25 thg 12, 2019

Công chức cấp xã phải có bằng đại học: Ai sẽ làm?

Thông tư số 13/2019/TT-BNV, có hiệu lực từ ngày 25/12/2019, mới được Bộ Nội vụ ban hành, đã được xã hội đặc biệt quan tâm, với hy vọng là sẽ tạo nên một biến chuyển mới về chất lượng công chức cấp xã.

Theo đó, ngoài các tiêu chuẩn theo quy định tại điều 3 Nghị định 112/2013/NĐ-CP của Chính phủ, thì theo thông tư số 13/2019/TT-BNV, công chức cấp xã còn bắt buộc phải có bằng đại học trở lên của ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng chức danh công chức cấp xã.

Đối với các xã vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, thì bằng cấp là chuyên môn nghiệp vụ từ trung cấp trở lên. Riêng đối với những công chức cấp xã được tuyển dụng trước ngày 25/12/2019 nhưng chưa đạt chuẩn như trên, thì có 5 năm để đáp ứng tiêu chuẩn đó.

Công chức cấp xã (bí thư, phó bí thư đảng ủy xã; chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã; chủ tịch, phó chủ tịch HĐND xã; bí thư đoàn thanh niên, chủ tịch hội phụ nữ xã...) là những người gần dân nhất, hàng ngày phải giải quyết rất nhiều yêu cầu của cộng đồng dân cư, thuộc đủ các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, đất đai, an ninh trật tự...

Nhưng hiện tại, hầu hết các công chức cấp xã chưa được đào tạo đầy đủ. Số người tốt nghiệp đại học rất hiếm. Đa số chỉ hết PTTH, có người thậm chí chỉ lớp 7, lớp 8. Hàng ngàn vụ vi phạm pháp luật của đội ngũ công chức này có nguồn gốc từ việc không hiểu biết về những quy định của pháp luật trong lĩnh vực mình phụ trách.

Việc bắt buộc công chức cấp xã phải có bằng đại học trở lên, nếu trở thành hiện thực, thì sẽ nâng tầm của công chức cấp xã, khiến hiệu quả làm việc của họ tăng lên rất nhiều.

Nhưng, thứ nhất, muốn trở thành công chức cấp xã, phải là đảng viên. Hơn thế nữa phải trở thành đảng ủy viên, thường vụ đảng ủy. Nếu một thanh niên 23 tuổi tốt nghiệp đại học về quê, để trở thành đảng viên phải mất không ít thời gian. Rồi lại thêm một thời gian rất dài nữa để được bầu vào những chức danh trong đảng nói trên, để được trở thành công chức cấp xã.

Vậy có bao nhiêu sinh viên tốt nghiệp đại học sẽ về quê để phấn đấu? Trong khi để có được tấm bằng đại học, bố mẹ họ phải thắt lưng buộc bụng bốn năm năm trời. Chẳng lẽ học xong lại trở thành “cóc chết năm năm” để “quay đầu về núi”?

Thứ hai, mức lương của công chức cấp xã hiện tại cũng chưa thực sự hấp dẫn đối với những người trẻ tuổi. Bí thư, chủ tịch UBND xã bậc 1 hiện chỉ trên 3 triệu đồng mỗi tháng. Với mức lương đó, thì nuôi mình còn chưa nổi, nói gì đến nuôi vợ con, lo nhà cửa? Vì thế, trong trường hợp không xin được việc, thì những người có bằng đại học thà giấu bằng để đi làm công nhân còn hơn.

Vì thế mà rất có thể vị trí công chức cấp xã sẽ chỉ còn những ông trung niên đảm nhiệm, rồi cuống quýt học đại học tại chức, đại học từ xa, thậm chí học giả bằng thật, chỉ để hợp thức hồ sơ.

Nguồn Báo Nông Nghiệp

0 comments:

Đăng nhận xét