Thủ tướng Shinzo Abe vừa tung gói kích thích tài khóa đầu tiên của Nhật Bản kể từ năm 2016, theo đó chi 13,2 nghìn tỷ Yên, tương đương 121 tỷ USD, để khắc phục thảm họa thiên tai, nâng cấp cơ sở hạ tầng và đầu tư vào các công nghệ mới.
Theo tờ Financial Times, gói kích cầu trên dự kiến được triển khai trong thời gian 15 tháng và là một trong những gói chi tiêu mạnh nhất của Nhật Bản kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Kế hoạch này được đưa ra trong bối cảnh Nhật Bản tìm cách ngăn đà giảm tốc của nền kinh tế trong nước dưới tác động của kinh tế toàn cầu suy yếu, đợt tăng thuế tiêu thụ gần đây của Nhật, và rủi ro suy giảm tăng trưởng sâu hơn sau khi nước này đăng cai Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020.
Gói kích cầu được xem như một sự thừa nhận ngầm rằng nền kinh tế Nhật Bản vẫn đang ở trong trạng thái dễ tổn thương cho dù đã tăng trưởng 7 năm liên tiếp dưới sự lãnh đạo của ông Abe. Kế hoạch cũng đánh dấu sự trở lại của việc Chính phủ Nhật mạnh tay chi tiêu như trong những ngày đầu của chiến lược chấn hưng tăng trưởng Abenomics do ông Abe khởi xướng.
Động thái trên của Nhật Bản phù hợp với xu hướng chung của nhiều quốc gia trên thế giới chuyển sang nới lỏng tài khóa để ứng phó với sự suy giảm nhu cầu của khu vực kinh tế tư nhân. Việc các chính phủ tăng chi tiêu để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế diễn ra trong một môi trường tương đối thuận lợi là lãi suất trên toàn cầu giảm xuống mức siêu thấp, thậm chí đang ở mức âm tại nhiều quốc gia.
"Trong kế hoạch kích thích kinh tế đầu tiên của thời Lệnh Hòa, chúng ta đã có thể đưa ra được một gói chi tiêu mạnh mẽ phù hợp", ông Abe phát biểu tại một cuộc họp của liên minh cầm quyền trước khi nội các của ông ra quyết định về gói chi tiêu. Lệnh Hòa là niên hiệu của tân Hoàng đế Nhật Bản Naruhito.
"Ba trụ cột của gói kích thích kinh tế này là hồi phục, tái thiết, và an toàn trước thiên tai; hỗ trợ để vượt qua nguy cơ kinh tế giảm tốc; và đầu tư cho tương lai sau Olympic Tokyo", ông Abe cho hay.
Số tiền của kế hoạch chi tiêu trên tương đương khoảng 1,9% tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Nhật Bản trong vòng 15 tháng, lớn hơn nhiều so với khoản ngân sách bổ sung 3 nghìn tỷ Yên của năm ngoái, và được cho là đủ lớn để tạo ảnh hưởng đối với nền kinh tế.
Tuy nhiên, số tiền ròng thực sự được bơm vào nền kinh tế là một con số chưa được xác định cụ thể, bởi từ tháng 10 vừa qua, thuế tiêu thụ ở Nhật Bản đã tăng từ 8% lên 10%, và ngân sách thường niên của Chính phủ Nhật trong tài khóa tới có thể bị cắt giảm.
Mấy năm gần đây, Nhật Bản gặp khó trong việc tăng chi tiêu công để hỗ trợ tăng trưởng, nguyên do là tình trạng thiếu lao động dẫn tới các dự án khó triển khai.
Theo dự kiến, gói kích cầu vừa được công bố sẽ được phân bổ theo tỷ lệ 50-50 giữa chi tiêu trực tiếp của Chính phủ và đầu tư của các doanh nghiệp được cấp vốn thông qua hoạt động đi vay của Chính phủ.
Truyền thông Nhật Bản cho biết, kế hoạch sẽ bao gồm số tiền lên tới 220 tỷ Yên, tương đương 2 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển (R&D) về công nghệ viễn thông di động hậu 5G - công nghệ viễn thông thế hệ mới nhất mới được đưa vào sử dụng trên thế giới.
Ngoài ra, kế hoạch cũng bao gồm 50 tỷ Yên, tương đương 460 triệu USD, hỗ trợ các nhà nghiên cứu khoa học trẻ và cấp vốn cho các dự án có tính đột phá, tốn kém nhưng không có cơ hội thành công rõ ràng (moonshot project), đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu y sinh.
Nguồn VNECONOMY
0 comments:
Đăng nhận xét