người lạ ở bên ngoài thấp hơn so với nhiều nước trên thế giới, nhưng vẫn xảy ra.
Theo hai nhà nghiên cứu, hành vi tấn công từ người thân phổ biến và có tính chất kéo dài thì tấn công bạo lực từ người lạ lại xảy ra bất ngờ, kết thúc nhanh mà khó tìm ra cách xử trí. Vì vậy, cả hai nguồn bạo lực này đều có thể đánh giá là ảnh hưởng nghiêm trọng tới người LGBT. Theo đó, người đồng tính nam, chuyển giới nam là đối tượng bị bạo lực cao nhất (lần lượt 45,5% và 18,2%) trong cộng đồng LGBT.
Mặc dù Hiến pháp đa số các nước trên thế giới đều công nhận quyền tự do đi lại, quyền bất khả xâm phạm về cơ thể… của mọi người; nhưng có thể thấy cộng đồng LGBT đang ở một vị thế bất bình đẳng hơn so với người dị tính. Bộ trưởng Bộ Du lịch Malaysia tháng 3 năm nay nói trước các phóng viên nước ngoài rằng: “Không có người đồng tính nào ở quốc gia này”. Tuyên bố này đã “chặt đứt” mong muốn đặt chân đến đất nước này của hàng triệu người trong cộng đồng LGBT trên toàn thế giới.
Đài Loan là nơi đầu tiên ở châu Á cho phép hôn nhân đồng tính. Ảnh. Reuters
Ngàch du lịch tỷ đô còn bỏ ngỏ
Ngành du lịch dành cho cộng đồng LGBT (LBGT tourism) đã trở thành một thuật ngữ chính thức được sử dụng trong các văn bản của Liên Hợp quốc. Tuy vậy, đa phần cộng đồng LGBT vẫn thường cảm thấy “khó hòa nhập”, “lạc lõng”, khi đăng ký các tour du lịch thông thường theo đoàn, theo Báo cáo toàn cầu của Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc (UNWTO) công bố năm 2017.
Trên nền tảng cho thuê căn hộ Nestpick, Thủ đô Bangkok (Thái Lan) được hàng triệu người dùng xếp hạng Thành phố tốt nhất châu Á dành cho du khách LGBT, trên cả Tokyo, Hong Kong và Thượng Hải (Trung Quốc). Doanh thu từ riêng du khách LGBT được dự báo đạt con số 5,3 tỉ USD tại Thái Lan trong năm nay, đóng góp tới 1,15% cho nền kinh tế cả nước. Dù vậy, doanh thu trên vẫn thấp hơn Mỹ, Tây Ban Nha hay Anh, những nơi có màn diễu hành quy mô lớn đầy màu sắc của cộng đồng LGBT.
Mặt khác, cũng có một “thánh địa LGBT” tại các vùng Mỹ Latinh mang tên Buenos Aires – thủ đô của Argentina. Song, thủ đô này không phải là nơi duy nhất. Thấy được “miếng bánh béo bở” từ nhu cầu du lịch của những “vị khách đặc biệt” này, hàng loạt thành phố “thân thiện với LGBT” tại Argentina cũng lần lượt “ra đời” như một hệ quả tất yếu “có cầu ắt có cung”.
Năm 2012, số tiền mà LGBT toàn thế giới chi trả cho hoạt động du lịch đã vượt quá con số 165 tỷ USD, theo nghiên cứu của Out Now Bussiness Class - Hiệp hội Kết nối doanh nghiệp kinh doanh về LGBT hàng đầu thế giới.
Du lịch LGBT không chỉ là một hình thức kinh doanh tạo lợi nhuận, còn mang nhiều ý nghĩa nhân văn đối với cộng đồng LGBT, giúp họ hoà nhập, góp phần cởi mở quan điểm của xã hội về những người này. Cũng giống như các ngành du lịch thông thường, ngành du lịch dành cho cộng đồng LGBT vẫn chú trọng phần lớn vào địa điểm, nơi ăn chốn ở và các dịch vụ, hoạt động đặc thù với mong muốn của du khách. Đặc biệt, ở những nước đã công nhận hôn nhân đồng tính như Đài Loan, du lịch LGBT phát triển mạnh mẽ hơn.
Có một nghịch lý từ thực tế, nền văn hoá bản địa chính là một động lực lớn thôi thúc sự tò mò, khám phá, tìm hiểu của du khách LGBT, đây cũng là rào cản lớn nhất đối với họ. Mặc dù ở Thái Lan dự luật liên quan đến hôn nhân đồng giới vẫn “giậm chân tại chỗ” nhiều năm nay nhưng xã hội Thái Lan đa phần cởi mở với người giới tính thứ ba. Phát ngôn của Phó Cục trưởng Cục Du lịch Thái Lan Srisuda Wanapinyosak hồi tháng 3 năm nay đã thể hiện quan điểm của ngành du lịch nước này: “Trọng tâm của chúng tôi sẽ là làm thế nào để có thể phục vụ cộng đồng LGBT tốt hơn nữa”.
Tự do du lịch là mong muốn của rất nhiều người thuộc LGBT. Ảnh TheFreedomTravellers
Người Việt đã và đang cởi mở
Từ năm 2015, Việt Nam đã chính thức bãi bỏ điều luật cấm hôn nhân đồng giới. Quyết định này đã ảnh hưởng tích cực tới du khách LGBT trong nước và quốc tế. Theo TS. Nguyễn Thu Thủy - Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, khi đề cập tới du lịch LGBT, các nhà nghiên cứu quan tâm đến các vấn đề như: Điểm đến thân thiện với LGBT; chỗ ở và dịch vụ thu hút du khách LGBT; các vấn đề văn hóa và an toàn cho LGBT khi đi du lịch...
Sản phẩm du lịch chuyên biệt dành cho LGBT (LGBT tour) tại Việt Nam hoàn toàn có thể được xây dựng và phát triển với mục đích khắc phục những khó khăn, bất lợi đối với khách du lịch LGBT, tạo thương hiệu cho sản phẩm và phát triển thị trường ngách đầy tiềm năng này. Cốt lõi của loại hình dịch vụ du lịch hướng tới du khách LGBT là tạo nên những sản phẩm, dịch vụ, điểm đến thân thiện, tạo cho du khách sự tôn trọng và thoải mái về tâm lý.
Khách quan mà nói, từ xa xưa, một bộ phận người Việt đã nhìn thấy trước và cởi mở cho dòng du khách đặc biệt này. Điều này đã được ghi chép lại trong một số văn bản lịch sử. Đặc biệt nhắc tới nghiên cứu của TS. Jakob Pastoetter trong “Bách khoa tự điển về tính dục Việt Nam”: “Trong thời gian chiến tranh ở Việt Nam, tại Sài Gòn có 18 quán bar dành cho đồng tính nam và 3 quán bar dành cho đồng tính nữ. Nhiều khách hàng tại các quán bar đồng tính nam là thương gia ở tuổi trung niên, sinh viên dưới 20 tuổi và rất ít người ẻo lả như phụ nữ. Có nhiều hộp đêm, quán cà phê và dịch vụ xông hơi dành cho khách hàng đồng tính. Nhiều trẻ em mồ côi hay nghèo đói do chiến tranh công khai mời mọc khách hàng tại các góc đường”.
Hiện nay, có thể thấy, các điểm đến, cơ sở lưu trú thân thiện với cộng đồng LGBT ngày càng trở nên phổ biến hơn ở Việt Nam; không chỉ tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… mà còn có xu hướng tăng lên ở các địa phương khác. Bên cạnh đó, không chỉ các cơ sở lưu trú mà các công ty lữ hành, hãng vận tải, cơ sở dịch vụ giải trí, dịch vụ bổ sung dành riêng cho khách du lịch LGBT cũng sẽ xuất hiện nhiều hơn để “chào đón” nhóm du khách này.
Thiết nghĩ, thách thức lớn nhất trước mắt chính là thay đổi định kiến xã hội không phải một việc dễ dàng, nhanh chóng. Nói cách khác, sự thấu hiểu cần được cởi mở trong nhận thức của mọi nguồn lực của ngành du lịch, từ người tư vấn tour, hướng dẫn viên du lịch, nhân viên lễ tân, tài xế, phục vụ đến người dân địa phương…
Nguồn Báo Pháp Luật
0 comments:
Đăng nhận xét